Vì sao NS Hồng Đăng không có trong danh sách truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh?
Nhiều người thắc mắc, nhạc sĩ Hồng Đăng đã qua đời ngày 21/2/2022 tại sao không có trong danh sách truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh?
Ngày 19/5, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (năm 2021).
128 tác giả, đồng tác giả được trao giải, trong đó 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đợt này.
Nhạc sĩ Hồng Đăng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này với cụm tác phẩm: Lênh đênh, Đêm hành hương về huyền thoại, Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ, Khao khát, Gửi một câu hát cho Tokyo.
Nhiều người thắc mắc, nhạc sĩ Hồng Đăng (Phan Hồng Đăng) đã qua đời ngày 21/2/2022 tại sao không ở trong danh sách truy tặng mà lại ở danh sách trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh?
Lý do nhạc sĩ Hồng Đăng có tên trong danh sách trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là bởi, việc xét tặng giải thưởng này bắt đầu từ năm 2021. Dù mọi thủ tục đã xong xuôi qua các hội đồng nhưng do thời gian trao giải kéo dài khiến nhạc sĩ không thể đợi đến ngày nhận giải. Bà Lê Anh Thúy - vợ nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ “tiếc vì giây phút nhận giải, ông không thể có mặt”.
Hôm nay, bà Lê Anh Thúy là người nhận giải thay chồng. Trước khi lên nhận giải, bà Thúy cùng một số bạn bè đã lên mộ nhạc sĩ Hồng Đăng, thắp hương, “thông báo” cho chồng niềm vui này.
Bà Anh Thúy chia sẻ: "Khi chồng tôi còn sống đã biết mình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Giải thưởng là một ghi nhận đóng góp của ông ấy đối với âm nhạc, với nghệ thuật".
Bà Thúy là người làm hồ sơ giúp chồng bởi nhạc sĩ rất ngại những việc này.
Chia sẻ về cụm tác phẩm của nhạc sĩ Hồng Đăng giành Giải thưởng Hồ Chí Minh, bà Anh Thúy cho biết thêm: "Đêm hành hương về huyền thoại viết cho Đất Tổ Hùng vương. Buổi tối chuyện một căn nhà nhỏ viết về một gia đình công nhân than ở Hạ Long, bài hát mà trẻ em hay người lớn hát đều được. Nó có cái duyên dáng, đằm thắm, tình cảm chân thành của một gia đình.
Khao khát là ca khúc về tình mẹ con rất hay nhưng đáng buồn là chưa có tiền để dàn dựng. Gửi một câu hát cho Tokyo là ca khúc về Nhật Bản. Còn Lênh đênh là bài về nghệ sĩ”.
Bà Thúy khẳng định, những ca khúc đã tới được với công chúng chưa phải là tất cả những bài hát hay của nhạc sĩ Hồng Đăng. Và những bài được cho là hay nhất chưa chắc là những bài hay nhất.
“Ông vẫn nói với tôi, cơ duyên để “đứa con tinh thần” đến với công chúng rất khó khăn. Ông thuần túy là người sáng tác, làm việc, không có điều kiện để dàn dựng, phổ biến, tập cho ca sĩ. Nên những đứa con của ông cứ lang thang lưu lạc, hầu như phải cả chục năm mới có chỗ đứng trong nền nghệ thuật.
Ông bảo, bản nhạc trên giấy mới chỉ là một nửa. Nó chỉ thực sự sống khi được dàn dựng, biểu diễn một cách chu đáo. Có bài rất hay nhưng có bài chết yểu ngay khi mới dàn dựng vì không ra được chất”, bà Anh Thúy chia sẻ.
Thanh Lam hát 'Hoa sữa' trong chương trình Chào 2015 của VTV
Giải thưởng Hồ Chí Minh
8 tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này gồm: Nguyễn Văn Ký (Văn Ký), Nguyễn Văn Chước (Bùi Trang Chước), Hoàng Châu Ký, Nguyễn Xuân Trình, Nguyễn Xuân Đức, Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm), Bùi Hiển, NSƯT Phan Thế Dõng (Trần Nhu, Nguyệt Hải).
8 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Phan Hồng Đăng (Hồng Đăng), Chu Chí Thành, Võ Nguyên Nhân (Võ An Khánh), NSND Đặng Hùng (Đặng Phải, Bồng Sơn), NSND Vũ Việt Cường, NSND Lê Văn Khình (Lê Khình); PGS.TS, NSND Ứng Duy Thịnh, PGS.TS, NSND Nguyễn Thị Hiển.