Vì sao ngành Lưu trữ học khó tuyển dụng giảng viên?
Trong môi trường chuyển đổi số, cách mạng 4.0, chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học của một số cơ sở giáo dục đổi mới từ nội dung đến thực hành.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về ngành Lưu trữ học, Thạc sĩ Trần Bá Hùng – Phó Trưởng khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Lưu trữ học tại trường được tổ chức giảng dạy theo triết lý giáo dục chung là “Toàn diện – Khai phóng – Đa văn hóa”.
Thầy Hùng nói: “Mục tiêu của ngành Lưu trữ học là trang bị cho sinh viên phẩm chất chính trị tư tưởng vững vàng, kiến thức cốt lõi về khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức toàn diện và hệ thống về văn thư, lưu trữ, kỹ năng hành chính, tin học, ngoại ngữ để phân tích, tổng hợp, xử lý công việc linh hoạt và dễ dàng thích ứng với môi trường làm việc mới”.
Thời gian đào tạo của ngành này gồm 7 học kỳ (tương đương 3,5 năm) với 120 tín chỉ gồm các khối kiến thức: giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành, kiến thức bổ trợ, thực tập và khóa luận tốt nghiệp.
“Chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học của các cơ sở giáo dục đều hướng đến phát triển đồng bộ kiến thức, kỹ năng và thái độ cho người học sau khi tốt nghiệp, nhất là các yêu cầu gắn với đặc thù của ngành.
Đồng thời, các chương trình đào tạo cũng xác định mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Nhiều môn học được thiết kế có sự tương đồng nhất định. Tuy nhiên việc xác định chuẩn đầu ra, phân bổ các môn học và tổ chức giảng dạy của mỗi cơ sở giáo dục sẽ có những điểm đặc thù nhất định”, thầy Hùng nhận định.
Về công tác tuyển sinh của ngành học, thầy Hùng cho biết, hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh dao động từ 60 - 65 sinh viên..
Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của lãnh đạo nhà trường và các phòng ban, giảng viên của Khoa cũng tham gia tích cực vào công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, giảng viên của Khoa khó duy trì và tham gia thường xuyên công tác tuyển sinh.
Cùng chia sẻ với phóng viên, Thạc sĩ Vũ Thị Thu Hường - Phó Trưởng khoa Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Điểm khác biệt của ngành Lưu trữ học đào tạo tại phân viện so với cơ sở đào tạo khác là chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, chú trọng vào việc thực hành, thực tập của sinh viên”.
Theo đó, khóa 2020-2024 là khóa đầu tiên tuyển sinh ngành Lưu trữ học của phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuyển sinh khóa thứ 2 năm học 2021-2025, Khoa cùng phân viện có những chính sách hỗ trợ sinh viên theo học ngành này.
Đơn cử, sinh viên năm nhất được nhận học bổng toàn phần; hỗ trợ 2 năm chi phí ở ký túc xá trong quá trình học tập tại phân viện; sinh viên được giới thiệu công việc làm thêm liên quan đến ngành như: lập hồ sơ, chỉnh lý tài liệu cho các công ty, doanh nghiệp.
Theo cô Hường, điều này giúp sinh viên có cơ hội cọ xát với nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Về công tác tuyển sinh tại phân viện, trong những năm gần đây, Khoa luôn đạt chỉ tiêu tuyển sinh do Học viện Hành chính Quốc gia đề ra. Lý giải điều này, Thạc sĩ Vũ Thị Thu Hường nói: “Khoa đã có hoạt động tư vấn tuyển sinh ở các trường trung học phổ thông tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn lân cận. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của phân viện dao động từ 40-60 sinh viên, con số này đáp ứng được tình hình thực tế về nhu cầu việc làm của doanh nghiệp khu vực phía Nam”.
Cọ xát với môi trường thực tế qua nhiều hoạt động trải nghiệm
Hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Lưu trữ học đã có những đổi mới, bắt kịp với xu thế của công nghệ hiện đại và cách mạng công nghiệp 4.0.
Thạc sĩ Trần Bá Hùng cho biết: “Bên cạnh việc tiến hành rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo quy định của trường, định kỳ 2 năm/lần, Khoa còn dựa theo kết quả khảo sát của cựu sinh viên, nhà tuyển dụng, giảng viên, chuyên gia, báo cáo khảo sát thị trường lao động của cơ quan nhà nước để bổ sung, cập nhật nội dung mới”.
