Vì sao người Việt Nam vẫn 'trọng dụng' chi tiêu bằng tiền mặt?
Người tiêu dùng ngại tiếp cận công nghệ, thậm chí theo đánh giá của giới chuyên gia là thiếu giáo dục cộng đồng là những nguyên nhân dẫn đến công cuộc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt chưa được như kỳ vọng.
Bài liên quan
Nhiều trở ngại khiến 80% chi tiêu hằng ngày vẫn sử dụng tiền mặt
Dự kiến chi trả gần 600 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19
Người tiêu dùng “ngại” tiếp cận công nghệ thanh toán
Tại diễn đàn Thúc đẩy doanh nghiệp Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp theo thông tin ông Lê Anh Dũng (Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN) thông tin, tính đến cuối tháng 6/2020, số lượng thẻ lưu hành đạt mức 106 triệu thẻ (tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019).
Vì sao người Việt Nam vẫn "trọng dụng" chi tiêu bằng tiền mặt?
Theo ông Dũng, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 171 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019). Các ngân hàng đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.
Song hành cùng với thẻ, giải pháp thanh toán qua mã QR Code được các Tổ chức tín dụng, tổ chức Trung gian thanh toán quan tâm đẩy mạnh như một lựa chọn thanh toán linh hoạt, triển khai nhanh, chi phí hợp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) với nhóm khách hàng là các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Đến nay đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Bên cạnh kết quả đạt được, TTKDTM còn một số tồn tại, thách thức trong phát triển như cơ chế, chính sách, khuôn khổ quy định liên quan đến TTKDTM cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là định rõ chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh đổi mới, giải pháp thanh toán sáng tạo.
Cùng với đó, sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật vừa đảm bảo sự phát triển, đổi mới, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán và bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng thời, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử.
Chưa kể, một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán. Ngoài ra, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn, ông Dũng đánh giá.
Thiếu giáo dục cộng đồng
Đồng quan điểm trong vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng) cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế thế giới, thế nhưng đây cũng lại là cơ hội để thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chuyển đổi mô hình kinh tế số, thay vì thủ công như trước.
Theo ông Hiếu, kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Từ năm 2012, Việt Nam đã có Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM. Sau 8 năm, mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn, nhưng chúng ta vẫn là nền kinh tế tiền mặt, 80% chi tiêu người dân vẫn là tiền mặt mà ngọn nguồn xuất phát bởi 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, các quy định về TTKDTM của chúng ta còn thiếu. Cách đây mấy tháng, NHNN đã đưa ra dự thảo về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công ty Fintech. Theo một số thông tin, NHNN đã trình Chính phủ xem xét, nhưng hiện tại vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan.
Thứ hai là vấn đề giáo dục cộng đồng, giáo dục quần chúng trong vấn đề đưa ra hệ thống thanh toán phi tiền mặt. Ở Mỹ, cách đây 20 năm, quốc gia này đã có chương trình giáo dục Money Smart - chương trình giáo dục cơ bản về sử dụng phi tiền mặt.
Theo đó, Chính phủ Mỹ yêu cầu các ngân hàng, các trường học, phổ biến chương trình này; đào tạo người dân, đặc biệt là các học sinh sinh viên sử dụng các công cụ thanh toán phi tiền mặt. Hoạt động này đã rất hiệu quả trong việc tăng số lượng phần trăm công dân có tài khoản ngân hàng, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán phi tiền mặt.
Có thể thấy, giáo dục cộng đồng là một trong những biện pháp cần thiết để tuyên truyền, truyền thông về định hướng này, tuy nhiên, Việt Nam chưa có những chương trình như vậy.
Thứ ba, vấn đề sai phạm trong hệ thống tài chính ngân hàng, lừa đảo qua mạng hiện nay khá phổ biến, nhưng xử lý sai phạm rất khó khăn vì cấp độ lừa đảo ngày càng tinh vi.
Tôi mong rằng đến năm 2025, 80% người dân Việt Nam sẽ có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt sẽ tăng lên đến 40%, ông Hiếu nhận định.