Vì sao ông Franklin D. Roosevelt tại vị 4 nhiệm kỳ Tổng thống?
Trước khi có Tu chính án Hiến pháp Hoa Kỳ thứ 22, các tổng thống Mỹ có thể tại nhiệm hơn 2 nhiệm kỳ. Thế nhưng, chỉ có Franklin D. Roosevelt có thể chiến thắng hơn 2 cuộc bầu cử liên tiếp.
Phá vỡ tiền lệ
George Washington, nhà lập quốc đồng thời là Tổng thống đầu tiên của Mỹ từ năm 1789 đến 1797, đã tạo lập một truyền thống thiêng liêng của nước Mỹ, theo đó một tổng thống Mỹ nên từ bỏ quyền lực của mình sau 8 năm tại nhiệm.
Ngày 5-11-1940, Franklin D. Roosevelt đã phá vỡ tiền lệ lâu nay, một tiền lệ có từ thời George Washington - khi ông trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ được bầu giữ chức vụ này nhiệm kỳ thứ 3. Roosevelt cũng rất hào hứng thêm một nhiệm kỳ nữa và ông đã chiến thắng nhiệm kỳ thứ 4, làm ông chủ Nhà Trắng một lần nữa vào ngày 20-1-1945.
Roosevelt đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên và cũng là cuối cùng giành chiến thắng hơn 2 cuộc bầu cử tổng thống và nhiệm kỳ thứ 4 "độc nhất vô nhị" là một phần trong chuỗi chiến thắng đó. Cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ thứ 3 của ông diễn ra khi Mỹ vẫn đang trải qua thời kỳ Đại suy thoái và Chiến tranh Thế giới thứ II mới chỉ vừa bắt đầu.
Mặc dù nhiều tổng thống khác trước đó đã tìm cách giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ 3 song sự bất ổn của thời cuộc lại "mở đường" để Roosevelt chứng minh trước cử tri rằng ông sẽ đem lại sự ổn định cho đất nước.
Barbara Perry, Giáo sư đồng thời là Giám đốc Trung tâm Miller nghiên cứu về các vấn đề liên quan tổng thống thuộc Đại học Virginia, giải thích: "Bạn gặp phải những vấn đề kinh tế trong nước và bạn có chính sách đối ngoại trong thời kỳ bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ 2 vào năm 1939. Sau đó, bạn có khả năng giải quyết vấn đề về mặt chính trị. Vì vậy, ông ấy đã thắng cử trong cuộc bầu cử năm 1936 với hơn 2/3 số phiếu phổ thông".
Cuối cùng các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phản đối, cho rằng việc giới hạn nhiệm kỳ là cần thiết để kiểm soát việc lạm dụng quyền lực. 2 năm sau khi Roosevelt qua đời, Quốc hội Mỹ đã thông qua tu chính án Hiến pháp lần thứ 22, giới hạn nhiệm kỳ tổng thống Mỹ xuống 2 nhiệm kỳ. Sau đó, tu chính án này được thông qua vào năm 1951.
Tuy nhiên, vào thời điểm Roosevelt tranh cử nhiệm kỳ thứ 3, Giáo sư Perry tiếp tục nói rằng không có gì ngoài tiền lệ cản đường ông. Tuy nhiên, chính tiền lệ, nhất là khi nó liên quan đến nhiệm kỳ tổng thống, có thể là công cụ khá mạnh mẽ".
Các tổng thống Mỹ phá tiền lệ bất thành
Phần lớn các tổng thống Mỹ chỉ giữ 1 nhiệm kỳ, trong đó, một số tổng thống bị cử tri "quay lưng" và số khác thì tự rút lui. Một số tổng thống Mỹ khác dù cố gắng song đều thất bại trong cuộc đua đến với nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.
