Chuyên gia 'bày cách' để bố mẹ không phải hối hận khi cho con đi trại hè

Theo các chuyên gia, khi cho con tham gia trại hè, phụ huynh cần có kế hoạch cụ thể.

Trở về nhà sau 1 tuần tham gia trại hè, Tùng - con chị Phương tỏ ra ủ rũ, mệt mỏi, kêu ngứa ngáy. Chị Phương cởi áo của con để kiểm tra thì phát hiện phần lưng nổi mẩn, nhiều vết côn trùng cắn đang sưng tấy.

Tùng than thở, những ngày qua con thường phải tắm nước lạnh, ngủ không ngon vì bị muỗi đốt, đồ ăn không hợp khẩu vị. "Con sẽ không bao giờ đi trại hè nữa. Không có gì thú vị", cậu bé tâm sự với mẹ.

Phụ huynh cần tỉnh táo chọn lựa

Những năm gần đây, nhiều đơn vị tung ra các khóa trại hè từ ngắn ngày tới dài ngày với nhiều chương trình khác nhau, được quảng cáo rộng rãi và rất hấp dẫn trên truyền thông, mạng xã hội.

Trại hè trở thành lựa chọn ngày càng phổ biến với các phụ huynh ở thành phố, với mong muốn con có mùa hè nhiều trải nghiệm, cải thiện kỹ năng sống, tính tự lập… và mang tới niềm vui sau một năm học tập căng thẳng.

Theo tìm hiểu của PV, các trại hè hiện nay rất đa dạng về cả nội dung và hình thức tổ chức, phổ biến như: Trại hè quân đội, trại hè công an, trại hè tiếng Anh, trại hè kỹ năng sống, trại hè trải nghiệm, các khóa tu…

Thế nhưng, sau những khóa trại hè có chi phí từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng, không ít phụ huynh bức xúc lên tiếng về chất lượng dịch vụ, điều kiện ăn ở, nghỉ ngơi không đạt tiêu chuẩn, lịch trình hoạt động "không như cam kết".

Quan trọng nhất là, con họ trở về với tâm trạng mệt mỏi, chán chường, hoàn toàn thất vọng với khóa trại hè.

Một bài viết phản ánh chất lượng kém tại một trại hè ở Thái Nguyên gây sốt mạng xã hội thời gian gần đây

Một bài viết phản ánh chất lượng kém tại một trại hè ở Thái Nguyên gây sốt mạng xã hội thời gian gần đây

Theo chuyên gia giáo dục - TS Vũ Thu Hương, trại hè nếu được tổ chức bài bản thực sự mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em. Đây là cơ hội để con rèn luyện nhiều kỹ năng ứng phó tình huống nguy hiểm, tự chăm sóc bản thân, ứng xử giao tiếp...

Giảng viên Học viện Chính trị khu vực II, TS Phạm Thị Thúy cũng rất ủng hộ các khóa trại hè. "Trại hè là môi trường lý tưởng giúp các con gần gũi thiên nhiên, rèn luyện thể chất, bồi dưỡng cảm xúc, bớt phụ thuộc vào thiết bị công nghệ và bố mẹ…

Giáo dục qua trải nghiệm thực tiễn là xu hướng trên khắp thế giới. Song, hiện chưa có cơ quan thẩm định chất lượng các khóa trại hè. Nhiều khóa trại hè còn mang tính tự phát. Nếu phụ huynh không tỉnh táo dễ ‘tiền mất tật mang'", TS Thúy nhận định.

Lựa chọn trại hè phù hợp

Hiện nay, có những trại hè nhận trại sinh từ 5 tuổi nhưng phổ biến hơn cả là từ 7 tuổi, khi con đã vào cấp 1, được cho là có những kỹ năng tự lập cơ bản.

Theo quan điểm của chuyên gia, số tuổi không quan trọng bằng việc phụ huynh xác định đúng mức độ trưởng thành của con. Nếu con chưa có những kỹ năng chăm sóc bản thân cơ bản thì không nên cho con tham gia trại hè.

