Vì sao người nói đạo lý thường sống khá giả?
Cuốn sách mang tên 'Người nói đạo lý thường sống khá giả' của tác giả Lê Bích sẽ khiến độc giả thích thú với tinh thần hài hước nhưng không kém phần sâu sắc, ý nghĩa.
Năm 2015, Lê Bích xuất hiện và nhanh chóng thu hút được các bạn trẻ nhờ những phát ngôn “chuẩn không cần chỉnh”, cực kỳ hài hước...
Cuốn sách Đời về cơ bản là buồn cười đã trở thành một hiện tượng với số lượng lớn sách được bán ra. Kể từ lần đầu xuất hiện với cuốn sách tranh dành cho người lớn, Lê Bích đã mang đến cho bạn đọc Việt một trải nghiệm đọc hoàn toàn mới mẻ.
Thông qua hình ảnh nhân vật Lê Bích bụng phệ vừa ngầu, vừa lầy, vừa cùn, những "chân lý" đương đại được phát biểu một cách sống động. Cuốn sách này đã trở thành một hiện tượng của xuất bản thời điểm đó, được các bạn trẻ yêu thích và trích dẫn khắp nơi.
Sau sáu năm, Lê Bích trở lại với bạn đọc cùng tác phẩm mới là Người nói đạo lý thường sống khá giả... Trong cuốn sách này, tác giả sử dụng các biểu tượng văn hóa phổ biến để qua đó chiếu một góc nhìn hài hước, giễu nhại về một hiện tượng xã hội đương đại nổi bật: những người hay nói đạo lý, nhằm mang đến cho bạn những tiếng cười sảng khoái cùng những suy ngẫm đầy tinh thần phản biện.
Trong cuốn sách mới, đạo sư Lê Bích đi sâu vào thế giới của cổ tích, sử dụng các biểu tượng văn hóa phổ biến như cô Tấm, Thạch Sanh, Mai An Tiêm, Thằng Bờm, Bạch Tuyết, thầy trò Đường Tăng, Nàng tiên cá, ông già Noel...
Qua đây, tác giả chiếu một góc nhìn hài hước, giễu nhại, về một hiện tượng xã hội đương đại nổi bật: những người hay nói đạo lý, nhằm mang đến cho bạn những tiếng cười sảng khoái cùng những suy ngẫm đầy tinh thần phản biện.
Cuốn sách xuất phát từ hiện tượng xã hội phổ biến hiện nay dường như chúng ta đang sống ở thời kỳ mọi thứ có vẻ đều đúng, ai nấy dường như đều có lý của mình.
Điều này tạo nên một phong trào nói đạo lý nhằm phục vụ những mục đích cá nhân. Từ nhưng quan sát của bản thân, tác giả đã xây dựng cuốn sách.
Người nói đạo lý là ai? Không cụ thể là một ai cả. Đó có thể là những ai hay dùng các lý luận gây sốc, nghe tưởng như cao siêu nhưng thực ra rỗng tuếch, để kiếm lợi.
Người nói đạo lý thường sống khá giả, vì họ kiếm được nhiều tiền, nhưng họ cũng sống khá giả, vì rỗng.
Lê Bích xuất hiện như một bút danh trên báo online dưới dạng chuyên mục ngắn và vui, sau đó trở thành 1 fanpage với các hình vẽ hài hước mỗi ngày.
Đứng sau xây dựng Lê Bích là nhóm tác giả bao gồm Đinh Trần Tuấn Linh, Lê Sơn Tùng, Phạm Linh Nhâm, Nguyễn Ngọc Hà, Lê Huy, Đinh Phương Linh và Nguyễn Phương Nhung.
Một số tác phẩm nổi bật của Lê Bích: Đời về cơ bản là buồn cười, Người nói đạo lý thường sống khá giả, Dịch từ tiếng Yêu sang tiếng Việt.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-sao-nguoi-noi-dao-ly-thuong-song-kha-gia-258006.html