Vì sao nhiều bé trai tuổi dậy thì có giọng nói 'ái nam ái nữ'?

Theo các nghiên cứu trên thế giới, nguyên nhân chủ yếu bệnh lý này là do yếu tố tâm lý, tính cách trẻ gây ra. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ liên quan đến bệnh lý nội tiết hay tổn thương tại dây thanh.

Theo các bác sĩ, ở tuổi dậy thì, các bé trai sẽ trải qua giai đoạn vỡ giọng. Đây là sự thay đổi giọng nói khi một bé trai chuyển từ giọng nói âm sắc cao, thanh của trẻ em sang giọng nói trầm của giọng người lớn.

Tuy nhiên, một số trẻ sau khi trải qua giai đoạn này lại vẫn có một giọng nói thanh, lơ lớ như giọng con gái hay dân gian hay gọi là giọng "ái nam ái nữ" khiến trẻ tự ti trong giao tiếp.

Như trường hợp của H.K, quê Hậu Giang là một ví dụ. Theo lời kể của nam thanh niên này, em đổi giọng từ năm 10 tuổi, tuy nhiên, thay vì có giọng trầm hoặc ồm ồm, mỗi lần cậu bé cất giọng lại khiến người nghe tưởng một bé gái nào đang nói chuyện. Điều này khiến em xấu hổ, tự ti vô cùng.

Rối loạn giọng tuổi dậy thì nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, những rối loạn này có thể trở thành vĩnh viễn không hồi phục. Ảnh Bệnh viện Bạch Mai

Rối loạn giọng tuổi dậy thì nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, những rối loạn này có thể trở thành vĩnh viễn không hồi phục. Ảnh Bệnh viện Bạch Mai

Sau này khi ra trường, đi làm, K vẫn có một giọng nói không giống những người đàn ông khác. Nhiều khi vừa mở miệng, những người xung quanh đã cười ồ lên, thậm chí là chế giễu anh. Từ đó, K dần thu mình, hiếm khi thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân trước tập thể.

Cuối cùng, K quyết định đi khám thì được biết, mình bị rối loạn giọng tuổi dậy thì. Tuy nhiên, do không được can thiệp luôn ở giai đoạn dậy thì nên tình trạng của anh rất khó có thể luyện được về giọng như nam giới thông thường.

Chia sẻ về vấn đề này, theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, rối loạn giọng tuổi dậy thì là tình trạng giọng nói trẻ em vẫn tồn tại sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Tuy chỉ gặp với tỷ lệ khoảng 1/900.000 nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, những rối loạn này có thể trở thành vĩnh viễn không hồi phục.

"Rối loạn giọng tuổi dậy thì dẫn đến mặc cảm về tâm lý, cản trở giao tiếp xã hội, học tập, làm việc, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống", BS Hồng Nhung cho biết.

Theo BS Nhung, một số nguyên nhân dẫn đến rối loạn giọng tuổi dậy thì như: Trẻ nam đang nói giọng trẻ con mà chuyển đột ngột sang giọng trầm khiến nhiều em thấy ngại, cố "níu kéo" giọng cũ của mình, dẫn đến mất khả năng phát âm chính xác về cao độ.

Bên cạnh đó, một số trẻ bị rối loạn do tổn thương thực thể: rãnh dây thanh bẩm sinh, bệnh về nội tiết, sinh dục, thượng thận, tuyến yên …

Một nguyên nhân khác là do trẻ nam sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, hay viêm nhiễm đường hô hấp, … đến tuổi dậy thì cũng dễ bị rối loạn giọng.

Làm gì khi trẻ bị rối loạn giọng tuổi dậy thì?

Các chuyên gia khuyến cáo, rối loạn giọng tuổi dậy thì ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ, giảm chất lượng cuộc sống, giao tiếp, học tập và làm việc. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ có rối loạn giọng tuổi dậy thì, phụ huynh nên sớm cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Điều trị rối loạn giọng tuổi dậy thì chủ yếu là tư vấn tâm lý kết hợp các bài tập luyện giọng. Khả năng thành công phụ thuộc vào việc chẩn đoán đúng, sớm (tốt nhất là trước 20 tuổi), tư vấn và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa đối với từng trường hợp cụ thể cũng như sự tuân thủ của bệnh nhân.

Tư vấn tâm lý: Bệnh nhân được giải thích về cơ chế phát âm và bệnh lý của mình, cách điều trị và tiên lượng.

Bài tập luyện giọng: Mỗi đợt tập bắt đầu bằng một buổi 45 phút tại Khoa Tai Mũi Họng với tần suất 1 buổi/tuần. Sau đó, bệnh nhân tự tập ở nhà 2 lần/ngày, mỗi lần 30 phút.

Số buổi tập thay đổi tùy theo mức độ rối loạn giọng và tiến triển điều trị của từng người bệnh. Sau 3 đợt tập, bệnh nhân sẽ được ghi âm đánh giá giọng nói; sau 5 đợt tập sẽ được ghi âm và nội soi hoạt nghiệm kiểm tra. Các bài tập gồm có:

- Bài tập thư giãn: bài tập thở, tập ngáp, massage cơ vùng cổ, …

- Bài tập cộng hưởng: humming hạ thấp âm vực, rung môi, ...

- Kỹ thuật phát âm "boom" khi nuốt.

- Kỹ thuật ấn sụn giáp kết hợp ho, đằng hắng.

- Hạ thấp thanh quản kết hợp phát âm nguyên âm.

- Phản hồi nghe nhìn, …

Theo BS Nhung, bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm, điều trị bằng luyện giọng kết hợp tư vấn tâm lý tỷ lệ thành công cao gần 95%. Một số ít bệnh nhân không đáp ứng với luyện giọng và điều trị tâm lý có thể xét phẫu thuật chỉnh hình dây thanh.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vi-sao-nhieu-be-trai-tuoi-day-thi-co-giong-noi-ai-nam-ai-nu-172220531202758044.htm