Vì sao ông Donald Trump quyết mua Greenland?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump liên tục ngỏ ý muốn mua Greenland - một hòn đảo có vị trí địa chiến lược và giàu tài nguyên khoáng sản.
Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố muốn biến Greenland thành một phần của Mỹ, thậm chí không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để giành được hòn đảo giàu khoáng sản và có tầm quan trọng chiến lược này.
“Greenland là một nơi tuyệt vời. Người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu hòn đảo trở thành một phần của chúng ta” - Reuters dẫn lời ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social hôm 6-1.
Ông Trump lần đầu bày tỏ mong muốn mua hòn đảo 57.000 dân này từ Đan Mạch vào năm 2019 nhưng bị từ chối.
Tại sao ông Trump muốn Mỹ có Greenland?
Greenland - một phần NATO thông qua tư cách thành viên của Đan Mạch - có ý nghĩa chiến lược với quân đội Mỹ và hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo của nước này nhờ tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu tới Bắc Mỹ cần thông qua hòn đảo này.
Ngoài ra, quân đội Mỹ duy trì hiện diện thường trực tại căn cứ không quân Pituffik ở phía Tây Bắc Greenland. Mỹ cũng quan tâm tới việc mở rộng sự hiện diện quân sự, bao gồm đặt radar tại đây để giám sát vùng biển giữa Greenland, Iceland và Anh, nơi là cửa ngõ cho các tàu hải quân và tàu ngầm hạt nhân của Nga.
Theo ông Ulrik Pram Gad - chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, về mặt địa lý, Greenland là một phần của lục địa Bắc Mỹ. Do đó, Mỹ cần ngăn chặn mọi cường quốc thiết lập chỗ đứng trên hòn đảo này.
Thủ phủ Nuuk thậm chí còn gần New York hơn cả với thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Nơi đây tự hào về khoáng sản phong phú, cùng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Một cuộc khảo sát năm 2023 cho thấy Ủy ban châu Âu coi 25/34 loại khoáng sản được tìm thấy ở Greenland là "nguyên liệu thô quan trọng". Trong số này gồm một lượng lớn vật liệu dùng trong pin, như than chì và lithium, cũng như đất hiếm dùng trong xe điện và tua bin gió.
Greenland cấm khai thác dầu và khí đốt tự nhiên vì lý do môi trường. Sự phát triển của ngành khai khoáng vấp phải sự phản đối của người dân cùng thủ tục hành chính rườm rà. Do đó, nền kinh tế của Greenland phụ thuộc vào đánh bắt cá, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu. Trợ cấp hàng năm từ Đan Mạch - khoảng 1 tỉ USD - chiếm hơn một nửa ngân sách công.
Greenland thuộc về quốc gia nào?
Greenland là một phần của Đan Mạch trong hơn 600 năm nhưng hiện tự kiểm soát hầu hết vấn đề nội bộ và là lãnh thổ tự trị. Nếu tình trạng pháp lý của hòn đảo thay đổi, Đan Mạch cần sửa đổi hiến pháp.
Năm 2009, hòn đảo được trao quyền tự chủ rộng rãi, bao gồm quyền tuyên bố độc lập khỏi Đan Mạch thông qua trưng cầu dân ý.
Lãnh đạo Greenland Mute Egede - người đẩy mạnh nỗ lực giành độc lập - nhiều lần tuyên bố hòn đảo không phải để bán và người dân cần tự quyết định vận mệnh. Ông Egede đã hội đàm tại Copenhagen vào hôm 8-1 với Vua Frederik, có khả năng chủ yếu xoay quanh những phát biểu mới nhất của tổng thống đắc cử Mỹ.
Năm 2019, cả Greenland và Đan Mạch đều từ chối lời đề nghị mua hòn đảo của ông Trump.
Khi Greenland vẫn còn là thuộc địa, Mỹ dưới thời Tổng thống Harry Truman tìm cách mua hòn đảo như một tài sản chiến lược trong Chiến tranh Lạnh với giá 100 triệu USD nhưng Copenhagen không chấp nhận.
Hôm 7-1, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhấn mạnh: "Chúng tôi cần hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ. Mặt khác, tôi muốn khuyến khích mọi người tôn trọng, người Greenland là một dân tộc, chỉ có Greenland mới quyết định và định hình tương lai của Greenland".
Nếu Greenland độc lập thì sao?
Nếu Greenland độc lập, họ có thể chọn liên kết với Mỹ. Mặc dù phần lớn người dân muốn độc lập, có ý kiến trái chiều về thời điểm cũng như tác động tới cuộc sống hiện tại.
Họ cho rằng độc lập hoàn toàn là không khả thi vì hòn đảo phụ thuộc kinh tế vào Đan Mạch, một phần của Liên minh châu Âu thịnh vượng. Ông Pram Gad cho rằng Greenland khó tách khỏi Đan Mạch nếu không đảm bảo phúc lợi cho người dân.
Các chính trị gia Greenland từ năm 2019 nhiều lần tuyên bố họ quan tâm đến việc tăng cường hợp tác và thương mại với Mỹ. Một phương án được suy xét là hình thành một hiệp ước “liên kết tự do” với Mỹ, tương tự tình trạng của các quốc đảo Thái Bình Dương là Quần đảo Marshall, Micronesia và Palau.
Tuy nhiên, Aaja Chemnitz - một thành viên Quốc hội Đan Mạch người Greenland - cho rằng nên bác bỏ thẳng thừng ý tưởng để Washington tiếp quản hòn đảo. “Chúng tôi không muốn trở thành quân cờ trong giấc mộng mở rộng đế chế của ông Trump” - bà nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vi-sao-ong-donald-trump-quyet-mua-greenland-196250108221448925.htm