Vì sao nhiều người Nhật Bản không muốn sống qua 100 tuổi?

Hầu hết người dân Nhật Bản không muốn sống đến hoặc sống quá 100 tuổi vì họ không muốn làm phiền gia đình và những người xung quanh do bệnh tật hay khó khăn tài chính.

Những người cao tuổi ở Tokyo nghỉ ngơi trong một ngôi đền vào ngày 15/9/2014 khi cả nước kỷ niệm Ngày Người cao tuổi. Ảnh: AFP

Những người cao tuổi ở Tokyo nghỉ ngơi trong một ngôi đền vào ngày 15/9/2014 khi cả nước kỷ niệm Ngày Người cao tuổi. Ảnh: AFP

Tháng 9/2022, một công ty nghiên cứu do Tổ chức Chăm sóc Xoa dịu Hospice Nhật Bản tại Osaka đã tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến với khoảng 500 nam giới và 500 phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 70 trên toàn quốc, hỏi họ xem họ có muốn sống qua 100 tuổi hay không. Chăm sóc xoa dịu là phương pháp chăm sóc sao cho những người bị bệnh hiểm nghèo có cuộc sống bình an nhất, có thể được, về thể chất lẫn tinh thần

Theo kết quả nghiên cứu, 72% nam giới và 84% nữ giới được hỏi cho biết họ “không nghĩ” mình sẽ sống lâu như vậy. Khi được hỏi tại sao, 59% người được hỏi cho biết họ không muốn làm phiền gia đình hoặc người khác.

Cũng có 48,2% số người được hỏi cho biết tình trạng thể chất của họ sẽ dần trở nên kém đi và 36,7% bày tỏ lo ngại về tình hình tài chính lúc già.

“Chúng tôi rất kinh ngạc khi thấy số lượng người mong muốn sống lâu hơn 100 tuổi ít hơn nhiều so với những gì tưởng tượng. Khi việc trường thọ 100 tuổi ngày càng trở thành phổ biến, mọi người bắt đầu đặt câu hỏi liệu họ có thực sự hài lòng với điều đó hay không”, đại diện của quỹ trả lời báo Mainichi.

Nhật Bản, một trong những quốc gia có dân số già hóa nhanh nhất thế giới, cũng là một trong những nước có tuổi thọ trung bình cao nhất.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến tháng 9/2022, Nhật Bản có hơn 90.000 người từ 100 tuổi trở lên, tăng khoảng 4.000 người so với năm trước.

Cuộc khảo sát cũng lưu ý vấn đề cấp thiết là lập kế hoạch hỗ trợ cho người Nhật Bản đối mặt với cái chết khi 30% số người được hỏi trả lời họ sống một mình và không có người ở bên khi họ cần nhập viện.

Dân số Nhật Bản cũng đang giảm, với lần đầu tiên số ca tử vong cao hơn số ca sinh vào năm 2022.

Trong bối cảnh lực lượng lao động thu hẹp hơn và ít người nộp thuế hơn để duy trì đất nước trong những năm tới, chi phí chăm sóc người già ngày càng tăng đang làm cạn kiệt ngân quỹ quốc gia, khiến quốc gia này trở thành quốc gia mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực để tăng lực lượng lao động và thúc đẩy dân số cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh thấp tiếp tục làm suy yếu các sáng kiến của đất nước nhằm khắc phục tình trạng dân số già.

Điều này khiến Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố tỷ lệ sinh thấp và dân số già là một rủi ro lớn đối với xã hội Nhật Bản.

“Nhật Bản đang đứng trước bờ vực liệu có thể tiếp tục hoạt động như một xã hội hay không. Tập trung cho các chính sách liên quan đến trẻ em và nuôi dạy trẻ là vấn đề không thể chờ đợi, không thể trì hoãn”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh trong một tuyên bố hồi tháng 1.

Thủ tướng Kishida cho biết vào thời điểm đó, tăng gấp đôi kế hoạch chi tiêu để hỗ trợ các gia đình nuôi dạy con cái sẽ được đưa ra vào tháng 6 năm nay.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Mainichi)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vi-sao-nhieu-nguoi-nhat-ban-khong-muon-song-qua-100-tuoi-20230419142500790.htm