Vì sao nhóm người Trung Quốc đặt được xưởng ma túy ở Kon Tum?
Xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đồng An Viên đã trở thành 'đại bản doanh' của nhóm tội phạm ma túy người Trung Quốc.
Nằm sâu trong con hẻm thuộc khu làng nghề mỹ nghệ của huyện Đắk Hà, huyện Đắk Hà (Kon Tum), xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Đồng An Viên đã trở thành “đại bản doanh” của nhóm tội phạm ma túy người Trung Quốc tự lúc nào.
Từ một hợp tác làm ăn
Cho đến hơn 1 tháng sau ngày nhóm người Trung Quốc trong kho xưởng của Công ty Đồng An Viên bị bắt giữ, nhiều người dân tại thị trấn Đắk Hà vẫn còn bất ngờ.
“
Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) thông tin, Bộ Công an đã bắt 7 đối tượng người Trung Quốc trong vụ án này. Quá trình phá án, cơ quan chức năng đã thu giữ hàng trăm lít dung dịch; khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị sản xuất trái phép tiền chất ma túy.
”
Chị Trần Thị Viên (SN 1979, vợ của Trần Ngọc An - chủ Công ty Đồng An Viên) cho đến nay vẫn chưa hết bàng hoàng về công xưởng ma túy dựng ngay trong chính cơ sở của mình. Chị Viên đã giải thích mình là người không liên quan đến vụ án, bản thân gia đình cũng là nạn nhân. “Nếu tôi liên quan thì đã bị bắt rồi”, chị Viên phân trần đồng thời cho biết nguyên do “công xưởng ma túy” đặt ở công ty của chị vốn xuất phát từ một lần bắt tay hợp tác với nhóm người Trung Quốc.
Chị Viên kể, trong một chuyến làm ăn ở Lào vào tháng 7 vừa qua, chị quen với một người Việt chuyên phiên dịch tiếng Trung Quốc cho các doanh nghiệp đang làm ăn tại đây. Người này đặt vấn đề giới thiệu công ty của chị với một nhóm người Trung Quốc để hợp tác, xuất khẩu gỗ. Ít lâu sau, mấy người Trung Quốc, Đài Loan được người phiên dịch dẫn đến tham quan nhà xưởng. Thấy họ có giấy tờ đảm bảo thủ tục, lại nói sẵn sàng chi tiền để kết nối làm ăn lâu dài nên chị đã đồng ý. Sau đó, nhóm người nước ngoài đã yêu cầu lắp đặt hệ thống che chắn, cải tạo công xưởng để biến công xưởng gỗ thành phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm để pha chế hóa chất dùng sấy, ép gỗ và sẽ trực tiếp làm việc tại xưởng.
Theo chị Viên, sau đó nhóm người Trung Quốc yêu cầu vợ chồng chị phải dùng tôn quây kín một phần xưởng (rộng khoảng 50m2) để họ đặt máy móc, lập phòng thí nghiệm. Dưới nền nhà, họ yêu cầu phải làm mương thoát xung quanh xưởng và hầm rút để hóa chất tẩy rửa xuống hầm rút mới đào. Toàn bộ chi phí (khoảng 200 triệu đồng) phía đối tác hứa sẽ thanh toán khi máy móc, phòng thí nghiệm lắp đặt xong.
“Khoảng giữa tháng 7, họ chở rất nhiều máy móc, thiết bị đến xưởng và lắp đặt. Tôi thấy họ chở rất nhiều hóa chất nên nghi ngờ nhưng họ đưa đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Họ cũng nói máy móc rất đắt tiền nên họ phải trực tiếp làm và vì thế chúng tôi không nghi ngờ gì. Ai ngờ, đúng 14 ngày sau khi họ lắp đặt máy móc thì công an đột nhập và nói nhóm này đã điều chế ma túy được 4-5 đêm”, chị Viên kể.
Chỉ đăng ký… tạm trú du lịch
Hoạt động của các đối tượng người Trung Quốc diễn ra trong thời gian dài, tuy vậy chính quyền địa phương không hề hay biết. Vụ việc chỉ phát lộ khi Bộ Công an tổ chức đánh án xuyên quốc gia.
Ông Phạm Văn Lập, Chánh văn phòng UBND huyện Đắk Hà cho hay, vụ án được Bộ Công an triệt phá khiến huyện hết sức bất ngờ. “Cho đến khi Bộ Công an triệt phá chúng tôi mới được biết đây là cơ sở núp bóng”, ông Lập nói.
UBND huyện Đắk Hà cũng cho biết, dự án phân bón hữu cơ vi sinh - NPK và gỗ ép “núp bóng” để sản xuất ma túy tại trụ sở Công ty Đồng An Viên cũng không đăng ký hoạt động tại Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện.
Còn ông A Kang, Giám đốc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Kon Tum cho biết, theo quy định người nước ngoài lao động tại địa phương thì phải đăng ký ở sở. Tuy nhiên, nhóm 7 lao động người Trung Quốc trong vụ án này không đăng ký mà là lao động chui.
Trong khi đó, nguồn tin của cơ quan xuất nhập cảnh của công an cho biết, nhóm 7 đối tượng trong vụ án sản xuất ma túy đã thông qua người Việt đến Công an Kon Tum đăng ký lưu trú dưới hình thức đi “du lịch”.