Vì sao ông Biden vẫn chưa thể đảo ngược chính sách chống Trung Quốc?
Baoquocte.vn. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với giới truyền thông trên cương vị mới, Đại diện Thương mại Mỹ Catherine Tai nhấn mạnh, Mỹ vẫn có ý định duy trì mức thuế quan mà cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, dù cộng đồng doanh nghiệp đang yêu cầu chính quyền Biden đảo ngược.
Sẽ không có sự "nới lỏng" từ chính quyền Biden
Trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump, Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 370 tỷ USD - tức là với gần như tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Động cơ thúc đẩy điều này là mục tiêu giảm mất cân bằng cán cân thương mại.
Thâm hụt thương mại của Mỹ so với Trung Quốc đã tăng 336 tỷ USD trong vòng 18 năm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ đang thua thiệt trong hợp tác thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác thương mại chính của Mỹ.
Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương ước tính khoảng 580 tỷ USD. Theo tính toán của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, hoạt động thương mại song phương đã đem lại hơn 900.000 việc làm cho người Mỹ tính đến năm 2015.
Biểu thuế không giúp giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại của Mỹ. Đó là sự thật. Trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump, thâm hụt thương mại so với Trung Quốc đã giảm từ 419 tỷ USD xuống 311 tỷ USD.
Nhưng đồng thời, Mỹ bắt đầu thay thế các sản phẩm của Trung Quốc bị áp thuế bằng hàng nhập khẩu từ các nước khác và kết quả là thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ trong cùng giai đoạn thậm chí còn tăng lên, từ 481 tỷ USD năm 2016 lên 679 tỷ USD vào năm 2020.
Trong khi đó, ông Donald Trump đã nhiều lần “khoe khoang” rằng Kho bạc Mỹ nhận được hàng tỷ USD từ thuế quan đánh vào sản phẩm của Trung Quốc. Trong tài khóa 2020, Hải quan Mỹ đã thu được 74,4 tỷ USD tiền thuế từ các nhà nhập khẩu, cao hơn gấp đôi số tiền thu được trước khi ông Trump nhậm chức. Tuy nhiên, số tiền này buộc phải trả cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Bà Catherine Tai lưu ý, không có gì ngạc nhiên khi doanh nghiệp yêu cầu hủy bỏ tất cả các loại thuế quan. Dù vậy, Đại diện Thương mại Mỹ đã chỉ ra rủi ro từ việc hiện thực hóa yêu cầu này. Thứ nhất, các tác nhân kinh tế chưa sẵn sàng cho những thay đổi chính sách mạnh mẽ như vậy và có thể xuất hiện mối đe dọa đối với ổn định tài chính. Ngoài ra, bà Tai cho biết thuế quan mang lại cho Mỹ thêm lợi thế trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Ông Jiang Yuechun, cộng tác viên Trung tâm Kinh tế Thế giới và Phát triển, Viện các vấn đề quốc tế, cho rằng chính quyền mới đang cố gắng duy trì tính liên tục, bất chấp những lời hùng biện trong chiến dịch tranh cử.
Ông nói: “Hiện quan hệ Mỹ-Trung phần lớn tiếp tục xu hướng đã được thiết lập dưới thời chính quyền Trump. Không có thay đổi nghiêm trọng. Chính sách của ông Biden là sự tiếp nối chính sách của ông Trump, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân quyền và hệ tư tưởng. Do đó, trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như kinh tế và thương mại, cũng không nên mong đợi bất kỳ sự ‘nới lỏng’ nào từ ông Biden. Lý do chính xuất phát từ điểm này”.
Trung Quốc vẫn đứng vững
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi khả về việc liệu thuế quan có thực sự có tác động đối với Trung Quốc và có phải là một cơ chế thực thi hiệu quả đến như vậy hay không.
Ví dụ, theo thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” giữa Mỹ và Trung Quốc cách đây 14 tháng, Trung Quốc đã cam kết tăng nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017 trong vòng 2 năm.
