Vì sao nhiều địa phương 'làm ngược' quy trình đầu tư sửa chữa trường học?
Trong tháng 8 và 9/2023, ông Nguyễn Duy Hùng - Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (tỉnh TT-Huế), ký quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cải tạo, sửa chữa trường học trên địa bàn; tuy nhiên, từ trước đó, các xã có dự án đã sốt sắng cho triển khai thi công công trình khi chưa đảm bảo quy trình thủ tục theo quy định.
Theo tìm hiểu của PV, tại công trình cải tạo, sửa chữa Trường tiểu học và THCS Lê Quang Bính (xã Hương Bình), vào tháng 6/2023, dự án được UBND thị xã Hương Trà phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.429.000.000 đồng, do UBND xã Hương Bình làm chủ đầu tư. Đến tháng 8/2023, dự án điều chỉnh vốn xuống còn 1.371.000.000 đồng.
Điều bất ngờ, mặc dù báo cáo kinh tế kỹ thuật chưa được thẩm định, chưa có quyết định lựa chọn nhà thầu hay ký hợp đồng thi công theo quy định tại Quyết định số 54/2021 của UBND tỉnh TT-Huế, nhưng các hạng mục cải tạo, sửa chữa theo dự án tại Trường tiểu học và THCS Lê Quang Bính đã gần như hoàn thiện từ khi bước vào năm học mới 2023-2024.
Ông Trần Viết Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hương Bình, thừa nhận thiếu sót trong việc cho nhà thầu cải tạo, sửa chữa trường học trước khi hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án.
Tại dự án cải tạo, sửa chữa Trường tiểu học Bình Thành (xã Bình Thành), vào ngày 11/9, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Duy Hùng ký phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư với số vốn 1.208.000.000 đồng, giao UBND xã Bình Thành làm chủ đầu tư.
Tương tự tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô” như ở Trường tiểu học và THCS Lê Quang Bính (xã Hương Bình), tuy chưa qua thẩm định các báo cáo kinh tế kỹ thuật, chưa có quyết định lựa chọn nhà thầu…, nhưng chủ đầu tư là UBND xã Bình Thành đã cho đơn vị thi công tổ chức hoàn thiện hạng mục lát đá sân trường.
Ông Hồ Chí Thịnh - Chủ tịch UBND xã Bình Thành, cũng thừa nhận có thiếu sót trong quá trình triển khai dự án cải tạo, sửa chữa trường tiểu học trên địa bàn. Địa phương sau đó đã cho dừng thi công, đợi hoàn thiện các thủ tục mới tiếp tục triển khai cải tạo, sửa chữa những hạng mục còn lại của Trường tiểu học Bình Thành.
Theo lãnh đạo UBND của hai xã Hương Bình và Bình Thành, cả hai dự án nêu trên đều lựa chọn nhà thầu thi công theo hình thức chỉ định thầu.
Về nguyên nhân thực hiện dự án đầu tư theo “quy trình ngược”, lãnh đạo hai xã phân trần, do khâu triển khai thủ tục đầu tư qua các bước mất nhiều thời gian; trong khi, để kịp hoàn thiện công trình mới phục vụ học sinh khi bước vào năm học mới 2023-2024, nên địa phương vừa cho nhà thầu triển khai thi công sớm trong dịp hè, vừa tiến hành bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thủ tục đầu tư.
Theo UBND thị xã Hương Trà, qua nắm bắt tình hình, lãnh đạo thị xã đã có công văn gửi các đơn vị là chủ đầu tư, phòng, ban liên quan để kịp thời chấn chỉnh.
Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà yêu cầu các phòng, ban chuyên môn kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư; đề xuất báo cáo UBND thị xã phương án xử lý phù hợp theo quy định. Trong trường hợp chủ đầu tư thực hiện không đảm bảo quy định, UBND thị xã sẽ thu hồi kinh phí hoàn trả ngân sách tỉnh; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan.
Theo Quyết định số 54/2021 của UBND tỉnh TT-Huế quy định về trình tự thủ tục công tác quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên để sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất trên địa bàn tỉnh. Đối với dự án sử dụng vốn chi thường xuyên để sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, sau khi chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, chủ đầu tư sẽ trình báo cáo kinh tế kỹ thuật cho phòng tài chính - kế hoạch thẩm định. Sau khi báo cáo được thẩm định, UBND cấp huyện phê duyệt, sẽ trình tiếp kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công. Tiếp theo là quyết định lựa chọn nhà thầu. Sau đó, chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu mới tiến hành công tác thi công.