Vì sao nhiều cha mẹ xin nhà trường không khen thưởng cho con dù đỗ thủ khoa, đạt học sinh giỏi?
Với họ đơn giản là con vừa thi vào một ngôi trường con mong muốn và con may mắn hơn những bạn chưa trúng tuyển.

Ảnh minh họa.
Theo báo Dân trí, trong kỳ thi vào lớp 6 ở một trong những ngôi trường khó bậc nhất ở TPHCM năm nay, con anh H. và chị N. là thủ khoa đầu vào với số điểm rất cao.
Đi kèm đó thường sẽ là những khen thưởng, chúc mừng, chia sẻ về “chân dung thủ khoa” từ trường cũ bậc tiểu học cháu vừa tốt nghiệp đến trường mới cháu vừa thi đỗ vào, đến truyền thông…
Nhưng không, ngoài Hiệu trưởng và bộ phận làm điểm thi tại kỳ thi vào lớp 6 ở ngôi trường mới em học sinh vừa tham gia, gần như không ai biết em L. là thủ khoa.
Khi nhà trường hay phóng viên liên hệ, bố mẹ em L. đưa ra đề nghị: “Xin phép cho con tôi được giữ bí mật về kết quả học tập”. Họ cũng mong nhà trường không khen thưởng riêng cá nhân con, nếu có thì khen thưởng chung cùng với các học sinh khác.
Anh H. và chị N. cho biết, ngay cả người thân, hàng xóm, thầy cô trường cũ hay bạn bè trên Facebook đều không biết con anh chị là thủ khoa trong kỳ thi này. Họ thấy không cần thiết phải chia sẻ thông tin riêng tư về học tập của cháu.
Với họ đơn giản là con vừa thi vào một ngôi trường con mong muốn và con may mắn hơn những bạn chưa trúng tuyển. Con đạt điểm cao thể hiện con vững vàng và làm tốt ở bài thi đó trong khuôn khổ kỳ thi chứ điều đó không đồng nghĩa với việc con giỏi, con xuất sắc.
Điều này không có nghĩa là họ không vui trước kết quả con đạt được. Nhưng anh chị chọn dừng lại ở việc chúc mừng con trong khuôn khổ gia đình, chúc mừng con đã đạt được kết quả tốt trong kỳ thi.
Vài năm trước, trong đợt tuyên dương học sinh TPHCM đạt học sinh giỏi quốc gia, một học sinh giành giải nhì trong kỳ thi này cũng xin phép từ chối lên báo, từ chối chia sẻ thành tích học tập.
Em cho biết, bố mẹ em không dự lễ tuyên dương hay chia sẻ về thành tích của con như nhiều gia đình khác. Việc em đạt học sinh giỏi quốc gia cũng chỉ vài người thân trong gia đình biết chứ không rầm rộ, phô trương.
Với bố mẹ em, trách nhiệm học tập là của con, kết quả học tập là của con, bố mẹ vui "ké" thôi chứ không cần vui quá.
Với bố mẹ em, kết quả đó đơn giản dừng lại việc đạt hoặc rớt ở một kỳ thi, đạt cũng không cần phải vui mừng quá và nếu rớt cũng không có gì phải buồn, miễn là con đã làm tốt nhất ở thời điểm đó. Vậy nên em bước vào mọi kỳ thi với tâm lý nhẹ nhàng, không hề mang nỗi sợ “thi rớt”.
Bố mẹ luôn nói với em thành tích học tập chỉ là một phần rất nhỏ trong cuộc sống, đừng để niềm vui, nỗi buồn của mình chìm trong đó. Cuộc sống của con còn là chuyện ăn uống, nghỉ ngơi, thể thao, làm việc nhà, kết nối với mọi người và hiểu về chính mình…
Việc không chia sẻ kết quả, thành tích học tập của con không chỉ là việc giữ bí mật cá nhân cho đứa trẻ. Với nhiều phụ huynh, họ cũng xem thành tích của con là thành tích của mình. Và đó cũng là cách họ bảo vệ con, không gắn giá trị của con đi liền với điểm số và thành tích học tập.
Thông tin trên VOV, theo phân tích của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thông tin của trẻ em bị lộ lọt một phần từ chính phụ huynh bất cẩn đăng khoe thành tích con mình trên mạng xã hội. Việc đăng tải đầy đủ thành tích của con bao gồm đầy đủ thông tin từ tên tuổi, trường học, ảnh chân dung con… chính là để lộ dữ liệu thông tin của con và bạn bè trong lớp. Đây là điều kiện thuận lợi để những kẻ lừa đảo thu thập dữ liệu, nghiên cứu kỹ về bị hại và thực hiện những cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin tinh vi…
Theo đại diện Công an TP Hà Nội, vào cuối học kỳ năm học hiện nay, phụ huynh có thói quen khoe bảng điểm, giấy khen, thành tích học tập của con lên mạng xã hội, việc này có thể dẫn đến hậu quả xấu. Việc khoe giấy khen của con trẻ lên mạng vô tình gây áp lực và khiến trẻ bị bệnh thành tích, nguy hiểm hơn, thông tin có thể bị kẻ xấu lợi dụng vào những mục đích khác, gián tiếp tiếp tay cho tội phạm.
Theo các chuyên gia về tội phạm học, trên giấy khen, thành tích học tập của trẻ thường đính kèm họ và tên, lớp học, thông tin về trường lớp, thậm chí là những thông tin khác liên quan đến giáo viên, hoặc gia đình. Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ khi kẻ xấu dễ dàng lợi dụng để bắt cóc tống tiền, xâm hại trẻ em.