Vì sao nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga cho châu Âu giảm?

Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu qua đường ống và các lô hàng LNG đã giảm trong nửa đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm ngoái, do dòng chảy khí qua Ukraine bị dừng lại và một số khách hàng châu Âu quay lưng với LNG của Nga.

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Tổng lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu đã giảm gần một nửa, xuống còn 8,33 tỷ m3 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2025, so với 15,5 tỷ m3 cùng kỳ năm 2024, thời điểm mà khí đốt của Nga vẫn còn được vận chuyển qua tuyến ống đi qua Ukraine, theo dữ liệu do Reuters tổng hợp.

Nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga sang châu Âu đã sụt giảm mạnh kể từ năm 2022, sau khi Nga cắt nguồn cung cho nhiều khách hàng EU, và tuyến ống Nord Stream ngừng cung cấp khí cho Đức sau khi Nga giảm dòng chảy và xảy ra vụ phá hoại vào tháng 9/2022.

Sau đó, việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đã chính thức dừng lại từ ngày 1/1/2025, sau khi Ukraine từ chối đàm phán gia hạn thỏa thuận trung chuyển.

Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu, bao gồm Hungary, vẫn tiếp tục nhận khí đốt từ Nga thông qua đường ống TurkStream đi qua khu vực Balkan.

Trong tháng 6, nguồn cung qua tuyến TurkStream đã giảm 18,3% so với mức của tháng 5, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ các nhà vận hành đường ống châu Âu. Nguyên nhân của sự sụt giảm là do bảo trì trên tuyến đường ống.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, dòng khí đốt của Nga chảy sang châu Âu qua tuyến TurkStream đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của Reuters.

Tập đoàn khí đốt Gazprom đã ngừng công bố số liệu xuất khẩu sang châu Âu ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào năm 2022.

Tổng lượng xuất khẩu LNG của Nga cũng giảm trong nửa đầu năm nay, giảm 4,4% xuống còn 15,2 triệu tấn, theo dữ liệu từ LSEG được Reuters trích dẫn. Xuất khẩu LNG sang châu Âu giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, khi lệnh cấm chuyển tải LNG của Nga có hiệu lực từ tháng 3.

EU đã cấm việc chuyển tải LNG Nga để tái xuất sang các nước thứ ba từ các cảng EU, trong khuôn khổ một gói trừng phạt được ban hành đầu năm nay.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-nguon-cung-khi-dot-tu-nhien-cua-nga-cho-chau-au-giam-729682.html