Vì sao nhiều ngân hàng tăng mạnh phí dịch vụ SMS Banking?
Nhiều khách hàng rất bất ngờ khi nhận được tin nhắn trừ phí dịch vụ lên tới 55.000 -77.000 đồng thay vì 11.000 đồng như những tháng trước đó...
Từ đầu năm 2022, một loạt các ngân hàng thông báo thay đổi mức thu phí dịch vụ SMS Banking. Theo đó, thay vì mức phí thông thường là 11.000 đồng/tháng (đã bao gồm VAT) như trước đây, nhiều người dùng cho biết mức phí SMS Banking phải trả cho ngân hàng tăng gấp 5-7 lần.
KHÁCH HÀNG RỦ NHAU HỦY DỊCH VỤ
Gần nhất, Vietcombank đã ra thông báo miễn phí toàn bộ dịch vụ trên kênh ngân hàng điện tử VCB Digibank, bao gồm, phí quản lý tài khoản; phí duy trì dịch vụ; phí chuyển tiền trong, ngoài hệ thống… Tuy nhiên, ngân hàng cũng điều chỉnh phí duy trì dịch vụ nhận tin nhắn chủ động qua SMS Banking.
SMS Banking là dịch vụ ngân hàng rất phổ biến. Theo đó, thông qua tin nhắn SMS, người dùng có thể theo dõi số dư tài khoản và theo dõi chi tiêu thẻ tức thì 24/7, nhận thông báo tiền gốc và lãi vay từ ngân hàng.
Cụ thể, mức phí duy trì dịch vụ này sẽ được chuyển từ cố định 10.000 đồng/số điện thoại/tháng (chưa bao gồm VAT) thành phí tính theo số lượng tin nhắn chủ động. Trong đó, các số điện thoại nhận dưới 20 tin nhắn/tháng vẫn tính phí 10.000 đồng, tuy nhiên, từ 20 đến dưới 50 tin nhắn sẽ tính phí 25.000 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin nhắn tính phí 50.000 đồng và từ 100 tin nhắn trở lên tính phí 70.000 đồng.
BIDV cũng phát đi thông báo điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking cùng với thông báo miễn toàn bộ phí trên ngân hàng số BIDV SmartBanking. Trong đó, ngân hàng này thay đổi từ mức 9.000 đồng/tháng cố định thành 9.000 đồng với 0-15 SMS/tháng; 30.000 đồng với 16-50 SMS/tháng; 55.000 đồng với 51-100 SMS/tháng và 70.000 đồng với 101 SMS trở lên/tháng.
Tương tự, Techcombank cũng tính phí SMS Banking theo số lượng tin nhắn ở mức 0-15 SMS/tháng tính phí 12.000 đồng; 16-30 SMS/tháng tính 18.000 đồng; 31-60 SMS/tháng thu phí 40.000 đồng và trên 61 SMS/tháng thu phí 75.000 đồng.
Đáng chú ý, sau khi chính thức bị trừ tiền dịch vụ theo biểu giá mới, rất nhiều khách hàng cho biết đã soạn cú pháp hủy dịch vụ SMS chủ động. Bởi lẽ, họ có thói quen không sử dụng tiền mặt mà thanh toán bằng thẻ hay Internet Banking.... mỗi lần giao dịch sẽ mất ít nhất 2 SMS Banking. Nếu tiếp tục sử dụng dịch vụ này sẽ phải chịu chi phí không hề ít.
TÌNH HUỐNG BẤT KHẢ KHÁNG
Khi đồng thời đưa ra thông báo miễn phí giao dịch kênh ngân hàng số và điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking, các ngân hàng đều cho biết mục đích của thay đổi trên là để khuyến khích khách hàng chuyển sang sử dụng dịch vụ ngân hàng số, bao gồm cả dịch vụ thông báo biến động số dư trên app banking (OTT).
Mặt khác, theo lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh, việc tăng phí SMS Banking cũng là tình huống bất khả kháng. Bởi lẽ, để gửi tin nhắn đến cho khách hàng, ngân hàng phải mua dịch vụ gửi SMS và trả phí cho các nhà mạng viễn thông. Mặc dù là các khách hàng lớn nhất, nhưng mức phí gửi tin nhắn SMS đối với các dịch vụ tài chính ngân hàng cao hơn nhiều so với mức phí tin nhắn thông thường của khách hàng cá nhân hoặc tin nhắn áp dụng cho các lĩnh vực khác.
"Năm 2021, chúng tôi phải chi trả gần 1.000 tỷ đồng chi phí gửi SMS. Trong đó, chỉ tính riêng với dịch vụ thông báo thay đổi số dư đã phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng", vị lãnh đạo ngân hàng nói.
Thực tế, nhà mạng MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 500 đồng/1 tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn) và từ năm 2019, Viettel đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Còn Vietnamobile, Beeline thu 280 - 400 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng, truyền thông không yêu cầu bảo mật, gửi tức thì.
Trong khi, riêng với khách hàng cá nhân, Viettel thu 100-300 đồng/SMS, Vinaphone thu 99-350 đồng/SMS, Mobifone thu 200– 350 đồng/SMS.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đánh giá cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao hơn gấp 3 lần so với phí tin nhắn bình thường. Nếu các tổ chức tín dụng thu phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của khách hàng cao tương ứng thì rất mang tiếng, nhưng nếu miễn phí cho khách hàng thì các tổ chức tín dụng cũng không thể “gánh” được cước phí của nhà mạng thu.
"Tác dụng của việc sử dụng tin nhắn dịch vụ ngân hàng cũng không thể phủ nhận nhưng cần phải đảm bảo mức phí đó ở mức tương xứng. Trong bối cảnh các tổ chức tín dụng đã miễn phí toàn bộ cước phí cho khách hàng, thì cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng của các nhà mạng cũng nên xem xét lại. Các bên nên cùng ngồi lại với nhau để đưa ra mức phí hợp lý, đảm bảo quyền lợi, lợi ích của chính các nhà mạng, của các tổ chức tín dụng và của khách hàng", ông Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về chất lượng dịch vụ, cụ thể là tình trạng giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS brandname), ông Hùng cho rằng, các ngân hàng đang phải trả phí rất cao cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ SMS brandname thì phải nhận được chất lượng dịch vụ tương xứng và nhà mạng phải có trách nhiệm phối hợp xử lý vấn đề tin nhắn giả mạo một cách triệt để.
Do đó, các nhà mạng cần nâng cao mức độ bảo mật của dịch vụ, không thể để tình trạng các ngân hàng không phát tin nhắn gửi mà khách hàng là chủ các số thuê bao di động vẫn nhận được tin nhắn với brandname của ngân hàng.
"Trong quá trình tìm giải pháp thì trước mắt trong các hợp đồng ký với ngân hàng, các nhà mạng cần dành một lượng tin nhắn miễn phí đủ lớn để các ngân hàng dùng để nhắn tin cảnh báo tới khách hàng khi xuất hiện tình trạng giả mạo mới hoặc nhắc lại tình trạng giả mạo cũ đang có mức độ gia tăng trong những thời điểm nhạy cảm", ông Hùng đề xuất.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-nhieu-ngan-hang-tang-manh-phi-dich-vu-sms-banking.htm