Vì sao phải bảo mật chi tiết phí lắp camera nhà lãnh đạo Sóc Trăng?
'Chi tiết chi phí dự án này tôi không nắm vì quyết định có ghi 'được bảo mật', đơn vị rút tiền không cung cấp hồ sơ kèm theo', Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng nói.
Chiều 4/10, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng Trần Đình Ân cho biết hôm nay Văn phòng Tỉnh ủy hoàn lại số tiền đã chi để lắp camera tại nhà riêng các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Mặc dù các lãnh đạo liên quan đã hoàn tiền lắp camera, Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng vẫn không hề hay biết số tiền gần 1 tỷ mà Văn phòng Tỉnh ủy đã chi cụ thể như thế nào.
Kho bạc không biết chi tiết chi phí
Phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Huỳnh Văn Sum cho hay người nhận lắp camera cho các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là chủ cửa hàng điện tử, đang dạy tin học ở một trường cấp 2 tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng).
"Thầy giáo này giỏi tin học, chuyên làm giáo án điện tử cho giáo viên trong huyện. Ở Kế Sách, những người tuổi như thầy giáo này thì gọi tôi bằng cậu, chú, chứ không bà con. Thấy thầy này có trách nhiệm, camera hư hỏng còn biết đường kiếm để sửa nên giao cho người này làm", vị Phó bí thư chia sẻ.
Theo ông Sum, lý do không giao các doanh nghiệp lớn mà chọn cửa hàng tin học - điện tử của thầy giáo vì người này có địa chỉ rõ ràng. Nếu chọn doanh nghiệp không nhiệt tâm hoặc lỡ công ty phá sản thì khó khăn trong việc bảo trì khi thiết bị hư hỏng.
Ông Chung Thanh Tâm, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng, nói rằng không rõ cách mua sắm của Tỉnh ủy như thế nào nhưng theo quy định mua sắm thiết bị như gói camera từ 500 triệu đồng trở lên thì phải đấu thầu.
Còn Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Sóc Trăng Trần Đình Ân cho biết quyết định do ông Huỳnh Văn Sum ký có ghi ba chữ "được bảo mật". Do đó, Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng chi tiền lắp camera không cung cấp hồ sơ chi tiết cho kho bạc mà chỉ gửi giấy rút vốn, đề nghị chuyển tiền từ tài khoản của Văn phòng Tỉnh ủy cho đơn vị lắp camera.
"Chi tiết chi phí của dự án này tôi không nắm vì quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ghi 'được bảo mật' nên đơn vị rút tiền không cung cấp hồ sơ kèm theo. Bên đó rút tiền là thanh toán luôn", ông Ân nói với Zing.vn.
Không có gì phải bí mật
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho rằng quyết định chi ngân sách lắp camera cho các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng có yêu cầu “được bảo mật” có thể vì cơ quan này không muốn chủ trương này bị “soi”, lộ ra ngoài.
"Về nguyên tắc thu chi ngân sách, tất cả các khoản phải được công khai, thực hiện theo đầy đủ quy trình, thủ tục, trong đó có thủ tục thanh, quyết toán tại kho bạc. Đó là một trong những yêu cầu bắt buộc. Nếu không có bước này cần có giải trình, làm rõ", ông Sửu cho hay.
Ông Sửu nhấn mạnh thu chi ngân sách tuân thủ theo Luật Ngân sách một cách rất chặt chẽ, quy định từng điều khoản về lập dự toán hay các bước thanh, quyết toán.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng nhận định với nhiệm vụ chi thế này thì không có vấn đề gì phải bảo mật.
Ông Hùng cũng cho rằng mọi thủ tục chi ngân sách phải thông qua kho bạc và phải thực hiện đầy đủ các thủ tục thanh quyết toán. Các quy trình này cũng phải được thực hiện công khai chứ không phải bí mật.
Ông Lâm Văn Mẫn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau khi báo chí phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp kiểm điểm vụ dùng tiền ngân sách lắp camera nhà lãnh đạo. Sau khi phân tích, đánh giá vụ việc, các thành viên trong Ban Thường vụ thống nhất rút kinh nghiệm, báo cáo Trung ương và xin ý kiến chỉ đạo tiếp.
Theo ông Mẫn, Văn phòng Tỉnh ủy đã thông báo số tiền các cá nhân được gắn camera xung quanh nhà để trả lại ngân sách. Tuy nhiên, ông Mẫn không nhớ chính xác số tiền liên quan đến 8 camera gắn dọc theo hẻm vào nhà cũ của mình tại phường 3, TP Sóc Trăng.
Tương tự, ông Dương Sà Kha, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng, nói rằng đã nghe Văn phòng Tỉnh ủy thông báo thu tiền gắn camera để trả lại ngân sách. Tuy nhiên, do bận nhiều việc, ông chưa hỏi chi tiết số tiền.
Theo thông cáo báo chí của Tỉnh ủy Sóc Trăng, tổng số tiền gắn camera nhà 12 cán bộ Ban Thường vụ là trên 882 triệu đồng. Nếu chia đều, mỗi người phải nộp trả ngân sách trên 73,5 triệu đồng nhưng con số cụ thể không được cơ quan chức năng tiết lộ.