Vì sao nhiều công an và kiểm lâm ở Đắk Lắk bị kỷ luật?

Sau khi làm rõ các vi phạm của nhiều công an, kiểm lâm trên địa bàn Đắk Lắk, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh này vừa quyết định thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ.

Điển hình như, cán bộ công an Nguyễn Thị Mai Hạnh, đảng viên Chi bộ Công an phường Tân Hòa (TP.Buôn Ma Thuột). Với trách nhiệm là đảng viên, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân, bà Hạnh đã giới thiệu, làm trung gian, mối lái cho đồng chí, đồng đội của mình vay tiền nhiều lần với số lượng lớn, có lãi suất cao hơn mức lãi suất (tại thời điểm) theo quy định của Bộ Luật dân sự. Vi phạm này là nghiêm trọng nên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất thi hành kỷ luật cảnh cáo.

Ông Nguyễn Trọng Kiên, là cán bộ công an, đảng viên Chi bộ Đội Cảnh sát điều tra về kinh tế, ma túy (Công an huyện Krông Năng), nguyên là đảng viên Đảng bộ Trại tạm giam thuộc Đảng bộ Công an tỉnh Đắk Lắk. Trong quá trình công tác ở trại tạm giam, là thành viên ca trực đêm 19/11/2016 đến sáng ngày 20/11/2016 ông Kiên đã thiếu kiểm tra, giám sát, thực hiện chưa đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao nên để các can phạm trốn khỏi Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk nên bị kỷ luật khiển trách.

Rừng ở Tây Nguyên liên tục bị phá hoại, đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật

Rừng ở Tây Nguyên liên tục bị phá hoại, đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều cán bộ kiểm lâm bị kỷ luật

Ngoài bà Hạnh, ông Kiên, trọng đợt này nhiều kiểm lâm cũng bị kỷ luật. Cụ thể như, ông Y Te, là cán bộ chủ chốt của ngành kiểm lâm, hiện là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lắk, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Krông Bông.

Khi còn giữ chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, ông Y Te chưa trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn đối với cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa có kế hoạch, biện pháp, giải pháp cương quyết, hiệu quả…để tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai phá rừng, đầu độc rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật trong năm 2019 và 2020.

Ông Te còn chậm trễ trong tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể Hạt Kiểm lâm và các cá nhân có liên quan tại đơn vị theo chỉ đạo của cấp trên.

Những sai phạm của Y Te là một trong những nguyên nhân quan trọng làm diện tích rừng trên địa bàn huyện Krông Bông bị phá hoại, làm suy giảm diện tích che phủ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và đời sống; gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vậy nên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất thi hành kỷ luật cảnh cáo với ông Y Te.

Ông Dương Quốc Trung, đảng viên, công chức kiểm lâm huyện Lắk, nguyên công chức kiểm lâm huyện Krông Bông phụ trách địa bàn xã Cư Pui trong quá trình công tác đã không chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng trái pháp luật.

Đồng thời, không đề ra được các biện pháp, giải pháp cương quyết, hiệu quả để tham mưu, đề xuất với Hạt Kiểm lâm huyện và các tổ chức, đơn vị liên quan góp phần đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn xã Cư Pui nên bị kỷ luật khiển trách…

Tin, ảnh: Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-nhieu-cong-an-va-kiem-lam-o-dak-lak-bi-ky-luat-n190707.html