Vì sao nhiều người mua sắm bốc đồng lúc nửa đêm

Năng lượng nhận thức nằm ở mức thấp nhất vào cuối ngày dễ khiến một người đưa ra quyết định mua hàng thiếu cân nhắc.

Bernadette Joy (Mỹ), chủ kênh podcast và là một huấn luyện viên về tiền bạc, đã cùng bạn đời của mình trả hết khoản nợ 300.000 USD trong 4 năm. Hiện tại, cô dùng những kinh nghiệm mình có để giúp những người khác đạt được cột mốc tài chính của họ.

Chia sẻ trong bài viết của CNBC Make It, cô cho biết mọi người dễ mua sắm vô tội vạ khi căng thẳng, đó là một trong những lý do khiến chúng ta rơi vào cảnh bội chi.

"Sự mệt mỏi vào cuối ngày khiến họ muốn mua sắm. Mua một thứ gì đó giống như liều thuốc năng lượng mạnh mẽ, khiến lượng dopamine (hay được gọi là hormone hạnh phúc) tiết ra nhiều hơn", Joy chia sẻ.

Cảm xúc vui vẻ khiến nhiều người khó tránh được việc vung tiền quá tay khi chọn mua sắm khi mệt mỏi hay vào đêm muộn.

 Nhiều người dễ dàng quyết định mua sắm lúc mệt mỏi để giải tỏa cảm xúc. Ảnh: BBC.

Nhiều người dễ dàng quyết định mua sắm lúc mệt mỏi để giải tỏa cảm xúc. Ảnh: BBC.

Mua sắm như liều thuốc cho tinh thần

Chris Browning, người sáng lập podcast "Popcorn Finance", cho biết những lần mua sắm thiếu suy nghĩ nhất của anh cũng xảy ra khi bản thân mệt mỏi.

"Vào lúc khuya, hoặc sau khi trải qua một ngày dài căng thẳng và kiệt sức, tôi thường quyết định mua một món hàng mà dịp bình thường rất đắn đo. Những lúc đó, quá lo lắng hoặc mâu thuẫn trong mong muốn tiêu tiền khiến hành động mua của tôi diễn ra chóng vánh, bốc đồng", Browning bày tỏ.

Nhiều người cũng từng trải qua điều này. Theo CNBC Make It, xu hướng chi tiêu quá mức khi mệt mỏi được giải thích bằng một lý thuyết tâm lý có tên "suy giảm nhận thức".

Ross Steinman - giáo sư tâm lý học tại Đại học Widener, chuyên nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng - cho biết khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, bạn sẽ có một lượng năng lượng nhận thức hoặc không gian não hạn chế để giúp đưa ra quyết định.

Bạn có thể tăng cường nhận thức của bản thân bằng cách ngủ một giấc thật sâu, rèn luyện một số hoạt động thể chất hoặc thiền định.

Tuy nhiên, trong suốt cả ngày, mỗi người phải đưa ra cả nghìn quyết định từ nhỏ đến lớn: mặc gì đi làm, ăn gì vào bữa trưa, chọn một cụm từ cho email... Vì vậy, vào buổi tối, năng lượng nhận thức có thể cạn kiệt.

 Thói quen mua sắm lúc đêm khuya dễ khiến bạn rơi vào tình trạng lạm chi. Ảnh: d3sign.

Thói quen mua sắm lúc đêm khuya dễ khiến bạn rơi vào tình trạng lạm chi. Ảnh: d3sign.

Nếu lướt một trang mua sắm và xem hàng vào thời điểm cuối ngày, khi năng lượng nhận thức ở mức thấp nhất, bạn sẽ ít có khả năng đưa ra được quyết định hợp lý so với đầu ngày.

"Khi một người muốn mua gì đó vào đầu ngày, chẳng hạn kem đánh răng, thông thường họ sẽ cố gắng tìm kiếm phiếu giảm giá, nhưng nếu lướt xem hàng khi bị thiếu ngủ và mệt mỏi, họ sẽ không muốn làm gì ngoài bấm chọn mua", Steinman nói.

Ví dụ, thay thì xem xét sự chênh lệch giữa giá cả và chất lượng các loại kem đánh răng, họ có thể chọn đại một loại nào đó vì nó trông quen thuộc, bất kể nó có xứng với số tiền bỏ ra hay không.

"Nếu một người trải qua một ngày khó khăn, họ đặc biệt cảm thấy 'xứng đáng' để quyết định mua món hàng theo cách dễ dàng. Về cơ bản, quyết định vừa xảy ra là vì người ta muốn bản thân được tự do", vị giáo sư nói thêm.

Thoát khỏi thói quen xấu

Có nhiều cách để thoát khỏi thói chi tiêu bốc đồng khi mệt mỏi. Theo giáo sư Steinman, nếu thấy mệt mỏi lúc về nhà và muốn mua sắm gì đó trên mạng, trước lúc bấm "thanh toán" hãy chờ đợi một chút.

"Cứ để món đó trong giỏ hàng của bạn khoảng 24 tiếng và suy nghĩ xem có thực sự cần mua nó hay không", ông nói.

 Rèn luyện thói quen tránh xa điện thoại vào ban đêm giúp tránh những quyết định mua sắm bốc đồng.

Rèn luyện thói quen tránh xa điện thoại vào ban đêm giúp tránh những quyết định mua sắm bốc đồng.

Trong khoảng thời gian đó, bạn sẽ trải qua "giai đoạn hạ nhiệt", giúp bản thân quay lại "trạng thái cảm xúc nhất quán". Trở lại giỏ hàng vào lúc khỏe khoắn, năng lượng nhận thức ở mức cao, quyết định bạn đưa ra sẽ đúng đắn hơn.

Nếu thường xuyên mua sắm lúc mệt mỏi, chán chường, bạn nên phân bổ một số tiền nhất định trong ngân sách của mình cho "thú vui" này. Như vậy, bạn sẽ vừa được thỏa mãn nhu cầu, nhưng không bị chi tiêu quá lố.

Người thích mua sắm lúc đêm muộn cũng nên cân nhắc các bước để bắt đầu kiểm soát tình trạng căng thẳng của mình.

"Tôi cố gắng ngủ vào đúng một giờ cố định mỗi đêm và ngủ đủ 7 tiếng. Tôi cũng tập thói quen ăn tối sớm hơn và khá thú vị là tôi không còn lướt mạng vào đêm khuya nữa", Joy gợi ý.

Để tránh mua sắm online vào đêm muộn, một giải pháp hữu ích là cố gắng tránh xa điện thoại và các ứng dụng mua hàng trước giờ đi ngủ.

Mọi người đang ngày càng quen với mua sắm trên điện thoại di động. Điện thoại thông minh là thiết bị mua sắm tạo tạo nên kỷ lục doanh số 2 tỷ USD trong ngày "Thứ Sáu đen tối" năm 2018 ở Mỹ, theo Adobe Insights.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-mua-sam-boc-dong-luc-nua-dem-post1339434.html