Vì sao nửa kia luôn thụ động
Thụ động trong tình yêu có thể là rào cản lớn giữa các cặp đôi, khi một người coi tình cảm của nửa kia là điều hiển nhiên và không quan tâm, nuôi dưỡng mối quan hệ đó.
Tình yêu luôn cần sự chủ động và vun đắp. Nhà tâm lý học Eric Fromm đã nói, nó giống một loại hình nghệ thuật đòi hỏi nỗ lực, kỷ luật và thời gian. Tuy nhiên, các mối quan hệ bị chi phối bởi sự thụ động của một đối tác ngày càng phổ biến.
Thay vì chăm sóc, quan tâm, nhiều người hầu như thờ ơ, không chú ý đến bạn đời của mình, gây tổn thương cho đối phương.
Chiều hướng này không liên quan đến việc có một thái độ điềm tĩnh, bình thản. Theo Exploring Your Mind, đây là những cá nhân thiếu chủ động và quen với việc ủy quyền. Họ có khuynh hướng phụ thuộc rõ ràng, để đối tác tự quyết định, hành động và giải quyết vấn đề.
Đáng ngạc nhiên là một số người rất quyết đoán và dứt khoát trong công việc hoặc các hoạt động xã hội, nhưng lại thực sự thụ động ở vấn đề tình cảm. Vậy, điều gì ẩn chứa đằng sau kiểu hành vi này?
Thành kiến và yếu tố cá nhân: Những yếu tố văn hóa, xã hội có thể ảnh hưởng đến cách mỗi người hành động và xây dựng các mối quan hệ. Chẳng hạn như phân biệt giới tính và vai trò truyền thống.
Có ý kiến cho rằng đàn ông phó mặc chuyện vun đắp tình cảm, trách nhiệm nuôi dạy con cái cho phụ nữ. Cũng có thể nói rằng phụ nữ dễ bị lệ thuộc về tình cảm hơn.
Tuy nhiên, những thực tế này đang thay đổi và có nhiều yếu tố phù hợp hơn có thể giải thích cho sự thụ động trong một mối quan hệ. Ví dụ, một số cá nhân không có sự nhạy bén trong các mối quan hệ tình cảm.
Điều này có thể do từ khi còn nhỏ, họ đã quen với việc người khác nuôi dưỡng nhu cầu và công nhận cảm xúc của họ. Kiểu người này hiểu tình yêu một cách phiến diện, có xu hướng chỉ nhận tình cảm của người khác mà không đầu tư ngược lại.
Sức nặng của sự bất an: Trong quá khứ, mỗi hành động, lời nói đều bị chỉ trích hay đánh giá. Dần dần cá nhân đó sẽ thu mình lại và cho rằng bản thân bị hạ thấp giá trị. Cuối cùng họ quyết định không hành động để tránh xung đột.
Do thiếu tin tưởng vào bản thân, những người thụ động buông bỏ và cho phép đối tác của mình chịu trách nhiệm chính trong mọi việc.
Thiếu hứng thú: Đây là tình huống mà cặp đôi chia tay vì một trong hai không còn sự hứng thú với nửa kia. Người đó có thể đã đến mức không quan tâm về điều gì nữa, im lặng và chọn cách rời đi.
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD): Một nghiên cứu do Đại học Ohio (Mỹ) thực hiện chứng minh những khó khăn đối với người mắc chứng bệnh này. Họ thường bị động trong các mối quan hệ tình cảm. Họ có thể thường xuyên quên nhiều thứ, không hoàn thành những gì đã bắt đầu và cảm thấy khó thể hiện cam kết với đối tác của mình.
Thiếu trí tuệ cảm xúc: Sau những bất đồng, xung đột với đối tác, một số người chọn cách ngừng tiếp tục mối quan hệ. Đây là biểu hiện của việc không có kỹ năng giao tiếp, hạn chế vốn từ để diễn tả cảm xúc bản thân và thiếu khả năng đối mặt với sự thất vọng.
Không ít người sống cạnh bạn đời thụ động đã biến điều này trở thành thói quen. Họ hiểu rõ rằng yêu một người thụ động về cảm xúc nghĩa là rất cô đơn. Đó là khi có một người bên cạnh nhưng dường như vắng mặt, không quan tâm, hỗ trợ, không cam kết, tương tác.
Là một cặp vợ chồng, nhưng hai người đều có vấn đề của riêng mình, có những vết thương tiềm ẩn cần chữa lành, cần được quan tâm. Nếu không giải quyết, mối quan hệ sẽ nhanh chóng lụi tàn.
Hãy thiết lập một cuộc đối thoại quyết đoán và chân thành để hiểu những gì đang xảy ra. Mỗi người cần phải hiểu điều gì đang thúc đẩy hành vi của nửa kia. Cuối cùng, cả hai có trách nhiệm phải thay đổi để cải thiện mối quan hệ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nua-kia-luon-thu-dong-post1433776.html