Vì sao nhiều tác giả, trường học phản đối 'trend' chế ảnh anime bằng công nghệ AI?
Mạng xã hội những ngày này đang bị 'xâm chiếm' bởi các bức ảnh đời thật được 'hô biến' sang phong cách anime bằng công nghệ AI. Bên cạnh những người thích thú với công cụ này thì số đông tác giả, nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo lại lên tiếng không đồng tình.
Chỉ mất vài phút để “bắt trend”
Thời gian gần đây, những tấm ảnh từ đời thật được "hô biến" lung linh bằng ứng dụng Loopsie hệt như các thước phim trong phim hoạt hình Nhật Bản đã “gây bão” mạng xã hội. Chỉ với vài thao tác đơn giản, bạn đã có thể sở hữu bộ ảnh phong cách anime xịn xò và đăng lên trang cá nhân trong tích tắc. Tuy nhiên, "chiếc" trend này lại đang khiến nhiều nghệ sĩ nói riêng và cộng đồng người quan tâm tới nghệ thuật và sáng tạo nói chung lên tiếng phản đối.
Các công cụ AI hiện nay hoạt động dựa trên kết quả khai thác những tệp dữ liệu lớn bao gồm cả các sản phẩm sáng tạo từ nhiều tác giả mà không có sự cho phép của họ. Nhiều người cho rằng những ứng dụng như Loopsie đã vi phạm bản quyền khi “ăn cắp” dữ liệu về nét vẽ, phong cách nghệ thuật của các tác phẩm đa nền tảng của các họa sĩ khác nhau rồi dùng thuật toán để "chắp vá" thành sản phẩm theo yêu cầu của người dùng.
Đơn vị phát hành phải xin lỗi, gỡ ảnh vì đu "trend" biến hình anime
Mới đây, đơn vị phát hành sách truyện Việt Du Bút đã phải nhận nhiều phản ứng tiêu cực từ chính bạn đọc và họa sĩ hợp tác khi "đu trend". Cụ thể, Du Bút đã đăng ảnh "hô biến" sang phong cách anime bằng ứng dụng AI của một số họa sĩ hợp tác xuất bản với mình lên fanpage.
Nhiều netizen đã bình luận dưới bài viết của Du Bút để bày tỏ sự thất vọng khi một đơn vị xuất bản sách truyện lại "đu trend" cổ vũ ứng dụng được cho là "ăn cắp chất xám" của các nghệ sĩ. Netizen cho rằng trong khi trào lưu đổi sang ảnh anime này vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt là giữa những người sáng tạo thì Du Bút lại đi ngược quyền lợi của nghệ sĩ.
Sự việc càng gây xôn xao khi một số họa sĩ có mặt trong bộ ảnh lên tiếng khẳng định Du Bút chưa xin phép đã sử dụng ảnh của họ. Sau đó, Du Bút đã phải gỡ bài đăng gây tranh cãi này và đăng thư xin lỗi.
Fanpage của một số trường đại học cũng nhanh chóng tham gia "bắt trend" nhưng "người được khen, kẻ bị chê". Như bài viết trên fanpage Đại học Văn Lang đã thu về nhiều lượt "thả phẫn nộ". Cụ thể, fanpage đã đăng ảnh một số khu vực trong trường được chuyển sang dạng ảnh anime, nhưng được chỉ ra hình ảnh bị sai về màu sắc, bố cục, các tiểu tiết như bàn tay con người trong tranh bị biến dạng...
Các ý kiến không đồng tình với bài đăng cho rằng, mang danh là trường “mũi nhọn” trong đào tạo giảng dạy thiết kế cũng như năng khiếu nghệ thuật nhưng fanpage của trường Đại học Văn Lang lại “hoan hỉ” chạy theo một trào lưu nhạy cảm với giới sáng tạo và đăng các bức ảnh mắc nhiều lỗi.
Bên cạnh đó, cũng có các trường đại học lại "đốn tim" sinh viên khi flex những bài viết đi ngược trend ảnh được tạo ra bởi AI. Trong số đó có trường Đại học Hoa Sen với bộ ảnh vẽ tay các giảng viên trong trường rất độc đáo, cá tính, đậm chất riêng.
Đằng sau chiếc trend "hô biến" từ ảnh thật sang ảnh Anime là những tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ. Một bên cho rằng AI có mặt trong các lĩnh vực sáng tạo là chuyện sẽ xảy ra, một bên phản đối và e ngại rằng AI sẽ làm hỏng những sáng tạo thật sự. Bên cạnh đó, cũng có nhiều lo lắng rằng AI sẽ khiến vấn nạn "ăn cắp chất xám" trở nên khó kiểm soát khi công nghệ "xào nấu" lại từ những "nguyên liệu" nghệ thuật sẵn có.