Trong đó, Khoa Lưu trữ học – Quản trị văn phòng đã bổ sung nội dung liên quan đến công tác văn thư điện tử, lưu trữ điện tử, lưu trữ số để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong công tác lưu trữ.
Ngoài ra, thị trường lao động nói chung và ngành Lưu trữ học nói riêng cũng đòi hỏi đội ngũ nhân sự vừa có kiến thức mang tính chuyên môn sâu, vừa am hiểu các lĩnh vực có liên quan. Do đó, Khoa đã thiết kế chương trình đào tạo theo hướng liên ngành với kiến thức bổ trợ cho công việc văn thư, lưu trữ.
Bên cạnh việc tham quan thực tế, thực hành nghiệp vụ, việc thực hành của sinh viên đang được nhà trường tiếp tục hoàn thiện theo hướng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, loại hình thực hành để sinh viên được thực hành nhiều hơn, đa dạng hóa đơn vị thực tập, thực tế. Điều này giúp sinh viên làm quen với nhiều môi trường làm việc khác nhau.
Còn theo cô Hường chia sẻ: “Đặc trưng của ngành là làm việc liên quan đến quản lý hồ sơ tài liệu, tìm kiếm và khai thác thông tin trong tài liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu ở hiện tại và lâu dài của toàn xã hội trên mọi lĩnh vực.
Do đó, chương trình đào tạo luôn được thiết kế phù hợp với nhu cầu thực tế, Khoa đã bổ sung một số môn học trong đó chú trọng nội dung thực hành trong môi trường chuyển đổi số, có thiết bị hiện đại. Ngoài ra, Khoa cũng thường xuyên tổ chức buổi thăm quan, thực hành, thực tập giúp sinh viên có cơ hội quan sát và ứng dụng kiến thức trong trường vào môi trường thực tế”.
Bên cạnh những thuận lợi, theo cô Hường, ngành Lưu trữ học của phân viện đến năm 2024 mới có sinh viên khóa đầu tiên tốt nghiệp nên chưa có cơ sở để đánh giá chất lượng đầu ra về khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế của sinh viên theo học ngành này.
Tuy nhiên, Khoa luôn hy vọng sinh viên khóa 2021-2024 sẽ đáp ứng được nhu cầu của công việc trong tình hình hiện nay vì các em lứa sinh viên nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình của Khoa, giảng viên và cán bộ quản lý từ công tác học tập đến hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đề cập đến cơ hội việc làm của sinh viên ngành Lưu trữ học, Thạc sĩ Hùng thông tin thêm, sinh viên sau khi ra trường có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau như lưu trữ viên, chuyên viên văn thư, chuyên viên hành chính tổng hợp tại doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội,…
Ở Việt Nam, số lượng cơ sở đào tạo ngành Lưu trữ học không nhiều dẫn đến việc tuyển dụng giảng viên đúng chuyên môn của trường gặp những khó khăn nhất định. Vì vậy, thầy Hùng đề xuất, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm và đổi mới các chính sách dành cho giảng viên, hoàn thiện và triển khai thực hiện cải cách tiền lương, nhất là trả lương theo vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, về phía cơ sở giáo dục đào tạo cần tiếp tục quan tâm phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, phát triển đổi ngũ giảng viên, công tác tuyển sinh, đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo và quá trình tổ chức giảng dạy, học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của sinh viên và của thị trường lao động.
Về phía doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục để tổ chức ngày hội tuyển dụng, ngày hội việc làm, tham gia đóng góp điều chỉnh chương trình đào tạo cho các cơ sở giáo dục.
Còn với sinh viên cần nêu cao ý thức học tập, rèn luyện, tính chủ động, sáng tạo trong quá trình học tập. Đồng thời xác định rõ định hướng nghề nghiệp trong tương lai để có hướng học tập và phát triển chuyên môn phù hợp.
Đồng tình với quan điểm này, cô Hường chia sẻ: “Bên cạnh việc quan tâm, khuyến khích chất lượng học tập của sinh viên, cần đẩy mạnh thêm hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên thông qua việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến của sinh viên”.