Vì sao Nhật Bản thất bại trong cuộc đua công nghệ so với Mỹ
Trong khi Mỹ và Trung Quốc xuất hiện hàng trăm startup với giá trị hơn 1 tỷ USD, Nhật Bản hiện chỉ có 3.
Preferred Networks, startup chế tạo ra robot hỗ trợ mọi hoạt động của con người đang được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích cho giới khởi nghiệp tại Nhật Bản. Daisuke Okanohara, đồng sáng lập Preferred Networks cho biết trí tuệ nhân tạo Human Support Robot của công ty ông có thể giúp robot thay đổi phản ứng theo môi trường để hỗ trợ con người tốt hơn.
Theo CB Insights, công nghệ tiềm năng này đã giúp startup có trụ sở tại Tokyo được định giá 2 tỷ USD. Đây là mức định giá rất hiếm đối với một startup Nhật Bản. Trong khi Mỹ và Trung Quốc xuất hiện hàng trăm startup công nghệ trị giá trên 1 tỷ USD, Nhật Bản hiện chỉ có 3.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới từng đi tiên phong khi nhắc đến những đột phá, sáng tạo trong công nghệ. Đây là quốc gia tạo ra những chiếc máy tính bỏ túi, máy nghe nhạc Walkman và đèn LED. Tuy nhiên, Nhật Bản lại đang cho thấy sự tụt lùi trong cuộc đua đổi mới.
Tụt hậu trong cuộc đua công nghệ
Một nghiên cứu từ công ty McKinsey cho thấy Nhật Bản đã liên tục phát triển cho đến những năm 2000. Sau giai đoạn này, doanh thu của các công ty như Sony hay Toshiba bắt đầu giảm mạnh so với những đối thủ như Apple và Samsung.
“Trong những năm 1980-1990, các công ty Nhật Bản nổi tiếng với việc tối ưu thiết bị công nghệ trở nên nhẹ và mỏng hơn. Tuy nhiên, thị trường đã dần thay đổi. Công nghệ hướng đến người dùng, tập trung vào phần mềm trở nên quan trọng hơn”, Kenji Nonaka, thành viên cấp cao của McKinsey, cho biết.
“Tại Nhật Bản, cộng đồng khởi nghiệp rất hạn chế. Mọi người đều muốn đến làm việc tại các doanh nghiệp lớn”, Nonaka nói.
Các chuyên gia cho rằng văn hóa làm công ăn lương tại Nhật Bản đã ngăn cản nhân viên rời bỏ công việc của họ. Các công ty phụ thuộc phần lớn vào ngân hàng thay vì các khoản đầu tư mạo hiểm để huy động vốn.
Thêm vào đó, cách các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn cho các dự án cũng ảnh hưởng nhiều đến giới khởi nghiệp. Ở Mỹ và Trung Quốc, nhiều người sẵn sàng đầu tư vào các công ty đang gặp rủi ro và có khả năng thất bại.
"Tại Mỹ, việc huy động tiền và nhân lực trong thời gian ngắn khá đơn giản. Trong khi đó, đây không phải là điều dễ thực hiện ở Nhật Bản", Seijiro Takeshita, Giáo sư tại Đại học Shizuoka chia sẻ.
Những dấu hiệu của sự đổi mới
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Nhật Bản là quốc gia không chịu đổi mới. Takeshita cho biết vẫn còn rất nhiều ý tưởng ở trong nước, nhưng chúng không quá bay bổng như những gì được tạo ra tại Thung lũng Silicon hoặc Thâm Quyến.
Nhật Bản có ưu thế trong việc cải tiến các sản phẩm công nghệ sẵn có. Sony ra mắt chiếc máy nghe nhạc Walkman đầu tiên vào năm 1979, nhưng công nghệ băng đã xuất hiện hơn một thập kỷ trước.
Xét theo khía cạnh khác, Nhật Bản vẫn là một quốc gia tiên phong về đổi mới công nghệ. Quốc gia này sở hữu số bằng sáng chế trên đầu người nhiều hơn bất cứ nước nào này khác trong năm 2018, theo một báo cáo được công bố bởi Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới.
Okanohara, đồng sáng lập Preferred Networks cho rằng sự đa dạng trong nhân sự có thể là một giải pháp. Công ty của ông có khoảng 270 nhân viên và 10% là người nước ngoài, đến từ 30 quốc gia.
Trên thực tế, con số này vẫn còn quá nhỏ khi so với nhân sự ở Thung lũng Silicon. Tại đây, người nước ngoài chiếm khoảng 57% lực lượng lao động công nghệ.
“Chúng tôi cần sự đa dạng để suy nghĩ hoặc điều chỉnh nhiều ý tưởng mới”, Okanohara nói. Ông cho biết Preferred Networks muốn tạo ra một môi trường nơi mà những ý tưởng mới có thể dễ dàng được chấp nhận và thử nghiệm.
Nonaka từ McKinsey nhận định các startup tại Nhật Bản cũng cần phải có tham vọng phát triển ra toàn cầu. “Nhiều startup tỏ ra hài lòng với việc thành công ở thị trường nội địa. Nhật Bản không phải là một thị trường nhỏ, nhưng nó nhỏ hơn nhiều so với Mỹ và Trung Quốc”, ông nói.
Tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp
Việc tìm kiếm một nhà đầu tư phù hợp cũng là trở ngại mà nhiều startup tại Nhật Bản phải đối mặt. Tỷ phú Masayoshi Son, nhà sáng lập SoftBank là người thành công trong lĩnh vực công nghệ.
Tuy nhiên, quỹ Vision Fund trị giá 100 triệu USD của CEO SoftBank lại không đầu tư vào bất cứ startup Nhật Bản nào.
Thay vào đó, quỹ này đang rót vốn hàng tỷ USD vào các startup lớn trên toàn cầu như Uber, startup xe hơi Chehaoduo của Trung Quốc và tập đoàn khách sạn Ấn Độ Oyo. Sự thiếu quan tâm của ông có thể đến từ việc hầu hết lựa chọn tại đây đều không đáp ứng được tiêu chí của Son.
Okanohara nói rằng công ty của ông cũng bị Son bỏ qua. “Môi trường công nghệ tại Nhật Bản rất thách thức. So với Trung Quốc, chúng tôi không có nhiều cơ hội”, ông nói.
Tuy nhiên, công ty của ông đã được một ông lớn khác là Toyota để mắt tới. Toyota cùng Preferred Networks lần đầu làm việc vào năm 2014. Năm 2015, hãng đã đầu tư hơn 101 triệu USD vào startup này để thúc đẩy các dự án như trí tuệ nhân tạo, robot và các công nghệ không người lái.
Khoản đầu tư đó đã tạo ra những bước đột phá quan trọng cho công ty như phần mềm AI. Có thể nói, robot mà Preferred Networks đang chế tạo được cung cấp nguồn lực công nghệ từ Toyota.