Vì sao phim của Thành Long, Lý Liên Kiệt bị Lý An chê tệ hại?
Lý An từng cho rằng phim của Thành Long, Lý Liên Kiệt là phần bát nháo, tệ hại nhất của văn hóa Trung Quốc.
Ngày 24/10, tờ The Guardian đăng lại bài phỏng vấn đạo diễn Lý An, người thành công với các tác phẩm như Ngọa hổ tàng long, Brokeback Mountain, Cuộc đời của Pi.
Trong đó, Lý An có phần nhận định: "Tôi có hai con trai ở Mỹ, chúng chỉ biết về nền văn hóa của ông cha thông qua Thành Long và Lý Liên Kiệt. Những gì thể hiện trong phim của họ có lẽ là phần tồi tệ, bát nháo nhất của văn hóa Trung Quốc. Tôi phải khẳng định như vậy".
Do phong cách làm phim khác biệt, Lý An không đồng tình với những tác phẩm của Thành Long, Lý Liên Kiệt, cho rằng họ đưa đến một nền văn hóa phiến diện, bạo lực.
Lý Liên Kiệt, Thành Long thành công nhờ kung fu
Lý Liên Kiệt và Thành Long là hai ngôi sao võ thuật nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc. Tên tuổi của họ đã vươn xa khắp thế giới, trở thành những biểu tượng kung fu, người hùng với nhiều thế hệ khán giả.
Lý Liên Kiệt thành danh với các tác phẩm như Hoàng Phi Hồng, Phương Thế Ngọc, Tinh Võ anh hùng, Anh Hùng. Những thế võ mạnh mẽ, ra đòn nhanh nhẹn giúp Lý Liên Kiệt hấp dẫn hàng triệu khán giả không chỉ ở châu Á mà cả ở Bắc Mỹ.
Sau đó, ông phát triển sự nghiệp tại Hollywood. Thời gian đầu, nam diễn viên chỉ đóng vai phản diện khách mời trong phim Vũ khí tối thượng (1998). Lý Liên Kiệt bắt đầu diễn chính trong các tác phẩm The One (Kẻ độc tôn - 2001), Cradle 2 the Grave (Đấu đến chết - 2002), Unleashed (Mắt xích tử thần).
Thành Long thành công ở Hollywood hơn Lý Liên Kiệt. Những bộ phim nói tiếng Trung Quốc như Túy Quyền, Câu chuyện cảnh sát, Kế hoạch A, Long huynh hổ đệ của ông khi chiếu ở Mỹ nhận được sự yêu thích cuồng nhiệt. Điều này giúp Thành Long dễ dàng tiến vào Hollywood.
Giờ cao điểm (1998) thu được 130 triệu USD chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ. Bộ phim sau đó còn được sản xuất thêm hai phần, cũng có doanh thu đáng kể. Một số tác phẩm khác như Rush Hour, Trưa Thượng Hải, Hiệp sĩ Thượng Hải, The Karate Kid... gây được tiếng vang.
Đặc trưng của phim Thành Long là ngoại trừ những màn võ thuật mãn nhãn còn có tính giải trí, nội dung hài hước. Do đó, các tác phẩm của ông được ưa chuộng hơn và tạo nên phong cách riêng.
Tuy nhiên, sự nghiệp quốc tế của hai nghệ sĩ không kéo dài được lâu. Những bộ phim của Lý Liên Kiệt chỉ có thành công khiêm tốn. Lý Liên Kiệt bị cho là đánh mất bản sắc khi trong phim của ông không có nhiều yếu tố văn hóa phương Đông. Trong các tác phẩm đó, ngôi sao võ thuật giống như một cỗ máy chỉ biết đánh đấm, lời thoại không nhiều, biểu cảm cũng ít.
Ngược lại, bộ phim Hoắc Nguyên Giáp được quay tại quê nhà, tiến ra các rạp Mỹ tháng 12/2006 lại nhanh chóng đứng thứ hai top phim ăn khách nhất trong tuần đầu công chiếu. Điều này càng cho thấy việc Tây hóa tác phẩm là bước đi sai lầm của Lý Liên Kiệt.
