Vì sao phải cấp bách đầu tư cho Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng?
Cơ sở vật chất Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã xuống cấp trầm trọng, gây nguy hiểm cho hoạt động khám, điều trị bệnh nhân nội trú. Tình trạng vừa khám chữa bệnh vừa sợ hãi, nhất là khi mùa mưa đến đòi hỏi phải khẩn cấp đầu tư cải tạo, nâng cấp bệnh viện này.
Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng (BVTT) hiện nay nhiều khối nhà đã được đầu tư, xây dựng trong thời gian dài, không được cải tạo, nâng cấp dẫn đến xuống cấp trầm trọng.
Đơn cử khối điều trị cấp tính Nam-Nữ được đưa vào sử dụng từ năm 2001, thời gian sử dụng hơn 23 năm, đã xuống cấp nặng; các phòng chức năng ẩm mốc, tường bong tróc vì quá cũ, bê tông dầm sàn nhiều vị trí lộ cốt thép bị rỉ sét gây mất an toàn. Hệ thống điện đi âm tường thường bị chạm chập vào mùa mưa rất nguy hiểm cho nhân viên và bệnh nhân. Phần mái bị thấm dột nặng, nhiều vị trí phải phủ bạt tạm không đảm bảo sử dụng trong mùa mưa. Nhân viên y tế ở đây luôn thường trực thu dọn khu vực nhà ăn, phòng sinh hoạt để có nơi trú ngụ cho các bệnh nhân khi trời đổ mưa.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều khối nhà khác đã được xây dựng từ lâu.Tình trạng chung được ghi nhận sau kiểm định chất lượng công trình là tường thấm mốc, mũn vữa; sàn bê tông xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc lộ thép hoen rỉ; mái tôn hư hỏng thấm dột toàn bộ; nền công trình lún nứt vỡ gạch; cửa chính, cửa sổ hư hỏng, hoen rỉ. Nếu chiếu theo tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam thì công trình ở mức độ nguy hiểm cấp C, khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, có tình trạng nguy hiểm cục bộ. Hiện trạng các công trình đã xuống cấp, thực tế công năng không đảm bảo yêu cầu sử dụng nhất là trong mùa mưa bão.
Ngoài ra, hiện trạng hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện cũng đã xuống cấp, lạc hậu, không đảm bảo yêu cầu hoạt động. Cụ thể, hệ thống xử lý nước thải không có bể tách mỡ, bể điều hòa, do đó không tách được mỡ từ căng tin; nước thải không đạt chất lượng trước khi thải ra môi trường. Hệ thống đường ống trong bể, máy móc thiết bị và tủ điều khiển cần được khắc phục, sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ.
BVTT Đà Nẵng có nhiệm vụ, chức năng quan trọng, tổ chức điều trị nội trú các bệnh nhân tâm thần cấp tính; tổ chức mạng lưới khám và điều trị quản lý ngoại trú; đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ y bác sĩ chuyên khoa cho bệnh viện các tuyến quận huyện, xã phường; … Hiện công suất giường bệnh của bệnh viện là 200 giường, dự kiến sẽ tăng lên 270 giường và 500 giường.
Năm 2023, quy mô hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện đã tăng công suất sử dụng giường bệnh hơn 108%. Do đó, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa BVTT hết sức cấp bách hiện nay. Điều này không chỉ đảm bảo điều kiện hoạt động bình thường, an toàn của bệnh viện mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người dân, phù hợp với định hướng lâu dài của bệnh viện.
Mới đây, Đà Nẵng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp BVTT với tổng kinh phí hơn 87 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ nay tới 2027. Theo đó, dự án sẽ xây mới Khối điều trị cấp tính Nam - Nữ với quy mô 140 giường gồm 2 tầng nổi và 1 tầng tum, diện tích xây dựng gần 2.600m2. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng mới hành lang nối từ Khối điều trị cấp tính Nam - Nữ kết nối với Khối điều trị đặc biệt + cai nghiện, Khối dinh dưỡng, Khối chẩn đoán hình ảnh với quy mô 1 tầng. Tuy nhiên, việc đầu tư, nâng cấp BVTT hiện rất cấp bách để đảm bảo an toàn cho hoạt động khám chữa bệnh, nhất là mùa mưa bão, thời gian kéo tới năm 2027 quá dài.