Vì sao ngành NN-PTNT phải cảnh báo người trồng mía ở Sóc Trăng, Hậu Giang?
Vào tháng 2 năm nay, người trồng mía ở tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng được 'nếm vị ngọt'. Vì sao cây mía bỗng nhiên 'lên hương' nhưng Phòng NN-PTNT của tỉnh lại cảnh báo người trồng mía?
Hiện nay, người trồng mía ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đang bước vào vụ thu hoạch. Giá mía năm nay tăng nên người trồng có lãi, bà con vui mừng.
Bà Dương Thị Chùy, xã An Thạnh 2 cho biết: “Năm nay, cây mía được giá, những người trồng như tôi rất phấn khởi. Năng suất mía đạt từ 8 - 12 tấn/1 công (1 công bằng = 1.000m2). Giá mía thương lái thu mua cung ứng cho lò đường từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tấn. Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân trồng mía chỉ lời từ 2 - 4 triệu đồng đồng/1 công.
Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Vụ mía năm nay nông dân trồng khoảng 2.800 ha , tập trung ở các xã An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Nam, An Thạnh Đông. Với giá bán như hiện nay mà nông dân bán cho thương lái nhằm cung ứng cho lò sản xuất đường tuy có lãi nhưng không nhiều”.
Đặc biệt, ngoài những hộ trồng mía bán cho lò sản xuất đường, có một số hộ chuyển sang trồng mía bán cho thương lái chuyên chở đi TP.HCM và các tỉnh để cung cấp cho các xe nước mía ép lấy nước.
Bà Lâm Thị Chi ở An Thạnh Đông cho biết, gia đình bà trồng khoảng 1.500m2 mía lấy nước, thương lái mua toàn bộ diện tích (theo kiểu mua mão) là 22 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, bà Chi còn lời được khoảng 10 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Do, một nông dân ở xã An Thạnh 2 thu hoạch mía bán cho thương lái cung cấp mía ép khu vực TP.HCM và Bình Dương, cho biết, gia đình ông trồng được 2.000m2 mía. Do mía tốt nên thương lái mua mão với giá 60 triệu đồng 2 công. Sau khi trừ chi phí ông còn lời được 30 triệu đồng. So với việc trồng mía làm nguyên liệu sản xuất đường thì trồng mía bán cho những người ép nước mía có lãi cao hơn.
Trong khi đó, tại Hậu Giang, Nhà máy đường ở Vị Thanh, Phụng Hiệp đang thu hẹp sản xuất. Mỗi năm, nhà máy này chỉ có 1 tháng, thời gian còn lại máy móc nằm không, phải bảo trì tốn kém nên bị thua lỗ…
Nông dân Sóc Trăng và Hậu Giang cũng lao đao khi mía liên tục rớt giá. Nhiều người phải bỏ loại cây trồng này chuyển sang canh tác hoa màu khác.
Tuy nhiên, đầu năm 2023 đến nay, "điều lạ lùng đã xảy ra". Thị trường mía cây bỗng trở nên nhộn nhịp, cây mía bật tăng giá khiến nhiều nông dân phấn khởi.
Mía bán chục được giá và có thu nhập cao nên nhiều nông dân ở tỉnh Hậu Giang đua nhau trồng bán chục để ép lấy nước. Huyện Phụng Hiệp là vùng mía nguyên liệu lớn nhất vùng ĐBSCL. Cách đây 2 - 3 năm, nông dân vùng này phải phá bỏ cây mía thì nay lại đua nhau trồng, diện tích trồng mía cũng vì thế mà tăng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Phụng Hiệp đang cảnh báo cung vượt cầu.
Ông Trương Văn Năm ở xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp - người trồng 7 công mía cho biết: “Tôi trồng 7 công mía, mới 8 tháng tuổi, thương lái mua mão hết 7 công là 180 triệu đồng. Tính ra hơn 25 triệu đồng/ 1 công mía. Thấy vậy ai cũng ham nên bây giờ nông dân kéo nhau trồng mía trở lại”.
Sau nhiều năm cây mía rớt giá thì hiện nay, giá mía tăng khá cao, chủ yếu là mía cây bán cho thương lái cung cấp cho các xe bán nước mía. Lúc cao điểm nhất, mía cây được thu mua gần 3.000 đồng/kg, trong khi nhà máy đường chỉ thu mua ở mức 1.200 - 1.400 đồng/kg. Với năng suất mía bình quân ở mức 10 - 12 tấn/1 công, giá mía thương lái mua trung bình khoảng 3.000 đồng/kg. Tính ra mỗi công mía nông dân có lãi từ 15 - 20 triệu đồng (sau khi trừ hết chi phí). Với giá này những người dân trồng mía trước đây mơ cũng không có được.
Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, theo định hướng của huyện, từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục giảm diện tích mía, chỉ duy trì ở mức 2.000 - 2.500 ha. Do đó, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con thận trọng trong việc mở rộng diện tích trồng mía nhằm tránh tình trạng gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Casuco - Công ty CP mía đường Cần Thơ đang thu hẹp sản suất do khó khăn về nguyên liệu, và phải duy trì hoạt động trong tình trạng không có lãi. Mía trồng ở hai tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang chỉ cung ứng 1 phần cho Casuco, một phần cho nhà máy đường ở Sóc Trăng. Còn lại là bán chục cho thương lái cung đi TP.HCM và các tỉnh để bán mía ép.
Bài học cung-cầu mà hầu như năm nào cũng xảy ra, chính quyền, người dân phải kêu gọi nhau "giải cứu" trái cây, giải cứu nông sản. Và nếu người nông dân kéo nhau tăng diện tích trồng mía với hy vọng bán mía ép lấy nước có lãi thì điều gì sẽ xảy ra khi cung vượt cầu?