Thành Long cũng dần mất vị thế để tiến xa hơn với sự nghiệp tại Hollywood vì những vai diễn na ná nhau và và thiếu sự tự chủ trong quá trình làm phim. Khi bị lợi nhuận chi phối, lại hợp tác với đối tác nước ngoài, Thành Long cũng sợ đánh mất sự sáng tạo, nhiệt huyết của bản thân.
Lời chê của Lý An
Tại châu Á, tên tuổi Lý An gắn liền với những bộ phim như Hỷ yến (1993), Ngọa hổ tàng long (2000) và Sắc giới (2007). Với khán giả Âu Mỹ, đạo diễn 66 tuổi nổi tiếng nhờ hai tượng vàng Oscar cho các tác phẩm Brokeback Mountain (2002) và Life of Pi (2012). Ông còn nhận được 9 giải Quả Cầu Vàng trong sự nghiệp và rất nhiều giải thưởng danh giá khác.
Theo Lý An chia sẻ với tạp chí The Guardian cách ông tiếp cận hai thị trường điện ảnh với nền tảng văn hóa khác biệt: "Bởi sự kỳ vọng của khán giả rất cao, tôi cố gắng chiều lòng họ mà không đánh mất chính mình.
Ở châu Á, tôi có làm phim bom tấn giải trí - giống như kiểu của Thành Long. Tuy nhiên, tôi tới thị trường Âu Mỹ phát hành các tác phẩm theo hướng phim nghệ thuật, dù cần tới phụ đề. Tôi nhìn cách người Mỹ làm phim và cố gắng áp dụng những kinh nghiệm tích lũy được vào việc làm phim tại Trung Quốc".
Phim của Lý An là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa và tính giải trí thu hút khán giả Hollywood. Ông muốn cân bằng 2 yếu tố đó để đảm bảo cả tính nghệ thuật, tính quảng bá cho văn hóa Trung Quốc và vẫn có được thắng lợi về doanh thu.
Ở phim của Lý An còn có sự cầu kỳ và tầm nhìn của một đạo diễn có thế mạnh về tư duy những thước phim đậm chất nghệ thuật. Với Ngọa hổ tàng long, Lý An khiến người Mỹ sửng sốt trước những thước phim đẹp đến không tưởng. Ngọa hổ tàng long không chỉ đưa lên màn ảnh những tinh túy, đẹp đẽ, còn khơi gợi sự tò mò, kinh ngạc từ khán giả phương Tây về một nền văn hóa mà họ luôn cho là lâu đời, bí ẩn.
Vì vậy, Lý An không đánh giá cao các tác phẩm Thành Long, Lý Liên Kiệt bởi những phim này thuần giải trí, chủ yếu là đánh đấm, đặc biệt là khi hai ngôi sao võ thuật sang phát triển sự nghiệp tại Hollywood.
Lý An cho rằng: " Ngoại trừ phim võ thuật, người Trung Quốc chưa làm tốt ở các thể loại khác, đây là điểm thua kém so với các nền điện ảnh thế giới. Phim hành động Trung Quốc phổ biến vì võ thuật không có rào cản ngôn ngữ, ai cũng có thể xem được và hiểu được các động tác đánh đấm". Và khác với phim Âu Mỹ dựa vào công nghệ, các cảnh rượt đuổi ôtô, đánh đấm cơ bắp thì kung fu Trung Quốc có vẻ tinh tế, uyển chuyển, lạ mắt hơn.
Tuy nhiên, những tác phẩm của Thành Long, Lý Liên Kiệt thì ngoài việc thực hiện những màn võ thuật đẹp mắt, không đem lại ý nghĩa sâu xa và không biểu đạt hết được những nét văn hóa phương Đông - theo cách mà những khán giả phương Tây muốn thưởng thức. Thậm chí, nhờ các phim của hai ngôi sao, phương Tây cho rằng người Trung Quốc nào cũng biết võ thuật và điện ảnh Hoa ngữ chỉ có những tác phẩm tương tự vậy.