Vì sao nhiều cán bộ sai phạm 'tày trời' vẫn 'chui sâu, leo cao'?
Công tác cán bộ có quy trình chặt chẽ, qua nhiều khâu, nhưng vì sao vẫn lọt người không xứng đáng 'chui sâu, leo cao'?
Quy định chặt chẽ nhưng vẫn có sai phạm
Những năm gần đây, công tác cán bộ đã được chú trọng, nâng cao, triển khai chặt chẽ và có hiệu quả hơn. Từ trung ương đến địa phương các quy trình, cơ chế về quy hoạch cán bộ và kiểm soát quyền lực ngày càng được thực hiện một cách có định hướng, bài bản, bám sát thực tế.
Mặc dù vậy, tại một số địa phương vẫn để những điều đáng tiếc xảy ra, thậm chí là những sai phạm mang tính chất nghiêm trọng, với quy mô lớn, hình thức sai phạm có tổ chức tập thể.
Điều này không chỉ gây tổn thất nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Đảng, Nhà nước trước niềm tin, kỳ vọng của toàn thể nhân dân.
Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông (Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII) cho biết: “Thời gian rất lâu về trước, công tác cán bộ của chúng ta chưa được quan tâm sâu sát. Chúng ta có đặt ra vấn đề quy hoạch, bồi dưỡng nhưng mang tính hình thức nhiều hơn vì vậy hiện tượng chạy chức, chạy quyền đã len lỏi, làm cho vấn đề quy hoạch trở nên không hiệu quả.
Tuy nhiên những nhiệm kỳ gần đây, công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược được Đảng chú trọng. Công tác bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển cán bộ được thực hiện hiệu quả hơn”.
Theo ông Lê Văn Cuông, có rất nhiều nghị quyết, văn bản hướng dẫn để thực hiện cụ thể, rõ ràng các quy trình đã đặt ra. So với các nhiệm kỳ trước, các nhiệm kỳ gần đây đã tạo nên sự chuyển biến về nhận thức và quá trình thực hiện công tác cán bộ.
Nhìn chung, tại phần lớn các địa phương thực hiện rất bài bản, chất lượng cán bộ được nâng lên rõ rệt. Minh chứng là ngay Đại hội XIII của Đảng, chúng ta đã chọn ra được đội ngũ cán bộ được dư luận đánh giá rất cao, vừa có đức, có tài, có thể nói là một đội ngũ tinh hoa của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những cán bộ vi phạm các quy định, quy chế của Đảng, Nhà nước đặt ra và pháp luật ngăn cấm. Sự tha hóa, biến chất của các cán bộ vì tư lợi cá nhân, vì quyền lực, thậm chí là quyền lực nhóm, lợi ích nhóm để dẫn đến sai phạm tập thể.
Nêu thí dụ mới nhất từ sai phạm của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - ông Trần Văn Nam và nhiều thuộc cấp giữ các vị trí quan trọng, ông Lê Văn Cuông rất băn khoăn vì có quá nhiều người trong một tổ chức cấu kết, cùng nhau vi phạm pháp luật. Họ tha hóa có tổ chức, có tính tập thể và hành vi thực hiện khéo che đậy, tinh vi với quy mô lớn.
“Dù chúng ta có quy định, có cơ chế, có ràng buộc về pháp lý nhưng con người không tự giác, cố tình bao che, che chắn cho nhau để thực hiện các mối quan hệ lợi ích nhóm với nhau thì pháp luật khó phát hiện và thực thi hiệu quả.
Một loạt cán bộ chủ chốt, cầm quyền tại một địa phương đều thực hiện sai phạm và cùng rơi vào vòng lao lý. Tham ô, tham nhũng ở những vị trí lãnh đạo, các ban, các ngành từ trên xuống dưới tại một địa phương. Cùng nhau vi phạm, cùng nhau che đậy, bảo vệ nhau và tôn nhau lên các vị trí cao hơn trong một thời gian rất dài. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm”, ông Cuông nhận định.
Ông Lê Văn Cuông cho rằng, từ vụ việc sai phạm của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cũng được đặt dấu hỏi về công tác kiểm soát quyền lực.