Theo Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, phần lớn những nhà kiến tạo Hiến pháp Mỹ đã phản đối việc giới hạn nhiệm kỳ và mặc dù các tu chính án đều tìm cách thực thi các giới hạn nhiệm kỳ vốn đã được đề xuất khoảng 200 lần từ năm 1796 đến 1940 mà không được thông qua, nhưng hầu hết các tổng thống hai nhiệm kỳ đều tuân theo tiền lệ của Washington trong việc không tìm cách tái tranh cử lần thứ 3.
Mặc dù vậy, một số tổng thống đã thử phá tiền lệ. Tổng thống đời thứ 18 của Mỹ, Ulysses S. Grant, đã thua cuộc trong chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 1880 khi James Garfield giành được đề cử ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa.
Theodore Roosevelt thất bại trong nỗ lực tranh cử lần thứ 3 không liên tiếp của mình vào năm 1912 trước đối thủ là William Howard Taft (Taft trước đó đã hoàn thành nốt phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống của William McKinley và sau đó được tái đắc cử).
Harry Truman, người kế nhiệm Franklin D. Roosevelt sau khi ông qua đời, đã trở thành tổng thống trước khi tu chính án thứ 22 được thông qua và theo đó được miễn trừ khỏi luật mới này. Truman đã vận động chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 3 vào năm 1952, song phải rút lui sau khi thua trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở bang New Hampshire.
Cuộc Đại suy thoái
Lần đầu tiên đắc cử trở thành Tổng thống Mỹ thứ 32 vào năm 1932, Franklin D. Roosevelt lúc đó đang trên cương vị thống đốc bang New York nhiệm kỳ thứ 2. Thời điểm Roosevelt nhậm chức vào ngày 4-3-1933 là lúc cuộc Đại suy thoái lên tới mức tột đỉnh.
Trong bối cảnh đất nước "sa lầy" vào sâu trong cuộc Đại suy thoái, Roosevelt nhanh chóng khôi phục niềm tin của người dân thông qua các bài diễn văn qua đài phát thanh, được biết đến là "các buổi nói chuyện qua lò sưởi".
Trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị tổng thống, Roosevelt bắt đầu triển khai các chính sách mới như "ngân hàng nghỉ làm việc" để thanh kiểm tra từng ngân hàng và chỉ cho phép mở cửa trở lại khi đạt đủ yêu cầu cũng như cho đến khi Quốc hội thông qua dự luật cải cách liên quan lĩnh vực tài chính.
Roosevelt cũng triển Các chương trình Thỏa thuận mới vì người dân Mỹ như cam kết trong chiến dịch tranh cử và các chương trình cải cách sau này đã xác định lại vai trò của chính phủ liên bang trong đời sống người dân.
Ngoài ra, ông cũng thúc đẩy các chương trình tạo công ăn việc làm và giảm nhẹ thiệt hại kinh tế cho người dân. Đến năm 1935, nền kinh tế Mỹ khi đó đã có những dấu hiệu hồi phục.
Âm hưởng của những thành công trong nhiệm kỳ 1 đã góp phần đem lại chiến thắng cho ông khi tái tranh cử nhiệm kỳ 2 vào năm 1936. Roosevelt đã đánh bại đối thủ đảng Cộng hòa, Thống đốc Alf Landon thuộc bang Kansas và đã giành chiến thắng ngoạn mục.
Roosevelt và Thế chiến II
Đầu năm 1937, Roosevelt đã cảnh báo người dân Mỹ về những mối nguy hiểm do những chế độ theo đường lối cứng rắn ở Đức, Italy và Nhật Bản gây ra, song ông không khuyến nghị Mỹ nên từ bỏ chính sách biệt lập của mình.
Tuy nhiên, sau khi Thế chiến II nổ ra vào tháng 9-1939, Roosevelt đã triệu tập một phiên họp quốc hội đặc biệt để sửa đổi những đạo luật trung lập hiện hành của đất nước nhằm cho phép Anh và Pháp mua vũ khí của Mỹ. Đức đóng chiếm Pháp vào cuối tháng 6-1940 và Roosevelt đã thuyết phục quốc hội cung cấp thêm hỗ trợ cho Anh vốn lúc đó phải một mình chiến đấu với Đức Quốc xã.
