Vì sao phim về tài phiệt và giới siêu giàu châu Á gây sốt
Tình tiết kịch tính, thỏa mãn tâm lý tò mò là những lý do khiến các bộ phim như 'Penthouse', 'Mine' có đông người xem. Các tình tiết liên quan cũng thành chủ đề bàn tán trên mạng.
Dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu dân cư, nhóm những người siêu giàu và cuộc sống thượng lưu của họ luôn là đề tài yêu thích cho nhiều bộ phim truyền hình lẫn các tác phẩm điện ảnh.
Sức hút của những bộ phim này đến từ việc đánh trúng tâm lý người xem khi khán giả đại chúng luôn tò mò về những thứ xoay quanh tầng lớp lắm tiền nhiều của.
Lối sống xa lạ với số đông
"Họ sống ở thế giới khác. Không khí của họ có mức bão hòa oxi cao hơn 15 lần so với không khí bình thường và họ uống nước được lấy từ sông băng ở Nam Cực”.
Lời dẫn chuyện trong series Mine (Hàn Quốc) được chú ý trong thời gian gần đây có phần cường điệu, song phản ánh phần nào lối sống khác biệt của giới nhà giàu.
Trong khi đó, số đông thường thắc mắc về cấu trúc bên trong của xã hội thượng lưu, cách nhà giàu tiêu tiền, mức độ xa xỉ của họ đến đâu.
Những thứ tượng trưng cho cuộc sống đó như du lịch bằng máy bay tư nhân, mua sắm hàng hiệu không tiếc tay, dùng bữa tại nhà hàng 5 sao, sở hữu dàn siêu xe là điều xa lạ, khó có dịp chứng kiến tận mắt ngoài đời thực.
Vì vậy, tâm lý tò mò của khán giả được thỏa mãn khi chúng được khắc họa qua các bộ phim, chương trình truyền hình.
Đấu đá gia tộc
Ngoài lột tả cuộc sống "giàu đến mức không mức tưởng tượng được", yếu tố khiến các bộ phim về giới siêu giàu "hot" đến vậy còn bởi chúng khai thác vào các ân oán, mâu thuẫn căng thẳng bên trong các gia đình tài phiệt.
Điều dễ hiểu là các drama (tình huống trớ trêu, kịch tính tạo cảm xúc cao trào) vốn không thể thiếu trong phim truyền hình châu Á.
Cộng hưởng với những "cuộc chiến gia tộc" có thực ngoài đời, khán giả càng bị cuốn vào những màn tranh giành quyền lực, bất chấp thủ đoạn từ những con người "sinh ra đã ngậm thìa vàng".
Do đó, hiếm bộ phim nào chỉ đề cập đến hình ảnh các triệu phú, tỷ phú tự thân, làm giàu chân chính.
Trong Mine - bộ phim mới nhất về tầng lớp thượng lưu Hàn Quốc, nhà họ Han được mô tả là chủ nhân của tập đoàn hùng mạnh Hyowon, làm chủ nhiều bất động sản, khách sạn, chuỗi nhà hàng, công ty kinh doanh tài chính.
Hình ảnh trong phim khiến khán giả nghĩ đến các chaebol nổi tiếng ở Hàn Quốc như gia tộc Samsung, gia tộc SK, gia tộc Hyundai cùng những lùm xùm về tranh chấp quyền thừa kế của họ.
Bối cảnh đầu tư, trang phục đắt đỏ
Làm phim về giới siêu giàu, điều quan trọng là phải đáp ứng phần nhìn của khán giả, thậm chí khiến họ choáng ngợp bởi độ sang trọng, xa hoa.
Trong Penthouse, giới thượng lưu sống trong Hera Palace - tòa nhà 100 tầng đắt đỏ ở khu nhà giàu Gangnam. Nhân vật chính sống ở căn hộ tầng cao nhất, tượng trưng cho địa vị cao hơn mọi cư dân còn lại.
Đến Mine, đại gia đình ba thế hệ nhà họ Han sống trong gia viên Hyowon - nơi rộng như một khu resort cao cấp. Cổng vào có bốt bảo vệ, muốn vào nhà chính phải di chuyển bằng ôtô qua con đường dài.
Các chi tiết nội thất của căn nhà cũng cầu kỳ không kém. Phòng thay đồ của nhân vật chính không khác gì cửa hiệu cao cấp với tủ quần áo khổng lồ.
Ngoài ra, thời trang của các nhân vật trong phim về giới tài phiệt cũng tương xứng với gia thế của họ, nhất là những bộ cánh giúp nhân vật nữ toát lên thần thái sang trọng, quyền quý.
Đây cũng là điểm thu hút người xem khi mỗi phân cảnh, nhân vật lại xuất hiện trong một bộ trang phục đắt tiền, túi xách hàng hiệu mới. Sau các tập phim, những bài đăng trên mạng "bóc giá" váy áo trong phim càng làm khán giả "choáng" hơn về giá trị thực lên tới cả nghìn USD cho mỗi món đồ.
Khi nhà giàu cũng khóc
Khán giả có thể thích xem các bộ phim như Penthouse, Mine vì ngưỡng vọng người giàu, song cũng có những người xem để thấy tầng lớp này không hoàn hảo, cuộc sống chưa chắc hạnh phúc bằng người bình thường.
Dù điều kiện vật chất no đủ đến dư thừa, nhiều nhân vật siêu giàu trên phim lại có đời sống tinh thần buồn chán, bị ràng buộc trách nhiệm duy trì sản nghiệp của gia đình hay rơi vào các bi kịch đáng thương.
Không được làm chính mình hay phải đánh đổi, trả giá đắt để hưởng sự giàu sang - những cảm giác này gợi nhắc người xem coi trọng những thứ họ đang có như sự tự do, thoải mái hơn là ngước nhìn lên tầng lớp cao hơn và ước ao được giống vậy.