Vì sao nhiều đứa trẻ thần tượng cha mẹ?

Nhiều đứa trẻ xem cha mẹ là thần tượng của mình, sự ngưỡng mộ sâu sắc ấy khiến con trẻ luôn vâng lời. Chính tình yêu thương, sự gắn bó với đấng sinh thành đã cho con xúc cảm ấy.

 Tình yêu thương của cha mẹ sẽ là bước đệm để trẻ phát triển cảm xúc. Ảnh minh họa: F.P.

Tình yêu thương của cha mẹ sẽ là bước đệm để trẻ phát triển cảm xúc. Ảnh minh họa: F.P.

Để người cha được tôn trọng trong gia đình thì tự bản thân người cha phải hành động đề xứng với điều đó, phải sống sao cho xứng đáng với sự tôn trọng của con cái.,

Con người có bản năng tự nhiên là luôn muốn hướng đến những giá trị lý tưởng, dù chỉ là từng bước tiến nhỏ. Những người luôn khao khát hoàn thiện bản thân sẽ có ý thức về “sự tôn trọng” với người khác và có ý chí học hỏi một cách chân thành từ những người xung quanh. Có thể nói rằng vì có “sự tôn trọng” nên con người mới xứng đáng là con người.

Chính vì vậy, nếu trong gia đình, việc nuôi dạy trẻ mà không có “sự tôn trọng” thì sẽ không thể bồi dưỡng ý thức đạo đức cho trẻ. Ý thức đạo đức là điều quan trọng nhất đối với con người, bởi mong muốn được người khác tôn trọng là bản năng tự nhiên.

Khi có ý thức đạo đức, con người sẽ không mắc phải sai lầm và có thể bước đi trên con đường đúng đắn, “Sự tôn trọng” là ý thức đạo đức cao nhất của con người, là điều mà các loài động vật không có. Chính nhờ có ý thức đạo đức mà con người biết xem trọng người khác, ý thức được tầm quan trọng của sinh mệnh con người.

Người ta đã tiến hành một cuộc khảo sát với câu hỏi: “Học sinh cấp hai nghĩ như thế nào về cha?”, để so sánh quan niệm về người cha giữa học sinh Nhật và Mỹ. Cuộc khảo sát được IBM Nhật Bản tổ chức năm 1998, đối tượng tham gia khảo sát là 200 học sinh nam và 200 học sinh nữ người Nhật và người Mỹ.

Theo kết quả khảo sát, có 66% học sinh Mỹ và 20% học sinh Nhật trả lời: “Tôi rất kính trọng cha”, 65% học sinh Mỹ và 23% học sinh Nhật trả lời: “Tôi rất kính trọng mẹ”. Với mỗi câu trả lời này, số lượng học sinh cấp hai ở Nhật Bản thể hiện sự tôn trọng với cha mẹ chỉ bằng khoảng một phần ba so với học sinh Mỹ.

Tiếp theo, với câu hỏi “Ai là hình mẫu lý tưởng của bạn?”, câu trả lời nhiều nhất của học sinh Mỹ là: “Cha mẹ”, còn các học sinh Nhật thường nêu ra tên các nghệ sỹ. Đây thật sự là khác biệt lớn về nhận thức.

Vậy thì phải làm thế nào để con cái biết kính trọng cha? Có một điều cần phải làm ngay từ trước khi trẻ được sinh ra. Như tôi đã đề cập, khi người cha đối diện với đứa con vừa chào đời thì trước hết, cha hãy trò chuyện với mẹ để xóa nhòa đi sự cảnh giác của trẻ.

Nếu cha làm vì vậy, trẻ sẽ không quây khóc khi cha nói chuyện cùng. Tuy nhiên, còn có một biện pháp tốt hơn nữa, đó là người cha thường xuyên trò chuyên với con ngay từ khi con còn trong trong bụng mẹ. Nếu làm như vậy, khi sinh ra, trẻ thậm chí sẽ yêu quý cha hơn cả mẹ.

Ví dụ, sáng sớm trước khi đi làm, cha hãy nói với em bé trong bụng mẹ: “Bây giờ ba đi làm đây, bé ngoan ở nhà với mẹ nhé!”. Khi về nhà, cha hãy chào con: “Ba về rồi đây! Con ở nhà với mẹ có ngoan không?”. Trẻ có thể nghe rõ ràng những lời cha nói, thậm chí, trẻ còn cảm nhận được nét mặt của cha. Bởi vậy, người cha nhất định phải giao tiếp với con ngay từ khi em bé chưa chào đời.

Khi trẻ còn bé, chính bản thân người cha cũng phải xem việc kính trọng cha mẹ mình, chính là ông bà của các con, là một việc quan trọng. Không chỉ người cha mà cả người mẹ cũng cần có thái độ kính trọng đôi với cha mẹ mình và cha mẹ chồng. Nếu như cha mẹ để cho trẻ quan sát những điều đó một cách tự nhiên thì trẻ cũng sẽ kính trọng ông bà, cha mẹ.

Điều này cũng dạy cho trẻ ý thức tôn trọng tổ tiên. Ngày nay, ở Nhật Bản, ý thức này đã hoàn toàn biến mất. Trẻ em đang dần đánh mất đi những điều mà lẽ ra chúng cần tuyệt đối tôn trọng, cũng bởi chúng luôn tự cho mình là tuyệt vời nhất. Những đứa trẻ này coi mình như một vị vua và xem cha mẹ như “người hầu” của mình. Có thể nói, đây là trường hợp tồi tệ nhất. Chúng ta thật sự phải thay đổi tình trạng này trước khi nó trở nên nghiêm trọng.

Có câu nói rằng: “Một ngọn đèn chỉ soi sáng được một góc nhỏ, nhưng hàng vạn ngọn đèn có thể soi sáng khắp mọi nơi”. Hàm ý của câu nói này là, mỗi cá nhân chỉ có thể tạo ra một sự khác biệt nhỏ, nhưng hàng vạn người cùng nhau nỗ lực thì sẽ tạo ra những thay đổi lớn và làm thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Nói tóm lại, trước hết, việc giáo dục phải bắt đầu từ mỗi cá nhân. Mỗi người nên có ý thức tôn trọng người khác. Như vậy thì sẽ không còn những rắc rối trong gia đình, không còn những rắc rối trong trường học, và xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Nếu không ý thức được điều này, dù bạn có cố gắng làm gì chăng nữa thì cũng khó có thể thành công. Những người nhận thức được điều này sẽ bắt đầu thắp sáng ngọn đèn của mình và sau đó, vòng tròn ánh sáng dần dần được lan rộng. Tóm lại, điều tôi muốn nói là hãy khiến cho bản thân mình được tỏa sáng, dù bạn chỉ là một nhân viên bình thường nhưng bạn hãy là một người cha “tỏa sáng” trong mắt con trẻ.

Shichda Matoko/ NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-nhieu-dua-tre-than-tuong-cha-me-post1567117.html