Mặc dù truyền thống đối với các tổng thống Mỹ khi đó là chỉ nắm giữ 2 nhiệm kỳ kể từ thời George Washington, song Roosevelt đã quyết định tái tranh cử lần thứ 3 vào năm 1940.
Chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 của ông Roosevelt diễn ra khi Mỹ chưa tham gia Thế chiến II và tổng thống vẫn duy trì chính sách đối ngoại biệt lập. Theo giải thích của Giáo sư Perry, Roosevelt đã nỗ lực lãnh đạo và dẫn dắt người dân theo đường hướng hỗ trợ để Anh có đủ tiền trả nợ cho những thứ như chương trình Lend-Lease.
Cụm từ "Lend-Lease" ở đây mang nghĩa là cho vay không lấy lãi và việc trả nợ sẽ bắt đầu 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Ban đầu, chương trình Lend-Lease được dùng để trợ giúp quân Anh chống lại Đức bằng cách cho tổng thống quyền "bán, chuyển giao, trao đổi, cho thuê mượn, hoặc định đoạt" bất kỳ nguồn lực quân sự nào mà Tổng thống cho rằng ít cần thiết nhất đối với quốc phòng Mỹ.
Lý do đằng sau đó là "Nếu láng giềng của một quốc gia bảo vệ thành công đất nước của mình, thì an ninh của quốc gia đó cũng được nâng cao".
"Điều đó đã rõ ràng gặm nhấm tâm trí Roosevelt và ông ấy không nghĩ rằng Mỹ có thể 'thay ngựa giữa dòng' khi cuộc chiến này đang hướng tới điều mà Roosevelt biết rằng sẽ rốt cục là sự can dự chính thức và toàn diện của Mỹ ở cả chiến trường châu Âu và Thái Bình Dương", Giáo sư Perry nói.
Trong cuộc tái tranh cử tổng thống lần thứ 3, chiến thắng của Roosevelt đối với nhà kinh doanh thuộc đảng Cộng hòa Wendell Willkie không mấy ấn tượng như các lần trước song ông vẫn giành được đa số phiếu và phiếu cử tri đoàn là 449/82.
Sau khi quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản xấu đi, ngày 7-12-1941, Không lực Hải quân Nhật Bản đã thực hiện đòn tấn công bất ngờ vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng thuộc tiểu bang Hawaii. Cuộc tấn công không một lời tuyên chiến này đã khiến Tổng thống Roosevelt thay đổi quan điểm từ chủ nghĩa biệt sang ủng hộ Mỹ tham chiến.
Ông đã kêu gọi quốc hội tuyên chiến với Nhật Bản. Ba ngày sau đó, 11-12-1941, Mỹ cũng tuyên chiến với Đức Quốc xã và Italy, trong khi hai nước thuộc phe Trục này tuyên chiến với Mỹ với cớ là Washington đã phá vỡ tính trung lập.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Tổng thống Roosevelt đã dẫn dắt Mỹ đi từ chủ nghĩa biệt lập đến cùng phe Đồng Minh giành chiến thắng phát xít Đức và các đồng minh của Đức trong Thế chiến II. Ông cũng đồng thời đặt nền móng thiết lập một tổ chức hòa bình mà sau này trở thành Liên Hợp Quốc.
Giới hạn nhiệm kỳ tổng thống
Dĩ nhiên, không phải ai cũng đứng về phía Tổng thống Roosevelt. Trung tâm Hiến pháp Quốc gia ghi nhận rằng quyết định tranh cử nhiệm kỳ 3 của ông đã khiến các lực lượng ủng hộ và cố vấn thuộc đảng Dân chủ rời bỏ chiến dịch tranh cử của ông.
