Vì sao nhiều người vẫn chạy xe máy hàng trăm cây số về quê đón Tết?
Có nhiều lý do: Đi xe máy tiết kiệm hơn, chủ động thời gian, như một chuyến phượt đường dài...
13 năm trước (năm 2008) tôi cũng từng đi xe máy từ TP.HCM về Bình Định để đón Tết cùng gia đình. 13 năm đã trôi qua nhưng “cuốc xe độc hành” đó không bao giờ tôi quên. Nó là “cuốc xe" mà lần đầu tiên tôi đi xa nhất trong đời.
Từ chuyện của tôi
Năm đó, tôi là chàng là sinh viên năm 3. Lúc trường cho nghỉ Tết, tôi ở lại TP.HCM đi làm thêm kiếm tiền. Nhưng càng gần Tết, mỗi ngày đi làm về chỉ có một mình trong phòng trọ vắng tanh. Không chịu nổi cảnh trống vắng, tôi quyết định về quê.
Thời đó xe cộ khó khăn, không nhiều như bây giờ. Không nhà xe nào còn ghế. Nghĩ lại cảnh ngồi ghế xúp của hai lần về Tết năm trước, tôi quyết định đi xe máy về quê.
Tối 27 âm lịch, tôi buộc sẵn ba lô quần áo lên xe máy. 5 giờ sáng 28 âm lịch, tôi bắt đầu rời khu trọ ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, chạy theo tuyến quốc lộ 1A hướng về Bình Định.
Giáp Tết trời lạnh. Càng về hướng Bắc càng lạnh. Tôi mặc chiếc áo khoác nhưng chạy ngoài đường được một đoạn thì tay chân lạnh, có lúc run bần bật. Hai hàm răng cứ va đập liên hồi. Không dám chạy nhanh, cứ canh đồng hồ công tơ mét tầm 40km/h mà chạy.
Gần 12h, tôi chạy đến khu vực Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Đây là đoạn đường sát biển. Những cơn gió kèm theo mưa xối vào người liên tục, rát hết cả mặt. Gió mạnh đến độ chiếc xe máy đang chạy mà muốn bẻ ngang tay lái. Nhiều lúc xe chỉ chạy được 10km/h, người lái cúi rạp người né gió.
Tầm 16h thì tới địa bàn tỉnh Phú Yên. Người đã thấm mệt. Tôi tính tìm một khách sạn nào ngủ lại rồi sáng mai tiếp tục hành trình. Thế nhưng… một cái nhà nghỉ vừa chạy qua, hai nhà nghỉ vừa chạy qua… Tôi vẫn tiếp tục chạy! Thế rồi tôi chạy đến huyện Sông Cầu, huyện giáp với tỉnh Bình Định quê tôi. Trong đầu tôi lúc này chỉ nghĩ mình đã về tới nhà rồi. Thế là lại chạy!
Gần 18h, về đến thành phố Quy Nhơn. Người đã thấm mệt lắm nhưng từ Quy Nhơn về nhà chỉ còn cách 70km. Trong đầu tôi suy nghĩ, mình đã chạy được trên 600km từ TP.HCM về đến tỉnh rồi, còn 70km nữa, có gì xa đâu? Vậy là tôi lại lên xe.
Gần 8h tối tôi về tới nhà trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ và gia đình!
Thấy tôi về, cha mẹ tôi mừng lắm! Nhưng sau cái sự mừng đó, tôi nhận những lời trách mắng vì dám chạy xe máy một mình về quê.
Đến… chuyện nhiều người bây giờ
Những ngày qua, tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ đối với những công nhân, sinh viên, người lao động về lý do đi xe máy về quê đón Tết. Có rất nhiều lý do khiến họ đi xe máy: đi xe máy tiết kiệm hơn, đi xe máy về quê để có phương tiện… đi chơi Tết.
Anh Nguyễn Thanh Hãn (quê Phú Yên) làm công nhân ở Khu công nghệ cao dự tính năm nay tiếp tục chạy xe máy về quê đón Tết. Anh cho biết đã 4 năm liên tục về quê đón Tết bằng phương tiện này.
“Đi xe máy chủ động được về thời gian, muốn đi lúc nào đi, muốn nghỉ ở đâu thì tấp vào nghỉ. Nhưng cái chính là đi xe máy về, Tết có xe để đi chơi, đi thăm bà con”, anh Hãn nói.
Còn anh Trần Văn Sơn (quê Bình Định) làm công nhân tại Khu chế xuất Linh Xuân thì chỉ ra một lý do khác: “Làm công nhân năm nào cũng đến 27-28 âm lịch mới nghỉ và mới có thể về quê. Vé xe dịp Tết từ TP.HCM về Bình Định lên đến cả triệu đồng/vé. Trong khi đi xe máy chưa tới 400 nghìn tiền xăng. Đi xe máy tiết kiệm hơn nhiều với chủ động được thời gian”.
Với anh Lê Văn Sang (quê Bình Định), sinh viên Trường CĐ Công thương đi xe máy về quê diệp Tết giống như một chuyến đi phượt.
“Mùa dịch vừa rồi tôi bị kẹt lại ở TP.HCM. Hết dịch tôi vừa học online vừa đi làm thêm cho đến nay. Dự kiến tầm 28 Tết, tôi chạy xe về đón Tết cùng gia đình. Đi xe máy từ TP.HCM về quê với tôi như một chuyến đi du lịch xuyên tỉnh. Trên đường đi từ TP.HCM, tôi sẽ nghé vào nhà các bạn cùng trường ở các tỉnh để thăm chơi luôn”, anh Sang chia sẻ.
Không nên chạy xe máy nếu quá xa!
Ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động thương binh xã hội TP.HCM, chia sẻ: Trước đây, tôi có người cậu, lên TP.HCM học, gần Tết chạy xe máy về Trà Vinh. Đi được nửa đường, ổng buồn ngủ nhưng vẫn cố chạy. Hậu quả là chạy lọt xuống ruộng. May mắn là chỗ đó không có vật nguy hiểm nên người không sao nhưng chiếc xe thì phải nhờ người kéo đến tiệm để sửa.
“Đi xe máy vài mươi kilômét thì còn cố gắng được, còn đủ sức, tỉnh táo để đảm bảo an toàn, chớ chạy trên 100km thì không nên. Vừa không yên tâm về chiếc xe, vừa mệt người, dễ thiếu tỉnh táo và khó phản ứng kịp thời”, ông Hiệp khuyên.