Vì sao ông Trump muốn Mỹ tiếp quản Dải Gaza và điều đó có khả thi?
Đề xuất của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ có thể 'tiếp quản' và 'sở hữu' Dải Gaza, tái định cư người dân Palestine trong quá trình này, đã làm dậy sóng dư luận quốc tế.
Ông Trump nêu ý tưởng trên khi thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel - Hamas đang được triển khai và trong bối cảnh có nhiều câu hỏi về tương lai của Dải Gaza hậu xung đột. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 2/3 số tòa nhà ở đó đã bị phá hủy hoặc hư hại sau 15 tháng giao tranh.
![Ảnh: Fox News](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_23_51446892/f3e977f243bcaae2f3ad.jpg)
Ảnh: Fox News
Đề xuất mơ hồ của ông Trump có thể báo hiệu sự thay đổi lớn nhất về chính sách Trung Đông của Mỹ trong nhiều thập kỷ, đảo ngược sự đồng thuận rộng rãi của quốc tế về nhu cầu thành lập một nhà nước Palestine bao gồm Dải Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng, cùng tồn tại với Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ý tưởng mới của ông Trump về Dải Gaza "đáng chú ý", nhưng các quốc gia Ảrập và một số đồng minh của Mỹ kịch liệt phản đối kế hoạch này.
Lí do ông Trump công khai đề xuất lúc này
Theo BBC, nhiều thập kỷ ngoại giao của Mỹ đối với Israel và Palestine không giúp giải quyết xung đột. Các đề xuất hòa bình, các tổng thống đến rồi đi nhưng vấn đề vẫn dai dẳng. Cuộc đột kích của Hamas vào lãnh thổ Israel vào ngày 7/10/2023 và chiến dịch quân sự trả đũa của Israel ở Dải Gaza đã gây ra là những hậu quả kinh hoàng.
Với kinh nghiệm của một nhà phát triển bất động sản thành công, ông Trump đã đưa ra một nhận xét hoàn toàn hợp lý: nếu Gaza được tái thiết từ đầu ở một số nơi, việc hàng trăm nghìn thường dân phải cư trú trong đống đổ nát là điều vô nghĩa.
Nhiệm vụ xây dựng lại Gaza sẽ rất lớn, đòi hỏi phải loại bỏ đạn dược chưa nổ và hàng núi mảnh vỡ, sửa chữa hệ thống đường điện và ống nước cũng như xây lại các trường học, bệnh viện và cửa hàng. Steve Witkoff, đặc phái viên Trung Đông của ông Trump nhận định, quá trình này có thể mất nhiều năm và trong thời gian ấy, người Palestine sẽ cần phải đi đâu đó.
Tuy nhiên, thay vì tìm cách giữ họ ở gần quê hương, trong các trại tị nạn ở miền trung và miền nam Dải Gaza, ông Trump cho rằng họ nên được khuyến khích ra đi mãi mãi. Lãnh đạo Nhà Trắng tin, khi người Palestine rời đi, một "Riviera của Trung Đông" lý tưởng, do người Mỹ làm chủ sẽ trỗi dậy từ đống tro tàn, tạo ra hàng nghìn việc làm, cơ hội đầu tư và cuối cùng là nơi để "người dân thế giới sinh sống".
Vì sao ý tưởng của ông Trump gây tranh cãi?
Ngay cả đối với một vị tổng thống đã dành phần lớn nhiệm kỳ đầu tiên của mình để đảo ngược chính sách Trung Đông của Mỹ, bao gồm cả việc chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem và công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan bị chiếm đóng, việc thâu tóm Dải Gaza vẫn bị coi một đề xuất đáng kinh ngạc.
Trong trí tưởng tượng táo bạo nhất của dư luận, không một vị tổng thống Mỹ nào từng nghĩ giải quyết xung đột Israel - Palestine sẽ liên quan đến việc giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ của Palestine và trục xuất người dân ở đó. Thực hiện mục tiêu này bằng vũ lực rõ ràng sẽ là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Một số người Palestine có thể sẽ chọn rời khỏi Gaza và xây dựng lại cuộc sống của họ ở nơi khác. Kể từ tháng 10/2023 đã có tới 150.000 người làm như vậy. Nhưng những người khác không thể hoặc sẽ không làm điều đó, hoặc vì họ không có đủ phương tiện tài chính để thực hiện hoặc vì sự gắn bó của mình với Gaza.
Nhiều cư dân Gaza là hậu duệ của những người Palestine đã chạy trốn hoặc bị trục xuất khỏi nơi ở của họ vào năm 1948, trong quá trình thành lập nhà nước Israel. Đây là giai đoạn người Palestine gọi là “nakba”, từ có nghĩa là “thảm họa” trong tiếng Ảrập.