Thống kê thương mại cho thấy, hiện tại Trung Quốc mới chỉ thực hiện được hơn 30% nghĩa vụ này. Rõ ràng đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến thương mại. Trong bối cảnh khủng hoảng, hầu hết các quốc gia, kể cả Trung Quốc, đã đặt ra những ưu tiên mới là cần phải giải cứu, trước hết là nền kinh tế của chính họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng Trung Quốc, với tư cách nền kinh tế thứ hai trên thế giới, mặc dù có mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ, vẫn không phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của Washington.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ, nhưng nếu Mỹ tiếp tục chính sách áp đặt, ông Jiang Yuechun cho rằng Trung Quốc sẽ có thể tìm ra giải pháp thay thế họ. Chuyên gia này nói: “Quan hệ thương mại Trung-Mỹ rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy vậy, nếu Mỹ tiếp tục chính sách ép buộc mù quáng đối với Trung Quốc, chúng tôi sẽ không quá lo lắng. Trung Quốc đã đa dạng hóa đáng kể các mặt hàng xuất khẩu của mình, tiến hành kinh doanh không chỉ với Mỹ, mà còn với châu Âu, Nhật Bản và các nước khác".
Theo chuyên gia này, với tư cách là một cường quốc công nghiệp lớn, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn bộ nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc có thị trường tiêu thụ nội địa lớn nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang chuyển dịch cơ cấu xuất nhập khẩu, tối ưu hóa nền kinh tế trong nước. Trung Quốc giảm dần phụ thuộc vào xuất khẩu. Và nhu cầu trong nước ngày càng trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc
Mặt khác, có vẻ như Mỹ không còn quan tâm nhiều đến các vấn đề thương mại như ông Trump đã làm. Triển vọng phát triển thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trên thực tế rất mơ hồ sau các cuộc đàm phán ở Alaska, khi các bên đưa ra những tuyên bố khá cứng rắn.
Xét đến các tuyên bố mới nhất của Đại diện Thương mại Mỹ, có thể kết luận rằng cuộc chiến thương mại đang dần mang tính chất bình thường và chậm chạp, mỗi bên sẽ điều chỉnh theo tình trạng này.
Mỹ tăng cường "bắt tay" với đồng minh chính trị
Trong cuộc trò chuyện với Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaret Vestager, bà Catherine Tai đã nhấn mạnh sự quan tâm của Mỹ trong việc phát triển các mối quan hệ thương mại tích cực và hiệu quả hơn với Liên minh châu Âu (EU).
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đưa ra tuyên bố sau hội đàm, trong đó lưu ý rằng hai quan chức này đã đồng ý phối hợp trong các vấn đề ưu tiên như biến đổi khí hậu, kinh tế kỹ thuật số, cũng như tăng cường hợp tác giữa Mỹ và châu Âu để xây dựng mối quan hệ kinh tế với các nền kinh tế lớn phi thị trường như Trung Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn đang xem xét khả năng áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm của châu Âu trong trường hợp các nước EU không đồng ý với Washington về việc đánh thuế Google. Brussels đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các công ty kỹ thuật số và Internet của Mỹ hoạt động tại thị trường châu Âu phải nộp thuế tại các khu vực tài phán của châu Âu.
Trong khi đó Trung Quốc cũng đang cố gắng đa dạng hóa chính sách thương mại của mình và “không tự nhốt mình” với Mỹ.
Năm ngoái, các nước ASEAN lần đầu tiên chiếm vị trí dẫn đầu về thương mại với Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước châu Á.
Theo hướng châu Âu, Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận về hiệp định đầu tư nhưng vẫn chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Chính quyền Trung Quốc cũng tuyên bố rằng Bắc Kinh đang xem xét khả năng gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nếu tất cả các kế hoạch của Trung Quốc trở thành hiện thực, Bắc Kinh sẽ trở thành nhân tố chủ chốt trong hầu hết các sáng kiến thương mại thế giới, trong khi Mỹ sẽ ngày càng đóng vai trò ít quan trọng hơn đối với Trung Quốc và đối với thương mại thế giới nói chung.
(theo Sputnik)