Vì sao ông Đặng Ngọc Tùng vừa nghỉ, Đại học Tôn Đức Thắng liền bị đòi nộp 30%?
Khi ông Đặng Ngọc Tùng vừa nghỉ hưu, những cơ chế tự chủ ông đã tạo dựng để có Trường Đại học Tôn Đức Thắng như hôm nay lại bị thay đổi ngay lập tức.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng không hưởng ngân sách trong cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư nhưng đã có những bước phát triển ngoạn mục là nhờ cơ chế tự chủ đại học. Ngay từ khi thành lập, đặc biệt là kể từ khi được Chính phủ chuyển từ Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng không xin ngân sách Nhà nước và xin tiền Công đoàn, chỉ xin cơ chế tự chủ.
Thủ tướng nên ban hành một Nghị định cho riêng Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 của Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Qui chế tổ chức và hoạt động của Trường khi chuyển giao về Tổng liên đoàn, theo đó về mặt tài chính:
Trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước và từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của Trường. Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo qui định như một trường đại học ngoài công lập.
Trước sự phát triển vượt bậc của Trường khẳng định tính ưu việt và xu thế không thể đảo ngược của tự chủ đại học, năm 2014 Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm tự chủ đại học, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 158/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Vai trò của ông Đặng Ngọc Tùng với sự thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Ngày 30/12/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có Văn bản số 185/TB-TLĐ thông báo kết luận của của Thường trực Đoàn Chủ tịch tại buổi làm việc với Tập thể lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kết luận:
“1. Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn ghi nhận và biểu dương những nỗ lực cố gắng của Nhà trường trong thời gian qua, đồng thời khẳng định:
Sự phát triển và trưởng thành của Nhà trường ngày hôm nay, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ, giáo viên Nhà trường các thời kỳ, có sự đóng góp rất lớn của tổ chức Công đoàn đặc biệt là vai trò của LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh và cá nhân đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…”
Kết luận này rất chính xác. Những người có thông tin về Trường Đại học Tôn Đức Thắng đều có thể xác nhận điều này. Cá nhân ông Đặng Ngọc Tùng có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng; và đã được người kế nhiệm, ông Bùi Văn Cường khẳng định.
Vậy vai trò của ông Đặng Ngọc Tùng là gì, nếu không phải dành cho Trường cơ chế tự chủ về nhân sự, tài chính, chuyên môn theo chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005, của Phó Thủ tướng Chính phủ trong Văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 và đặc biệt là Quyết định 158/QĐ-TTg ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ?
Ông Đặng Ngọc Tùng không mang tiền cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng xây trường, trả lương giảng viên, viên chức. Ông không chỉ đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng "phải tuân theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam".
Ông chỉ tạo sự đồng thuận trong Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn để ủy quyền cho Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng trực tiếp làm “cơ quan chủ quản của Trường”. Nhờ thế mà vào thời kỳ ông, Hội đồng trường của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một hội đồng thực quyền và hoạt động rất hiệu quả; và Nhà trường không có chủ quản nào khác ngoài hội đồng trường.
Điều này thể hiện rõ trong Điều 2, Mục 3 của Quy chế tổ chức và hoạt động Hội đồng trường Trường Đại học Tôn Đức Thắng ban hành kèm theo Quyết định số 816/QĐ-TLĐ ngày 15/6/2015 do Chủ tịch Tổng liên đoàn, ông Đặng Ngọc Tùng ký: “Hội đồng trường thực hiện việc quản lý Trường với tư cách là cơ quan chủ quản của Trường theo sự ủy quyền của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Ai nhân danh Tổng liên đoàn đòi Trường Đại học Tôn Đức Thắng nộp 30% chênh lệch?
Đây là một ví dụ thực tiễn điển hình cho tầm nhìn sáng suốt của Trung ương trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng,
hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học ; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường."
Phải chăng nhờ vào đó mà Trường thực sự tự chủ; để rồi kết hợp với lãnh đạo Trường bản lĩnh, tài giỏi và sự nỗ lực bền bỉ của cả tập thể, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có những phát triển vượt bậc so với các đại học khác; khi không nhận ngân sách chi thường xuyên lẫn chi đầu tư?
Vậy tại sao khi ông Đặng Ngọc Tùng vừa nghỉ hưu, những cơ chế tự chủ ông đã tạo dựng để có Trường Đại học Tôn Đức Thắng như hôm nay lại bị thay đổi ngay lập tức? Vì sao ông Đặng Ngọc Tùng vừa nghỉ hưu, liền có chuyện ép Trường trích nộp tối đa 30% chênh lệch thu chi sau thuế?.
