Vì sao ông Trump dọa đòi lại kênh đào Panama?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 22/12 tuyên bố, chính quyền mới của ông sẽ cố gắng giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama. Bình luận của ông đã bị Tổng thống Panama José Raul Mulino lên án.
Ông Trump đã nói gì?
Ông Trump đề cập đến kênh đào Panama tại AmericaFest, một sự kiện thường niên do nhóm bảo thủ Turning Point tổ chức.
Sau AmericaFest, ông Trump đã đăng một bức ảnh lên nền tảng Truth Social của mình về lá cờ Mỹ tung bay trên vùng nước hẹp với chú thích: "Chào mừng đến với các kênh đào của Mỹ!"
Sau tuyên bố trên, ông Trump và Tổng thống Panama Mulino đã đưa ra những cáo buộc lẫn nhau.
“Mỗi mét vuông của kênh đào Panama và khu vực xung quanh nó thuộc về Panama và sẽ tiếp tục thuộc về Panama”, Tổng thống Panama Mulino nói trong một tuyên bố được đăng trên tài khoản X của mình.
Ông Trump đã đăng lại một bài báo về tuyên bố của ông Mulino trên nền tảng Truth Social của ông với chú thích: “Chúng ta hãy chờ xem”.
Ông Trump cũng ám chỉ tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với kênh đào Panama trong bài đăng trên Truth Social hôm thứ Bảy. Ông viết: “Kênh đào này hoàn toàn do Panama điều hành, không phải Trung Quốc hay bất kỳ ai khác”.
Trung Quốc không kiểm soát kênh đào này, tuy nhiên, CK Hutchison có trụ sở tại Hồng Kông đã vận hành hai cảng kênh đào ở lối vào Caribe và Thái Bình Dương kể từ năm 1997.
Tổng thống Panama Mulino cũng cho biết trong tuyên bố trên X hôm Chủ nhật rằng, Trung Quốc không có ảnh hưởng gì đối với kênh đào Panama.
Tranh cãi về chuyện gì?
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo được xây dựng trên eo đất Panama, nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Có tới 14.000 tàu đi qua kênh mỗi năm. Tuyến đường thủy này chiếm khoảng 2,5% thương mại đường biển toàn cầu và 40% tổng lượng hàng hóa của Mỹ.
Kênh đào này rất quan trọng đối với việc nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ châu Á. Mỹ cũng sử dụng đường thủy để xuất khẩu hàng hóa, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Ai đã xây dựng kênh đào này?
Kênh đào được xây dựng từ năm 1904 đến năm 1914, phần lớn do Mỹ thực hiện, với sự giám sát của cựu Tổng thống lúc bấy giờ là Theodore Roosevelt.
Ai sở hữu nó?
Chính phủ Panama sở hữu kênh đào.
Panama giành được quyền sở hữu khi nào?
Tuyến đường thủy này được mở vào năm 1914, Mỹ kiểm soát dòng kênh cho đến khi đạt thỏa thuận cùng vận hành với Panama năm 1977.
Vào ngày 31/12/1999, Mỹ chuyển quyền sở hữu kênh đào cho Panama theo hiệp ước năm 1977 được ký bởi Tổng thống lúc bấy giờ là Jimmy Carter.
Kênh đào đã được trao cho Panama và người dân Panama, nhưng có quy định: "Nếu các nguyên tắc, cả về đạo đức và pháp lý, của nghĩa cử hào phóng này không được tuân thủ, thì chúng tôi sẽ yêu cầu kênh đào Panama phải được trả lại cho Mỹ, toàn bộ, nhanh chóng và không thắc mắc”, ông Trump cảnh báo.
Kênh đào đã cạn nước?
Năm 2023, tình trạng hạn hán ở Trung Mỹ đã ảnh hưởng đến kênh đào Panama.
Con kênh dựa vào hồ Gatun nhân tạo gần đó để vận hành các âu thuyền. Mực nước hồ thấp đã khiến chính quyền quản lý kênh phải hạn chế số lượng tàu thuyền sử dụng đường thủy và tăng phí sử dụng.
Số lượng tàu qua kênh đào Panama đã giảm 29% trong năm tài chính vừa qua. Từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, có 9.944 tàu đi qua kênh, so với 14.080 của năm trước.
Giao thông trên kênh hiện đã trở lại mức trước hạn hán. Tuy nhiên, phí dự kiến sẽ tăng vào năm tới.
Tổng thống Mulino cho biết trong một tuyên bố: “Thuế quan không được thiết lập tùy tiện”, đồng thời cho biết thêm rằng, phí vận chuyển tăng sẽ giúp chi trả cho những cải tiến mà chính phủ Panama đang thực hiện để cho phép nhiều tàu đi qua kênh đào hơn.
Những ý tưởng mở rộng lãnh thổ của ông Trump?
Ông Trump đã xây dựng chiến dịch tranh cử tổng thống của mình dựa trên chính sách “Nước Mỹ trên hết” trước cuộc bầu cử tháng 11. Tuy nhiên, kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, ông đã nhiều lần đề xuất “mở rộng lãnh thổ” và kênh đào Panama là một trong những vùng lãnh thổ mà ông gần đây đề cập đến là có thể mở rộng.
Ông Trump cũng ám chỉ Canada. Vào ngày 18/12, ông Trump đăng trên Truth Social: "Nhiều người Canada muốn Canada trở thành tiểu bang thứ 51 và họ sẽ tiết kiệm được những khoản thuế khổng lồ cũng như đảm bảo về quốc phòng. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tuyệt vời. Tiểu bang thứ 51!!!".
Không rõ liệu Tổng thống đắc cử có nghiêm túc hay không khi ông đưa ra bình luận này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Canada. Ông Trump gần đây đã đe dọa áp thuế đối với hàng hóa từ nước láng giềng phía bắc, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã từ chức và Thủ tướng Justin Trudeau đang chịu áp lực phải từ chức.
Ông Trump cũng bày tỏ sự quan tâm đến Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Hôm thứ Hai, Ông Trump thông báo trên Truth Social rằng, ông đã chọn Ken Howery làm đại sứ Mỹ tại Đan Mạch, đồng thời thêm vào bài đăng: "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tin rằng quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là hoàn toàn cần thiết".
Ông Trump cũng đưa ra đề xuất này trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng nó đã bị chính quyền Đan Mạch bác bỏ và Thủ tướng Đan Mạch nói với truyền thông Đan Mạch rằng Greenland không phải để bán.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/vi-sao-ong-trump-doa-doi-lai-kenh-dao-panama-291235.htm