Một số người còn đeo những huy hiệu chính trị in dòng chữ "FDR Out at Third" (Tạm dịch là "FDR hết thời nhiệm kỳ 3", FDR là chữ cái đầu tên đầy đủ của Franklin Delano Roosevelt).
Giáo sư Perry ghi nhận rằng mặc dù có uy tín, song 1/3 người Mỹ, đặc biệt là dân kinh doanh và những người giàu có vẫn không bỏ phiếu ủng hộ Roosevelt. Giáo sư Perry kể lại: "Đặc biệt, có những người từ chối nhắc đến cái tên Roosevelt và chỉ gọi ông là 'Người đàn ông đó'.
Tuy nhiên, ông ấy nắm rõ số phiếu phổ thông và số phiếu cử tri đoàn đều nghiêng về phía ông. Ông ấy muốn giúp nước Mỹ vượt qua hai thảm họa to lớn nhất của thế kỷ 20 và ông ấy đã thành công".
Giới hạn được thiết lập để tránh quyền lực chuyên chế
Năm 1944, theo Trung tâm Hiến pháp Quốc gia, tranh luận về giới hạn nhiệm kỳ lại một lần nữa trở thành đề tài trọng tâm. Đảng Cộng hòa đi đầu trong phong trào kêu gọi giới hạn nhiệm kỳ tổng thống mặc dù nhiều nghị sĩ Dân chủ đồng tình với tiền lệ 2 nhiệm kỳ mà Washington đặt ra nhằm tránh xảy ra tình trạng quyền lực chuyên chế. Trong một bài phát biểu vào năm 1944, Thomas Dewey, đối thủ thuộc phe Cộng hòa của Roosevelt khẳng định: "4 nhiệm kỳ hay 16 năm cầm quyền là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với nền tự do vốn từng được đề ra của chúng ta".
Roosevelt đã giành thắng lợi nhiệm kỳ thứ 4 khi ông đánh bại đối thủ Dewey nói trên với số phiếu phổ thông chiếm 54%, đưa số phiếu của cử tri đoàn chiếm tỷ lệ áp đảo là 432 /99.
Ông mất ngày 12-4-1945, tức 11 tuần sau khi lên nắm quyền tổng thống nhiệm kỳ thứ 4. Hai năm sau đó, lời kêu gọi thay đổi quy định trong Hiến pháp Mỹ về nhiệm kỳ tổng thống đã được thực hiện với đa số 2/3 nghị sĩ quốc hội ủng hộ Tu chính án 22. Văn kiện này có đoạn viết: "Không ai được bầu làm Tổng thống quá hai lần và nếu một người nắm quyền Tổng thống hoặc quyền Tổng thống hơn 2 năm của một nhiệm kỳ mà một người khác được bầu làm Tổng thống thì người đó chỉ có thể được bầu làm tổng thống một lần".
Tóm lại, ông Roosevelt đã vượt qua những thách thức về mặt chính trị và đời sống cá nhân để nổi lên thành một trong những vị tổng thống có tầm ảnh hưởng và đáng kính nhất của nước Mỹ. Năm 1921, ở tuổi 39, ông mắc bệnh bại liệt và phải dùng nạng đi lại, rồi cuối cùng phải ngồi trên xe đẩy. Thời điểm ông được bầu làm tổng thống lần đầu tiên vào năm 1932 rồi nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 1945.
Qua đời khi vẫn đang tại nhiệm kỳ thứ 4, Roosevelt đã điều hành đất nước vượt qua hai cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ: Cuộc Đại suy thoái trong những năm 1930 và Thế chiến thứ II. Roosevelt đã thi hành luật pháp nghiêm túc và cứng rắn để đưa Mỹ vượt qua cuộc Đại suy thoái.
Mặc dù ban đầu ông đã nỗ lực tránh lôi kéo Mỹ can dự vào Thế chiến II vốn bắt đầu năm 1939, song cuộc đánh bom Trân Châu Cảng vào tháng 12-1941 đã đẩy Mỹ vào cuộc xung đột này.