Vì sao ông Đinh Ngọc Hệ từng chối bỏ sở hữu công ty ngàn tỷ?
Hôm nay (19/12), phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xử vụ sai phạm liên quan Dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương, Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục cho bị cáo và luật sư của bị cáo tự bào chữa và tranh tụng với công tố.
Bị VKS đề nghị bồi thường 725 tỷ cho Bộ GTVT và 3 tỷ đồng cho Công ty Licogi 13, cùng mức án tù chung thân chung cho 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, ông Đinh Ngọc Hệ đã yêu cầu 6 luật sư bào chữa cho ông.
Theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Cty luật Viên An) trong việc đấu thầu quyền thu phí, quá trình điều tra cũng như truy tố và thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy ông Hệ chiếm đoạt 725 tỷ đồng gây thiệt hại cho Nhà nước, nhưng không xác định rõ tài sản nhà nước ở đây được xác lập quyền sở hữu từ khi nào? Nhà nước có giao Bộ GTVT quản lý sử dụng hay không?
Luật sư Huyền Trang cho biết khi vụ án được đưa ra xét xử, ông thấy bất ngờ khi HĐXX xác định và triệu tập Bộ GTVT tham gia tố tụng với tư cách bị hại.
Theo vị luật sư thì công tố có mâu thuẫn nghiêm trọng trong việc xác định các hành vi vi phạm pháp luật về việc đánh giá chứng cứ buộc tội và vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nội dung. 725 tỷ đồng ngoài sổ sách này không phải là hậu quả của việc bán quyền thu phí, bởi Bộ Tài chính đã giám định, 725 tỷ đồng chỉ là doanh thu, nhưng Cty Yên Khánh đã có hành vi can thiệp phần mềm để giảm doanh thu, hành vi này điều chỉnh về thuế chứ không phải là khách thể của hành vi gian dối là dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo.
Đối với tội “Lợi dụng chức vụ...” , luật sư cho rằng, VKS căn cứ vào Quyết định số 342A/QĐ-LICOGI13-HĐQT ngày 06/5/2013 của Cty Licogi 13 để xác định giá trị căn biệt thự BT01 tại thời điểm vợ chồng ông Hệ mua phải có giá trên 18 tỷ đồng nhưng chỉ mua với giá 15 tỷ đồng, để quy buộc Hệ lợi dụng ảnh hưởng trục lợi là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hình sự về xác định thiệt hại trong vụ án hình sự. Đến nay, vẫn chưa xác định nguyên nhân sự chênh lệch giữa giá mua và giá thị trường... Luật sư của ông Hệ đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Khi được tự bào chữa, ông Hệ thống nhất các nội dung mà luật sư của ông vừa trình bày và bất ngờ khai nhận; xin lỗi các cơ quan pháp luật, người thân và thuộc cấp.
Ông Hệ xin lỗi vì thời gian qua đã nói dối khi từ bỏ quyền sở hữu là chủ Cty Yên Khánh. “Nay tôi xin khai và nhận lại tôi là chủ, là người bỏ vốn toàn bộ ra tại Cty Yên Khánh” – Ông Hệ nói.
Lý giải về chuyện vì sao từ bỏ, nay lấy lại quyền chủ Cty, ông Hệ biện hộ rằng, lúc ông đang bị xử lý 1 vụ án (trước và không phải vụ án này), ông Hệ nhận thấy sẽ bất tiện khi xử lý công việc, cũng như làm với cơ quan điều tra, ông đã khai Cty Yên Khánh không phải của ông, một phần tài sản ông cũng khai của cháu gái ông.
“Tôi xin lỗi, tất cả là của tôi, mọi người chỉ làm công ăn lương” – Ông Hệ ‘hối cãi’.
Đáng chú ý là ông Hệ bất ngờ nói: “Giá mua quyền thu phí chứng 1,5 ngàn tỷ đồng mà tôi mua trên 2 ngàn tỷ đồng, không ông Thăng (Đinh La Thăng, Bộ trưởng GTVT – Pv) nào hết, tôi coi VTV1 biết có bán thì tôi mua...”.
Lời khai này của ông Hệ khá khớp với ông Đinh La Thăng, trong ngày xét xử vừa qua, ông Thăng liên tục nói toàn bộ bị cáo điều khai không ai chịu sự tác động nào của Bộ trưởng Thăng, cũng như trong vụ án này, ông Thăng chỉ ký 3 văn bản đúng nhưng bị kết tội...