Vì sao phải phát triển điện gió?

Với sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, nhu cầu về điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng tăng. Trong khi đó, các nguồn điện truyền thống như nhiệt điện, khí điện, thủy điện, hạt nhân… đã bộc lộ nhiều rủi ro gây tác động xấu đến môi trường cũng như an toàn của người dân.

Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam là khá cao trên thế giới (trung bình GDP tăng trường từ 6-8%/năm) nên nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng nhiều. Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nếu tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tiếp tục được duy trì hàng năm là 7% thì nhu cầu điện của Việt Nam vào khoảng 200.000 GWh năm 2020 và tăng đến 327.000 GWh năm 2030.

Điện gió là nguồn điện sạch và an toàn nhất.

Điện gió là nguồn điện sạch và an toàn nhất.

Tuy nhiên, nếu phát triển tối đa các nguồn điện truyền thống thì lượng điện của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 165.000 GWh vào năm 2020 và 208.000 GWh vào năm 2030. Như vậy, lượng thiếu hụt cho nhu cầu xã hội tương ứng khoảng 20-30% mỗi năm và nếu điều này xảy ra thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh hoạt và hoạt động sản xuất trong cả nước.

Theo TS Lương Văn Hải, các nguồn năng lượng truyền thống đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế và không còn thích hợp phát triển tại Việt Nam.

Trước tiên về thủy điện, nguồn năng lượng chủ lực của nước ta hiện nay đã bị khai thác triệt để, dẫn đến đất đai bị thu hẹp, thay đổi dòng chảy các con sông chính, khiến lũ lụt thường xuyên xảy ra. Ngoài ra, thủy điện còn gây ra tình trạng thiếu nước, hủy hoại mùa màng của các vùng đồng bằng ven, cuối các dòng sông.

Không những thế, một vài sự cố về chất lượng xây dựng của một số dự án thủy điện (thủy điện Đắk Ka (Đắk Nông), Đakrông 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ia Krel 2 (Gia Lai)), tình hình khó kiểm soát lượng nước lũ từ thượng nguồn… là hồi chuông báo động cho cuộc sống an toàn của người dân vùng hạ lưu và ven sông.

Cho nên đã có rất nhiều dự án thủy điện phải ngừng hoặc không được tiếp tục triển khai. Chính phủ cũng có chủ trương hạn chế thấp nhất đầu tư vào thủy điện. Đến tháng 7/2013, các nhà đầu tư thủy điện lớn tại Việt Nam như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và tập đoàn Trung Nam đã đồng loạt rút khỏi các dự án thủy điện do vốn đầu tư nhiều nhưng hiệu quả không cao.

Trong khi đó, nhiệt điện là nguồn năng lượng chủ yếu của thế kỷ XX. Tuy nhiên, các nguồn năng lượng này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của con người. Gần đây, chúng ta đã nhận thức rõ tác hại của nhiệt điện như thiên tai (gió, bão…), trái đất nóng lên... nên nhiệt điện cũng đã được Chính phủ đưa vào các dự án hạn chế đầu tư, chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đã được phê duyệt.

Còn lại, điện hạt nhân tại Việt Nam cũng được xem là nguồn năng lượng tiềm năng lớn và hiệu quả. Tuy nhiên, việc vận hành và xử lý các nhà máy hạt nhân trong và sau quá trình sử dụng là vấn đề cần phải giải quyết đồng bộ phải có công nghệ và trình độ vận hành cực cao. Sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Chernobyl năm 1986 và gần đây nhất là tại nhà máy Fukushima (Nhật Bản) năm 2011 là 2 tai nạn hạt nhân lớn nhất trên thế giới cho đến nay, để lại hậu quả nặng nề hàng chục năm đối với cả quốc gia và nhân loại.

Từ những phân tích trên cho thấy, Việt Nam cần phải đầu tư các công trình năng lượng quy mô lớn, tập trung nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng truyền tải, điều tiết điện lực. Trong đó, ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió… là nhu cầu cấp bách nhất đối với đất nước ta.

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-phai-phat-trien-dien-gio-569048.html