Vì sao nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với thời tiết nắng nóng bất thường?
Nhiều nước trên thế giới đang hứng chịu các đợt nắng nóng bất thường, hàng loạt mức nhiệt cao kỷ lục được thiết lập.
Các đợt nắng nóng bất thường đang xảy ra thường xuyên hơn tại Pháp. Tại nhiều địa phương của Pháp nhiệt độ đã vượt 40 độ C. Bộ Y tế Pháp kích hoạt đường dây nóng và đưa ra cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng gay gắt.
Tại Tây Ban Nha, người dân cũng đang phải đối mặt với những ngày nắng nóng đến sớm nhất trong hơn 40 năm. Đợt nắng nóng khiến nhiệt độ tại nhiều vùng ở Tây Ban Nha vượt quá 40 độ C, cao hơn đáng kể so với mức bình thường thời điểm này trong năm, nhiệt độ ngoài trời ở thành phố Seville, miền Nam nước này lên tới 48 độ C.
Nắng nóng cực đoan gây cháy rừng, thiêu rụi gần 9.000 ha tại khu vực Sierra de la Culebra của Tây Ban Nha, khiến hơn 200 người phải rời nhà cửa lánh nạn. Hơn 3.000 cư dân sống gần công viên Puy du Fou tại miền trung Tây Ban Nha cũng phải sơ tán do lo ngại đám cháy rừng gần đó.
Italia đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở nhiều địa phương. Một số thị trấn ở miền bắc Italia đã thực hiện cắt nước luân phiên. Riêng vùng Lombardy có thể phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi hạn hán kỷ lục đe dọa mùa thu hoạch.
Tại châu Á, ít nhất 25 người ở Bangladesh đã thiệt mạng do sét đánh trong mưa bão và sạt lở đất. Tại Ấn Độ, kể từ ngày 16/6, ít nhất 16 người ở bang Meghalaya thiệt mạng do mưa to gây ra các vụ sạt lở. Tình hình lũ lụt được dự báo diễn biến nghiêm trọng hơn trong 2 ngày tới ở Bangladesh và vùng thượng nguồn phía đông bắc Ấn Độ.
Theo Liên hợp quốc, hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi đã đẩy hơn một triệu người vào cảnh vô gia cư, do phải di chuyển để tìm kiếm lương thực và nước uống. Hơn 12 triệu người ở Ethiopia, Kenya và Somalia không được tiếp cận đầy đủ nước uống. Hơn 18,4 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.
Giới chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu khiến những sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Những gì được coi là bất thường giờ đang diễn ra thường xuyên hơn và sắp trở thành bình thường tại hầu hết các nước trên thế giới.
Ông Frederic Nathan - Cơ quan dự báo khí tượng Pháp - phân tích: "Khi chúng ta nhìn vào các sóng nhiệt, chúng ta có nhiều sóng sau thập niên 1980 hơn so với giai đoạn trước thập niên 1980. Những đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài trong suốt mùa hè. Vài thập kỷ trước thì nắng nóng xảy ra chủ yếu vào tháng 7 và tháng 8".
Hiện EU đang thảo luận về một gói biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có đề xuất cải tổ thị trường carbon nhằm giảm phát thải, cấm bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Các đề xuất này được đưa ra nhằm giảm 55% lượng khí thải nhà kính của EU vào năm 2030 so với các mức của năm 1990.
Nắng nóng, biến đối khí hậu cũng có khả năng làm tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Theo nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, khả năng nhiễm chéo có thể ngày càng gia tăng mạnh mẽ khi khí hậu trái đất nóng lên, có thể lây nhiễm hàng nghìn loại virus mới cho con người.
Vì sự nóng lên toàn cầu buộc các động vật phải di chuyển nơi sinh sống để tìm đồ ăn và nơi có điều kiện thời tiết lạnh hơn. Các tác giả nghiên cứu dự báo, sẽ có ít nhất 15.000 đợt lây truyền virus mới giữa các loài vào năm 2070 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C.
Chuyên gia trên cảnh báo, việc các nước thất bại trong mục tiêu kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ gây ra thảm họa tồi tệ hơn.
Thanh Tâm