Vì sao người giàu bị ghét?
Cảm giác ghen tị khiến cho nhiều người nảy sinh tâm lý thù ghét người giàu có. Sự bất lực khi không có được những thứ mình muốn, làm cho người ta không ưa những người sở hữu chúng.
Dạo trước, tôi nhận được tin nhắn của một cô gái, kể rằng dự án cô ấy theo đuổi nửa năm nay sắp được ký hợp đồng, nhưng cấp trên lại đột ngột để một đồng nghiệp khác thay thế. Tâm huyết của cô ấy suốt nửa năm cứ thế phải tự nguyện dâng cho người khác. Đồng nghiệp thế chỗ cô ấy mới vào làm chưa lâu, là con của một nhân sự cấp cao trong công ty.
Cô gái nói với tôi rằng, tuy cô rất tức giận đối với cách làm giữa chừng rẽ ngang của công ty, nhưng điều khiến cô buồn hơn là đối phương vì là con ông cháu cha nên dễ dàng hưởng thụ thành quả lao động của người khác. Nếu cô cũng có chỗ dựa thì cấp trên có để cô lót đường một cách trắng trợn như vậy không?
Nói sâu xa hơn, vì hoàn cảnh gia đình khác nhau nên đám con ông cháu cha từ nhỏ đã được hưởng thụ điều kiện tốt hơn người bình thường như cô, thứ cô vất vả để có được chỉ là thứ họ bỏ đi không tiếc, thậm chí cô dành cả đời cũng không đạt được vị trí của họ, vậy thì sự nỗ lực của cô có còn cần thiết không khi cô chỉ là một người bình thường.
Đọc xong tin nhắn dài của cô gái, tôi có thể cảm nhận được sự bất lực của cô đối với cuộc sống. Tôi tin cô chỉ nhất thời trút giận thôi, nên tôi chỉ trả lời lại một câu rằng: Đối với đại đa số người bình thường mà nói, sự nỗ lực của chúng ta không phải để trở thành người ở trên đỉnh kim tự tháp, mà là để vượt qua chính mình, trở thành cái tôi tốt hơn.
Có một lần nọ, một đồng nghiệp trong công ty không biết gặp phải cú sốc gì mà phẫn nộ nói ngay tại phòng làm việc khi đang nghỉ trưa: “Dù chúng ta có phấn đấu thế nào, nỗ lực đến mấy, cũng không đuổi kịp đám con ông cháu cha đó. Chúng ta mua một ngôi nhà cần phải trả nợ cả đời, người ta vừa ra đời đã có đầy đủ mọi thứ…”
Mọi người bị anh ta kích động, bắt đầu than thở số phận bất công, giờ nghỉ trưa đang yên bình bị biến thành đại hội thù ghét nhà giàu, ai cũng tỏ thái độ đầy oán hận.
Sau giờ tan làm, tôi đi ăn với một nhân vật rất giỏi trong ngành, trên đường đi, tôi hỏi anh ta: “Anh có nghĩ rằng người bình thường như chúng tôi dù có cố gắng đến mấy cũng không bao giờ đuổi kịp đám con ông cháu cha kia không?”
Anh ta cười nhẹ nói rằng: “Đừng tùy tiện nghe và tin vào cảm nhận của người khác, nhiều khi người ta cho rằng một việc gì đó khó quá, vì họ cầu mà không được. Những nỗ lực và phấn đấu mà họ nghĩ chỉ giống như chuồn chuồn đạp nước, gặp chút khó khăn liền bỏ cuộc, sao có thể đuổi kịp những người giành chiến thắng ngay trên vạch xuất phát?”
Tôi gật đầu, nhưng trong lòng vẫn có chút buồn rầu.
Anh ta lại nói: “Mọi con đường đều dẫn đến Roma, đương nhiên sẽ có người sinh ra ở Roma. Lẽ nào vì người khác được sinh ra ở vạch đích còn cô ở vạch xuất phát nên không đuổi theo nữa.
Chỉ cần cô muốn đến Roma, thì điểm xuất phát ở đâu, cô cũng đều phải lên đường. Mọi nỗ lực và phấn đấu của cô không phải để so với người khác mà là vì cô muốn, trong lòng cô khát vọng, cô muốn tiến bộ, cô muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều chuyện phải thử mới biết được, chỉ khi cố gắng hết mình, cuộc đời mới không phải nuối tiếc.”
Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-nguoi-giau-bi-ghet-post1488658.html