"Việc lựa chọn trại hè còn phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu phát triển, điểm mạnh - điểm yếu thể chất, tinh thần của con", TS Vũ Thu Hương nhận định.

Các chuyên gia chỉ ra 3 tiêu chí đặc biệt quan trọng mà phụ huynh cần nắm rõ khi lựa chọn trại hè cho con.

Thứ nhất, lựa chọn đơn vị tổ chức có pháp nhân rõ ràng, kinh nghiệm tổ chức lâu năm, độ tin cậy cao và có đội ngũ hỗ trợ đảm bảo trình độ chuyên môn.

Cha mẹ nên dành thời gian để nghiên cứu kỹ thông tin qua nhiều kênh, đọc các nhận xét của phụ huynh có con từng tham gia, thay vì chỉ đọc quảng cáo.

Thứ hai, tìm hiểu độ an toàn về địa điểm, cơ sở vật chất phục vụ ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ và phòng chống tình trạng quấy rối, bạo lực. Nếu có đủ thời gian, cha mẹ nên tới tận nơi để quan sát khu vực con sẽ sinh hoạt trong trại hè.

Thứ ba, phụ huynh phải xác định mục tiêu và chương trình trại hè đó có phù hợp với tâm sinh lý của con hay không.

"Cho con tham gia trại hè không phải nhét con vào một nơi trông trẻ, hay theo mong muốn của bố mẹ mà phải có sự trao đổi.

Nếu con còn nhỏ, lần đầu tham gia, cha mẹ nên giải thích cho con những lợi ích của trại hè, tạo tâm lý hứng khởi và sẵn sàng tham gia, tránh để các bé nghĩ bị bố mẹ bỏ rơi, xuất hiện sự lo lắng, hoang mang.

Với các bạn lớn hơn, cha mẹ nên tìm hiểu một số trại hè rồi giới thiệu để con lựa chọn theo ý thích. Ví dụ như có bạn thích tiếng Anh, có bạn thích vận động, gần gũi thiên nhiên, có bạn lại thích tìm hiểu lịch sử…

Khi con tham gia trại hè với tâm lý sẵn sàng thì hiệu quả sẽ tốt hơn", TS Thúy nói.

Một khóa trại hè dành cho các bạn nhỏ yêu thích khám phá lịch sử. Ảnh: Cá Siêu Quậy

Một khóa trại hè dành cho các bạn nhỏ yêu thích khám phá lịch sử. Ảnh: Cá Siêu Quậy

Chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho con

Phụ huynh luôn mong muốn con được cải thiện các kỹ năng sống sau khóa trại hè nhưng thực tế, trước khi tham gia, các con cần phải có những kỹ năng cơ bản.

"Các bạn nhỏ cần sẵn sàng chăm sóc bản thân, xác định không có người phục vụ những nhu cầu riêng tư như tắm rửa, đi vệ sinh. Phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý cho các con rằng, tham gia trại hè có thể nhớ nhà, xước da, bị côn trùng đốt…

Thêm nữa, có những tính cách xấu mà trước đây con không bộc lộ ở nhà nhưng khi đến trại hè thì con bộc lộ và các bạn, thầy cô không chấp nhận. Việc đó dễ dẫn đến mâu thuẫn bạn bè. Phụ huynh cần trao đổi và phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức trại hè để xử lí mâu thuẫn", TS Hương cho biết.

Đây là kinh nghiệm thực tiễn chị rút ra sau 17 năm đồng hành tổ chức nhiều trại hè cho trẻ em.

Các chuyên gia cũng cho biết, việc hầu hết các trại hè có quy định không cho trẻ mang theo điện thoại cá nhân là hợp lý. Bởi khi có thiết bị này, trẻ em dễ mất tập trung, lơ là hoạt động chung của trại hè.

Tuy nhiên, ban tổ chức cũng phải có quy định cụ thể về thời gian và phương thức liên lạc với các con.

(Tên của các nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Linh Trang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-gia-bay-cach-de-bo-me-khong-phai-hoi-han-khi-cho-con-di-trai-he-2418953.html