Vì sao phải cân bằng động bánh xe?

Sau một thời gian sử dụng, các bánh xe xuất hiện tình trạng mất cân bằng động, khiến cho bánh xe và vô lăng rung lắc, tạo cảm giác lái không ổn định, mất an toàn.

Hỏi:

Tôi được khuyên nên cân bằng động bánh xe sau khoảng 1,5 - 2 vạn kilomet sử dụng, xin cho biết vì sao phải thực hiện việc này?

Hoàng Thu Loan (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)

Ảnh minh họa.

Cố vấn kỹ thuật Lê Văn Định, gara OND Auto (749 Phúc Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) tư vấn:

Bánh xe có cấu tạo chính gồm hai phần, lốp cao su và mâm (lazang/vành), ngoài ra có chi tiết phụ như van bơm và cảm biến áp suất gắn trong hoặc gắn ngoài. Bánh xe được coi là ở trạng thái cân bằng khi trọng lượng của lốp cao su và mâm xe phân bố đều xung quanh tâm trục quay. Khi bánh xe quay tròn không bị đảo, lắc.

Sau một thời gian dài sử dụng, từ 1,5 - 2 vạn kilomet (hoặc 1 - 2 năm), nhất là xe thường xuyên chạy địa hình xấu, các bánh xe xuất hiện tình trạng mất cân bằng động, khiến cho bánh xe và vô lăng rung lắc, tạo cảm giác lái không ổn định, mất an toàn.

Cân bằng động là phương pháp cân chỉnh lazang và lốp, thực hiện bằng cách bổ sung một phần trọng lượng lên lazang để phân phối trọng lượng bánh xe đều về các hướng. Nếu phát hiện mâm xe mất cân bằng động, kỹ thuật viên sẽ gắn thêm các viên chì vào mâm để cân bằng với bên đối diện về trọng lượng.

Bánh xe sau khi được cân bằng động sẽ có độ bền cao hơn, mòn đều ở các vị trí; không bị đảo bánh; không gây ảnh hưởng đến các chi tiết khác như vòng bi, trục bánh xe, thước lái. Cân bằng động lốp xe còn giúp hạn chế mài mòn các chi tiết thuộc hệ thống lái và hệ thống treo của xe.

Chi phí cân bằng động chỉ khoảng 200.000 đồng/xe, đôi khi được miễn phí nếu khách hàng thay lốp tại gara hoặc cửa hàng bán lốp.

.

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/vi-sao-phai-can-bang-dong-banh-xe-192240531101714851.htm