Vì sao ngày vía Thần Tài lại mua vàng, cúng cá lóc?

Ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm được chọn làm ngày vía Thần Tài. Vào ngày này mọi người thường đi mua vàng, chuẩn bị mâm cúng có cá lóc nướng để cầu may mắn, tài lộc.

Người xưa cho rằng, vào ngày vía Thần tài (tức mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) sẽ là ngày tốt nhất để mua vàng, với mong ước về một năm mới làm ăn phát đạt, thành công.

Vậy vì sao lại có quan niệm mua vàng, cúng cá lóc nướng vào ngày vía Thần tài thì sẽ mang đến may mắn, tài lộc, có lẽ phải bắt nguồn từ nguồn gốc ra đời của ngày này.

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày vía Thần tài

Tục thờ Thần Tài có mặt ở Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20 gắn với một câu chuyện khá thú vị về một vị thần là Thần Tài.

Theo truyền thuyết từ xưa, Thần Tài là vị thần sống trên trời, trong một lần xuống dưới hạ giới do uống rượu say, đầu va vào đá nên không nhớ mình là ai.

Trong quá trình lưu lạc dưới nhân gian, quần áo Thần Tài mặc trên người bị người dân đem đi bán. May thay, khi Thần Tài đi lang thang ăn xin thì được một cửa hàng bán gà, vịt mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng.

Ngày vía Thần Tài, người dân thường mua vàng, mâm cúng có cá lóc nướng để cầu may mắn, tài lộc. (Ảnh minh họa)

Ngày vía Thần Tài, người dân thường mua vàng, mâm cúng có cá lóc nướng để cầu may mắn, tài lộc. (Ảnh minh họa)

Được một thời gian, người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày được ăn uống ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi.

Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn cho người ăn mày nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi. Quán đối diện thấy vậy liền mời Thần Tài vào ăn, kỳ lạ thay mọi người lại kéo hết sang quán này ăn.

Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua. May mắn thay, Thần Tài tìm lại được đúng quần áo của mình.

Sau khi mặc quần áo, đội mũ nón, thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó.

Tại sao người dân lại đi mua vàng ngày vía Thần tài?

Dù chỉ là những câu chuyện truyền miệng, tuy nhiên với những người làm kinh doanh, buôn bán rất coi trọng thờ thần tài, đặc biệt là ngày vía Thần Tài.

Vì vậy, vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người Việt thường đi mua vàng với mục đích cầu tài lộc. Theo những người mua vàng cho biết tập tục này đã xuất hiện rất lâu trong tín ngưỡng người Việt. Người ta cho rằng vàng là biểu tượng của sự phú quý, tài lộc, mang nhiều may mắn cho ai sở hữu nó.

Chính vì thế mà vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm, sau khi cúng Thần Tài, người người, nhà nhà, nhất là những người có công việc kinh doanh buôn bán đều đổ xô đi mua vàng với mong ước một năm mua may bán đắt, phát tài, phát lộc.

Bên cạnh đó, ngày này còn là ngày để tạ ơn và tưởng nhớ đến vị Thần Tài đã mang lại tài lộc cho gia chủ trong một năm vừa qua.

Ngoài ra, người dân mua vàng ngày vía Thần Tài với mong muốn được "đổi vía" - khi có vía của vị Thần Tài lộc sẽ đem đến cho gia chủ một năm mới đến thật sung túc và bình an.

Cho nên bên cạnh việc mua vàng, người dân còn làm mâm cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm để cầu làm ăn buôn bán, kinh doanh được thuận lợi, suôn sẻ.

Vì sao mâm cúng ngày vía Thần tài thường có cá lóc?

Cũng giống những ngày lễ khác trong năm, ngày vía Thần Tài, các gia đình, nhất là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp đều sửa soạn mâm cúng chỉn chu, cầu mong cho một năm sung túc, đủ đầy, nhiều tài lộc.

Tại nhiều tỉnh thành phía nam, ngày vía Thần tài người dân còn cúng thêm cá lóc nướng. Do vậy, vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, cá lóc nướng trui luôn là món ăn "cháy hàng" ở các khu chợ. Bởi, theo nhiều chuyên gia phong thủy, người dân Nam Bộ có quan niệm cúng cá lóc nướng ngày vía Thần tài sẽ đem đến nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ.

Cá lóc nướng dùng để cúng ngày vía Thần tài phải nguyên con, không cạo vảy, không cắt vi và đuôi. Khi đem đi nướng trui, cần dùng mía chẻ xiên thẳng qua miệng cá để định hình con cá được thẳng thớm.

Nhiều người cho rằng tục cúng cá lóc nướng có thể bắt nguồn từ nét văn hóa gắn liền với sông nước, kênh rạch của vùng Nam Bộ.

Cá lóc có thể được coi là sản vật đặc trưng vùng miền nên khi dâng lên thần linh sẽ thể hiện lòng biết ơn, trân trọng thiên nhiên mưa thuận gió hòa, tưởng nhớ đến cuộc sống cần cù của ông cha ngày trước.

Với sức sống mãnh liệt và khả năng sinh tồn tốt trong nhiều điều kiện khác nhau, cá lóc còn tượng trưng cho nỗ lực và sự thành công.

Ngoài ra, theo phong thủy, cá luôn là biểu tượng để thu hút tài lộc, may mắn. Hình ảnh đó còn đại diện cho mong ước có được cuộc sống trôi chảy thuận lợi như cá bơi trong nước.

.

Như Hoa (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-ngay-via-than-tai-lai-mua-vang-cung-ca-loc-169230130102821835.htm