Vì sao nhà văn hóa đìu hiu?

Một số nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, thể thao ở TPHCM rất ít người đến vui chơi giải trí. Nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp hoặc hư hỏng.

Dù được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản nhưng Nhà văn hóa Lao động TP Thủ Đức (cơ sở 1) vẫn ít tổ chức các hoạt động văn hóa.

Dù được đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản nhưng Nhà văn hóa Lao động TP Thủ Đức (cơ sở 1) vẫn ít tổ chức các hoạt động văn hóa.

Nhà văn hóa, nhà thi đấu xuống cấp

Từ lâu Nhà văn hóa Lao động TP Thủ Đức (cơ sở 1) nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) đã trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu.

Chị Nguyễn Thị Huyền (33 tuổi, phường Bình Trưng Tây) cho biết, những dịp như Tết cổ truyền thì khuôn viên của Nhà văn hóa được sử dụng cho các nhà vườn, hộ kinh doanh hoa, cây cảnh thuê để bày bán. “Thỉnh thoảng có hội chợ bán đồ khuyến mãi kéo dài vài ngày nhưng sau đó lại vào cảnh vắng vẻ, rất ít tổ chức các hoạt động. Khuôn viên của Nhà văn hóa cỏ mọc dại, như đất bỏ hoang” - chị Huyền nói.

Không riêng Thủ Đức, Nhà văn hóa phường 11 trên đường Hoàng Sa (quận 3) sau một thời gian, cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp một phần. Có thời gian nơi đây còn được tháo dỡ để cải tạo lại cho tư nhân thuê mở cửa hàng bán xe đạp và dụng cụ thể thao. Một số Nhà văn hóa phường 1 (quận 10) hay Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường 10 (quận 10) hiện nay cũng chung tình trạng.

Có những trung tâm Thể dục thể thao lớn như Nhà Thi đấu Thể thao Phú Thọ (quận 11) kể từ thời gian được nâng cấp để phục vụ SEA Games 2003 thì đến nay đã xuống cấp. Theo báo cáo thực trạng hệ thống cơ sở thi đấu thể thao, hiện nay một số khu vực tập bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, các môn võ thuật tại nhà thi đấu đều trong tình trạng tạm bợ, thiếu thiết bị chiếu sáng. Do bất cập này, từ nhiều năm qua, các đơn vị tư nhân muốn đấu thầu để nâng cấp một số cơ sở thi đấu cũng đều không thể tham gia được. Việc xã hội hóa đành bỏ ngỏ.

Tương tự, Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng do ít hoạt động cũng đã cải tạo một phần cho thuê. Các khu vực của nhà thi đấu được chia ra để cho thuê mặt bằng tổ chức những hoạt động thể thao nhỏ lẻ. Một số khu vực khác của nhà thi đấu được trưng dụng để làm nơi để xe cho nhân viên hoặc một số cơ quan bên cạnh. Cá biệt có Nhà thi đấu quận 1 ngay trung tâm TPHCM dù xây dựng đã 5 năm qua nhưng chưa hoàn thành và hiện vẫn đang ngừng thi công do nhiều nguyên nhân…

Cần đa dạng thiết chế văn hóa

Tại buổi khảo sát và giám sát thực trạng đầu tư cho thiết chế văn hóa cơ sở ở quận 4 (TPHCM) mới đây, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã yêu cầu chính quyền quận 4 làm rõ nguyên nhân đến nay nhiều công trình, dự án, cơ sở vật chất phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân đang chậm triển khai hoặc còn tồn tại các bất cập. Trong đó, một số trung tâm học tập cộng đồng, các câu lạc bộ văn hóa và nhà văn hóa cộng đồng tại các phường đều chung tình trạng còn thiếu hoặc xuống cấp. Có nơi phải sinh hoạt ghép hoặc tận dụng mặt bằng của các trụ sở cơ quan chính quyền, đoàn thể, các công viên, khoảng đất ngoài trời,…

Từ thực tế tại Trung tâm Học tập cộng đồng phường 13, quận 4 và Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 4, ông Bình đã đề nghị UBND quận 4 tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp, đổi mới cách thức duy trì hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở để bảo đảm và đáp ứng tốt nhất nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn.

Bà Lê Thị Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho rằng, hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ người dân trên địa bàn chủ yếu tại các cơ sở văn hóa tập trung, trọng điểm là Trung tâm Văn hóa huyện, Nhà Thiếu nhi và Nhà Văn hóa Công nhân huyện. Thế nhưng, bà Thư cũng thừa nhận các thiết chế văn hóa này hiện hoạt động không thuận lợi do vị trí xa khu dân cư. Điều này dẫn tới nhiều năm qua các trung tâm văn hóa và nhà thiếu nhi vẫn không thu hút được người dân tham gia, chưa đáp ứng được nhu cầu về đời sống tinh thần, vui chơi giải trí của cộng đồng dân cư.

Qua hoạt động giám sát, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đề nghị các quận, huyện nghiên cứu, đổi mới hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở sao cho phù hợp với quá trình thực tiễn của từng địa phương, nhất là nhu cầu thiết thực về thụ hưởng đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí của người dân. Trong đó, cần chú trọng, kết nối và duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với mạng lưới thiết chế văn hóa sẵn có ở cơ sở, địa bàn dân cư. Ngoài ra, chủ động tham mưu, đề xuất với HĐND huyện, các sở, ngành TPHCM để đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hóa ở cơ sở.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vi-sao-nha-van-hoa-diu-hiu-5714626.html