Vì sao nhiều người dân có thói quen mua vàng nhẫn tích trữ?

Nhiều người dân chuyển sang mua vàng nhẫn tích trữ thay vì vàng miếng SJC như trước kia.

Người dân ưu tiên tích trữ vàng nhẫn

Giữa vàng SJC và vàng nhẫn chênh nhau tới gần 14 triệu đồng.

Giữa vàng SJC và vàng nhẫn chênh nhau tới gần 14 triệu đồng.

Đầu giờ sáng 9/10, giá vàng 9999 của SJC hôm nay 68,5 - 69,3 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 350 nghìn đồng lượng ở chiều mua vào và tăng 250 nghìn đồng lượng ở chiều bán ra so với kết phiên giao dịch cuối tuần qua. Trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn 55,75 - 56,8 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Như vậy, giữa vàng SJC và vàng nhẫn chênh nhau tới gần 14 triệu đồng.

Có thể nói, thời gian qua giá vàng SJC đẩy lên cao khiến người dân mua vàng tích trữ chuyển sang mua vàng nhẫn tròn trơn của thương hiệu vàng trong nước.

Chị Thúy Hiền (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có thói quen cất trữ vàng. Trước đây, chị Hiền thường mua vàng miếng SJC. Tuy nhiên, từ khi vàng miếng lên cao, chị Hiền chuyển sang vàng nhẫn tròn trơn tuổi vàng 9999.

"Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 tương đương giá vàng thế giới và giữ ổn định. Trong khi giá vàng miếng SJC quá cao, thường xuyên biến động lên xuống. Vì vậy, tôi chọn vàng nhẫn tròn trơn để yên tâm cất giữ lâu dài", chị Hiền cho biết.

Lý do khiến vàng là kênh tích trữ lâu dài

Giá vàng miếng SJC một mình một chợ.

Giá vàng miếng SJC một mình một chợ.

Có nhiều lý do khiến các thế hệ từ trước đến nay coi vàng là kênh tích trữ lâu dài. So với đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc kinh doanh thì đầu tư vào vàng ít rủi ro hơn ngay cả khi kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng.

1. Vàng là hàng rào bảo vệ khi kinh tế rơi vào suy thoái

Từ xưa, vàng là kim loại quý ở mọi quốc gia trên thế giới, vừa đóng vai trò là phương tiện thanh toán ở một số hoạt động kinh tế đặc biệt, đồng thời là nguyên liệu chế tác nữ trang và sản xuất một số mặt hàng đặc biệt.

Trước những biến động tiêu cực của nền kinh tế như lạm phát, suy thoái thì càng làm cho giá trị của vàng tăng thêm.

Khi lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá nhưng không làm ảnh hưởng đến giá trị của vàng. Trường hợp lãi suất thị trường giảm mạnh, trái phiếu trở nên kém hấp dẫn, mọi người có xu hướng mua vàng để đầu tư và tích trữ hơn là đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Ngay cả khi thị trường chứng khoán suy thoái thì vàng cũng là giải pháp bảo vệ tài chính tốt nhất.

2. Vàng không bao giờ lỗi thời

Vàng luôn có xu hướng tăng giá bất chấp biến động của nền kinh tế ra sao.

Vàng luôn có xu hướng tăng giá bất chấp biến động của nền kinh tế ra sao.

Vàng được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống, trước tiên có thể thấy nhiều nhất là dùng vàng làm đồ trang sức, làm quà tặng, của hồi môn, chế tác các vật dụng trang trí nhà cửa… Vàng là biểu tượng của sự giàu sang và phú quý.

3. Giá vàng luôn có xu hướng tăng trong thời gian dài

Trong giai đoạn ngắn ta có thể thấy giá vàng lên xuống biến động liên tục. Nhưng xét trong khoảng thời gian dài từ 5 năm đến 10 năm trở lên thì vàng luôn có xu hướng tăng giá bất chấp biến động của nền kinh tế ra sao.

Dễ thấy nhất là khoảng những năm 1990, một lượng vàng chỉ có giá 5 triệu đồng. Những năm tiếp theo, vàng tăng dần lên trên 20 triệu đồng/lượng rồi lên trên 45 triệu đồng/lượng. Cho đến hiện nay thì giá vàng đã có lúc cán mốc 70 triệu đồng.

4. Vàng ngày càng trở nên khan hiếm

Việc khai thác vàng rất khó khăn, không giống như than đá hay những kim loại khác. Việc tìm kiếm mỏ vàng và tiến hành khai thác cũng cực kỳ tốn kém, quá trì gia công mất nhiều thời gian và công sức. Chính vì thế mà không có gì ngạc nhiên khi giá trị của nó cao gấp nhiều lần.

Do con người khai thác trong hàng ngàn năm mà kim loại này đang trở nên kiệt quệ mà chưa tìm ra nguyên liệu nào thay thế. Sản lượng khai thác vàng càng giảm thì giá trị của vàng càng tăng.

5. Tích trữ vàng là thói quen và truyền thống

Việc tích trữ vàng nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính của bản thân và gia đình. Người dân mua vàng không chỉ nhằm mục đích đợi tăng giá mà còn muốn phòng thủ tài chính, tạo cảm giác an toàn, khi có việc cần đến có thể bán được ngay mà không mất giá.

Ngoài ra, vàng còn là của hồi môn không thể thiếu trong các đám cưới. Ở Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ… vàng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cả kinh tế cũng như đời sống tinh thần.

5 mẫu bàn ăn thông minh dành cho nhà nhỏ

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-dan-co-thoi-quen-mua-vang-nhan-tich-tru-172231009101134748.htm