Ngày 24/10/2016 Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Bùi Văn Cường ký Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ ban hành quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp của công đoàn mà không có nội dung nào loại trừ Trường Đại học Tôn Đức Thắng khỏi đối tượng chấp hành Khoản 1 về nộp nghĩa vụ lên Chủ sở hữu, đại diện Chủ sở hữu, Điều 15 của Quy định này.
Phải chăng quy định không rõ ràng như vậy mới là nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm giữa Tổng liên đoàn và Trường tháng 5, tháng 6 năm qua?
Mâu thuẫn trong áp dụng, giải thích quy định để đòi Trường trích nộp tối đa 30%
Thứ nhất, nếu áp dụng quy định số 1684/QĐ-TLĐ ngày 7/11/2006 (qui định cũ) của Tổng Liên đoàn để đòi Trường trích nộp “nghĩa vụ” về Tổng liên đoàn, thì vì sao lại đợi đến khi ông Đặng Ngọc Tùng nghỉ hưu (tức chỉ yêu cầu Trường trích nộp nghĩa vụ từ 2015, 2016 trở về sau) mà không áp dụng quy định để yêu cầu trích nộp từ 2015 trở về trước (giai đoạn 2009-2014 là giai đoạn Trường đã được chuyển về thuộc Tổng Liên đoàn)?
Có thể thấy rõ điều này trong Văn bản số 1933/TLĐ ngày 29/11/2017 của Tổng Liên đoàn do Trưởng ban Tài chính Phan Văn Anh thừa lệnh Đoàn chủ tịch ký, đóng dấu, gửi Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Thứ hai, Văn bản số 1933/TLĐ tạm dừng yêu cầu Trường thực hiện "nghĩa vụ" với Tổng Liên đoàn năm 2015 và 2016, và "sẽ xin ý kiến Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn" về việc này do “xét Nghị quyết 77/NQ-CP và văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 cho phép Trường ĐH Tôn Đức Thắng hưởng quy chế đặc thù”;
(Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; không điều chuyển khỏi Trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của Trường).
Tuy nhiên, năm 2017, Văn bản số 1933/TLĐ vẫn tiếp tục đòi "truy thu nghĩa vụ" đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng căn cứ theo thời điểm hiệu lực qui định mới ban hành theo Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ ngày 24/10/2016 của Tổng Liên đoàn.
Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ này là quyết định thay thế cho Quyết định 1684/QĐ-TLĐ ngày 7/11/2006.
Trong cùng Văn bản số 1933/TLĐ do ông Phan Văn Anh ký, khi áp dụng Quyết định 1684/QĐ-TLĐ thì “xét Nghị quyết 77/NQ-CP và văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 cho phép Trường ĐH Tôn Đức Thắng hưởng quy chế đặc thù”;
Nhưng khi Quyết định mới, số 1712/QĐ-TLĐ bắt đầu có hiệu lực thi hành, thì ông Phan Văn Anh lại lờ đi “Nghị quyết 77/NQ-CP và văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 cho phép Trường Đại học Tôn Đức Thắng hưởng quy chế đặc thù”.
Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Phải chăng ông Phan Văn Anh cho rằng Quyết định 1712 của Tổng Liên đoàn vừa ban hành có thẩm quyền phủ định hiệu lực của Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản 3995/VPCP-KGVX đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng?
Ngay trong một văn bản đã có sự tiền hậu bất nhất, giải thích và áp dụng tùy tiện các quy định để yêu cầu Trường Đại học Tôn Đức Thắng trích nộp tối đa 30% chênh lệch thu chi sau thuế.
Phát biểu với công luận, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Phan Văn Anh vẫn viện dẫn Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ; về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015-2017; để khẳng định: “Không có việc buộc Đại học Tôn Đức Thắng phải trích nộp chênh lệch thu chi”.
Nhưng Văn bản số 1933/TLĐ do chính ông Phan Văn Anh ký, lại không nhắc gì đến Quyết định số 158/QĐ-TTg khi giải thích đối tượng áp dụng Khoản 1, Điều 15, Quy định ban hành theo Quyết định số 1712/QĐ-TLĐ; để yêu cầu Trường phải trích nộp từ 2017. Như vậy, ông Phan Văn Anh đã phủ định 2 văn bản mình ký trước đó, Văn bản số 1933/TLĐ và 837/TLĐ?.
Nêu những vấn đề này ra đây để thấy, việc đòi Trường Đại học Tôn Đức Thắng phải trích nộp tối đa 30% chênh lệch thu chi sau thuế về Tổng liên đoàn là có thật; và bất chấp các quy định pháp lý đang còn hiệu lực cũng như chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, vấn đề là đây có phải chủ trương của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn?, hay chỉ là ý chí của một số cá nhân nào đó đang nhân danh Tổng Liên đoàn?. Việc này cần có câu trả lời thỏa đáng từ chính người trong cuộc.