Mặc dù có vẻ không ủng hộ việc dùng vũ lực trục xuất dân thường ra khỏi Dải Gaza, nhưng ông Trump rõ ràng đang khuyến khích người Palestine rời đi. Các quốc gia Ảrập, chủ yếu là Ai Cập và Jordan, mà ông Trump cho rằng nên tiếp nhận tới 1,8 triệu người tị nạn từ Gaza, đã bày tỏ sự phẫn nộ. Họ đã có đủ vấn đề phải giải quyết và không muốn nhận thêm gánh nặng này nữa.
Tình hình hiện tại của Dải Gaza
Dải Gaza đã bị Ai Cập chiếm đóng trong 19 năm trước khi Israel giành quyền kiểm soát trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967. Theo luật pháp quốc tế, nơi này vẫn bị coi là vùng đất bị Israel chiếm đóng, nhưng Tel Aviv phản đối điều đó. Israel khẳng định quá trình chiếm đóng đã kết thúc vào năm 2005 khi họ đơn phương phá dỡ các khu định cư của người Do Thái và rút quân đội.
Khoảng 3/4 các nước thành viên Liên Hợp Quốc công nhận Dải Gaza là một phần của nhà nước Palestine có chủ quyền, nhưng Mỹ không công nhận. Bị các hàng rào và lệnh phong tỏa hàng hải của Israel chia tách khỏi thế giới bên ngoài, dải đất này chưa bao giờ được coi là một nơi thực sự độc lập.
Không có ai và tổ chức nào được phép ra, vào Dải Gaza mà không có sự cho phép của Israel. Trong cuộc nổi dậy lần thứ 2 của người Palestine vào năm 2001, Israel đã phá hủy một sân bay quốc tế từng được khánh thành rầm rộ vào năm 1998.
Israel và Ai Cập đã áp lệnh phong tỏa Gaza, viện dẫn lí do an ninh sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử của người Palestine vào năm 2006 và trục xuất các đối thủ của nhóm vũ trang Hồi giáo này khỏi vùng đất sau giao tranh dữ dội vào năm sau. Từ rất lâu trước khi cuộc xung đột mới nhất bùng phát vào tháng 10/2023, người Palestine đã coi Gaza là một nhà tù mở.
Tính khả thi của kế hoạch Mỹ tiếp quản Gaza
Cũng giống như các phát biểu gây “dậy sóng” dư luận của ông Trump về mong muốn giành quyền kiểm soát đảo Greenland của Đan Mạch và kênh đào Panama từ tay Panama, hiện vẫn chưa rõ vị tổng thống thứ 47 của Mỹ thực sự có ý định đó hay không hoặc liệu những tuyên bố này có phản án quan điểm mặc cả trước một loạt cuộc đàm phán căng thẳng về tương lai của Dải Gaza hay không.
Nhiều kế hoạch khác nhau về việc quản lý Gaza sau xung đột đã được đưa ra thảo luận. Tháng 12 năm ngoái, hai phe phái chính của người Palestine là Hamas và đảng Fatah đã đồng ý thành lập một ủy ban chung để giám sát chính quyền của họ, nhưng thỏa thuận cho đến nay vẫn chưa đi đến đâu. Vào những thời điểm khác, các cuộc thảo luận tập trung vào việc thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, có thể bao gồm quân đội từ các nước Ảrập.
Tháng trước, truyền thông Anh đưa tin, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Mỹ và Israel đã thảo luận về việc thành lập một chính quyền lâm thời ở Gaza cho đến khi một Chính quyền Palestine (PA) cải tổ, vốn đang nắm quyền kiểm soát một số khu vực của Bờ Tây, sẵn sàng tiếp quản. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước đây đã công khai khẳng định PA sẽ không giữ vai trò gì trong việc điều hành Gaza sau xung đột.
Các nguồn thạo tin nói, quân đội Mỹ đã có mặt trên thực địa. Một công ty an ninh Mỹ đã tuyển dụng khoảng 100 cựu lính đặc nhiệm nước này để vận hành một trạm kiểm soát quan trọng ở phía nam thành phố Gaza và kiểm tra các phương tiện của người Palestine trở về phía bắc để lấy vũ khí.
Người ta cũng nhìn thấy các nhân viên an ninh Ai Cập tại cùng một trạm kiểm soát. Đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên, mang tính thăm dò về sự hiện diện mở rộng của lực lượng quốc tế, có thể do Mỹ đứng đầu tại Gaza. Tuy nhiên, đó dường như không phải là sự tiếp quản đòi hỏi can thiệp quân sự quy mô lớn vào Trung Đông. Bản thân ông Trump trước đây từng khẳng định với các cử tri Mỹ rằng ông muốn tránh động thái đó.