“Sai phạm không hề nhỏ, thời gian sai phạm kéo dài hơn chục năm mà bao nhiêu cơ quan không phát hiện ra thì phải thẳng thắn nhìn nhận công tác giám sát, kiểm soát quyền lực đang thực hiện kém và có nhiều vấn đề.
Tại sao thiết lập cơ chế kiểm soát, giám sát từ trung ương tới địa phương, nhất là các cơ quan tham mưu cho trung ương, cơ quan thẩm định cá nhân không phát hiện ra?
Vấn đề này cần phải làm sáng tỏ và phải sửa chữa ngay. Phải xem xét lại cả trên văn bản quy định và quá trình thực hiện, bởi những sai phạm xảy ra như Bình Dương gây hệ lụy lâu dài và nghiêm trọng đến nhân dân, đất nước”, ông Cuông nêu quan điểm.
Trao quyền lực nhưng phải có cơ chế kiểm soát
Nhận định công tác kiểm soát quyền lực không chặt chẽ là nguyên nhân chính để xảy ra sai phạm tại Tỉnh ủy Bình Dương, bà Nguyễn Thị Khá, Đại biểu Quốc hội khóa XIII chia sẻ: “Cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta hiện nay chưa chặt chẽ. Trên thực tế, chúng ta trao cho cán bộ quyền lực thực thi công vụ, nhưng kiểm soát không thật sự sát sao nên mới xảy ra chuyện nhiều người lợi dụng để tham ô, tham nhũng”.
Bà Nguyễn Thị Khá cho rằng, vụ sai phạm liên quan tới cựu Bí thư tỉnh Bình Dương kéo dài qua rất nhiều năm chứng tỏ có sự cấu kết, bao che để cùng nhau sai phạm, chia chác lợi ích với nhau.
“Chúng ta làm công tác cán bộ kinh qua nhiều khâu, quy trình nọ, quy trình kia, nhưng vì sao vẫn có những lỗ hổng để nhiều người không xứng đáng "chui sâu, leo cao"?
Công tác cán bộ chúng ta phải xem lại, ngay từ đầu tiên khi tuyển mộ, khi giới thiệu và khi được tuyển dụng, được lựa chọn, được bổ nhiệm thì phải giám sát quá trình thực hiện. Không phải chỉ qua một đầu vào rồi giao quyền lực, rồi bổ nhiệm liên tiếp, đến khi phát hiện sai phạm thì đã qua rất lâu thời gian họ thực hiện hành vi đó”, bà Khá bày tỏ.
Phần lớn, những vụ án gần đây, dấu hiệu sai phạm bị phát hiện thì hầu hết các sai phạm đã được thực hiện thời gian trước đó rất lâu. Thậm chí, một số người đã nghỉ hưu, một số người đã không còn ở vị trí đó mà đã ở vị trí cao hơn.
Như trong vụ việc tại Bình Dương, ông Trần Văn Nam sai phạm từ khi ông còn là Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương, khi phát hiện ông đã nắm vị trí lãnh đạo cao nhất tại tỉnh.
Như vậy là do quy trình chưa được chặt chẽ, người thực hiện giám sát cán bộ quá dễ dãi hay cán bộ thực hiện sai phạm quá tinh vi?
Theo bà Khá, quy trình có làm nhưng thực hiện chưa đến nơi đến chốn. Ngay cả việc kê khai thu nhập cá nhân của cán bộ chẳng hạn. Ai là người giám sát, ai là người thẩm định kê khai đó là đúng hay sai, căn cứ vào đâu? Những khâu thực hiện đó chúng ta phải tiến hành chặt chẽ như vậy mới kiểm soát được cán bộ.
Không thể để tiếp tục xảy ra sự việc như tại Bình Dương, những lô đất công chuyển thành lô đất tư từng đó thời gian, từng đó con người mà không phát hiện ra. Đó là một sự việc vô cùng nghiêm trọng!
Bà Khá chỉ rõ: "Cán bộ cần phải ghi nhớ rằng vị trí mình có được là do nhân dân tin tưởng mà giao phó. Ở vị trí ấy mà vun vén cho lợi ích cá nhân tức là phụ lại những kỳ vọng của nhân dân, đất nước.
Chính vì vậy, đối với những sai phạm cần điều tra, xử lý triệt để làm gương cho những cán bộ, địa phương khác trong bộ máy nhà nước, theo đúng chủ trương không vùng cấm, không ngoại lệ”.