Vì sao phù thủy luôn già nua, xấu xa và độc ác?
Hình ảnh các phù thủy già nua, xấu xa, độc ác đã tồn tại trong văn hóa thế giới suốt nhiều thế kỷ qua.
Nhưng điều khiến không ít người băn khoăn là hình ảnh như thế đã sinh ra từ đâu và chúng thực sự mang ý nghĩa gì?
Ngày hôm nay, nếu đề nghị bất kỳ đứa trẻ nào vẽ phù thủy, nhiều khả năng các bức tranh chúng ta thu được sẽ rất giống nhau: một mụ già với cái mũi cong lên, đội một chiếc mũ rộng vành, nhọn chóp, đang cưỡi chổi hoặc khuấy một cái vạc.
Vậy từ đâu trẻ em có được những hình ảnh kiểu này trong đầu? Câu trả lời hóa ra khá phức tạp và cũng là là nội dung chính trong trong cuộc triển lãm mang tên Witches And Wicked Bodies được tổ chức ở Bảo tàng Anh, London, bắt đầu từ tuần trước.
Cái gốc trong văn hóa cổ đại
Triển lãm đã khám phá một cách công phu quá trình tạo hình phù thủy hiện đại. Theo đó, các nhân vật tiền thân của phù thủy hiện đại đã từng xuất hiện trong Kinh Thánh, qua câu chuyện Vua Saul đã phải tham vấn ý kiến của phù thủy Endor.
Trước đó, phù thủy được tạo hình trong thế kỷ thứ 4 và thứ 5 trước Công Nguyên, như những sinh vật gớm ghiếc có cánh, miệng phát ra tiếng rít như chim cú và thường ăn thịt trẻ em. Ở thần thoại Hy Lạp, nhân vật Circe cũng là một dạng phù thủy. Người đàn bà này có thể biến kẻ thù của mình thành những con lợn. Các chi tiết trên cho thấy thế giới cổ đại đã vẽ ra những “khái niệm” cơ bản về một phù thủy độc ác.
Hình tượng phù thủy hiện đại không xuất hiện đầy đủ cho tới đầu thời kỳ Phục Hưng, khi ý niệm của nhân loại về phù thủy đã hình thành. Một người đàn ông sống trong thời kỳ này được cho là nhân vật khắc họa rõ nét hình ảnh phù thủy mà chúng ta vẫn biết như hiện nay: họa sĩ kiêm chuyên gia tạo bản in Albrecht Durer.
Durer đã có 2 bản in gây ảnh hưởng khổng lồ. Một bản mang tên The Four Witches (1497) vẽ các phù thủy trẻ trung, đang ở tuổi cập kê, với thân hình uyển chuyển, gợi cảm – những yếu tố hấp dẫn về thể xác có thể quyến rũ đàn ông.
Bản khắc thứ 2 gây chú ý hơn nhiều, mang tên Witch Riding Backwards on a Goat (khoảng năm 1500). Trong bản này, phù thủy lại là mụ già xấu xí, gớm ghiếc, khỏa thân ngồi trên một con dê có sừng – biểu tượng của quỷ dữ. Mụ có bầu ngực chảy dài, héo úa như của dã thú. Miệng mụ há ra như đang cất lời phù phép. Mái tóc dài hoang dại của mụ bị gió thổi bay không tự nhiên, là dấu hiệu cho thấy mụ sử dụng ma thuật. Mụ phù thủy thậm chí còn cầm theo một cây chổi. Những chi tiết này rõ ràng đã chứa gần hết các yếu tố đặc trưng của hình ảnh phù thủy thời hiện đại.
Thời hoàng kim về kiến tạo hình ảnh phù thủy
Với các sử gia nghệ thuật, câu hỏi thú vị hơn, khiến họ quan tâm hơn là các nghệ sĩ như Durer đã lấy cảm hứng hình ảnh để tạo ra phù thủy hiện đại từ đâu. Một giả thuyết nói rằng Durer và những người cùng thời ông đã được truyền cảm hứng từ nhân vật Envy trong bản in Battle Of The Sea Gods do nghệ sĩ Italy Andrea Mantegna (1431-1506) tạo ra.
“Nhân vật Envy của Mantegna gầy mòn hốc hác, bầu ngực của bà ta đã héo úa và đó là lý do vì sao bà ta luôn ghen tị với các cô gái trẻ. Bà ta thích đánh chết những đứa trẻ và ăn thịt chúng. Tóc của bà ta là những con rắn độc”– giám tuyển Deanna Petherbridge của cuộc triển lãm nói với BBC.
Một ví dụ minh họa rõ rệt về dạng phù thủy mang phong cách Envy này thể hiện trong bản in kỳ công có tên Lo Stregozzo (Đám rước phù thủy - 1520). Trong bản in, mụ phù thủy hiện lên với cái miệng há hốc, tóc rối bù, bầu ngực khô héo, đang nắm chặt lấy một cái vạc đang sôi sùng sục và cưỡi trên một cỗ xe làm từ các mảnh xương trông rất rùng rợn. Tay phải của mụ vươn ra chạm lấy đầu của một đứa trẻ, nằm trong một nhóm trẻ sơ sinh đang kinh sợ dưới chân bà ta.
Cần biết rằng bản in trên ra đời trong “thời đại hoàng kim” về kiến tạo hình ảnh phù thủy: thời kỳ đầy biến động lớn về kinh tế và xã hội từ giữa thế kỷ 16 tới nửa đầu thế kỷ 17. Tình trạng hỗn loạn đã dẫn tới việc các cuộc săn lùng và phiên tòa xét xử phù thủy, diễn ra tràn ngập trên đất châu Âu.
Kết quả từ hoạt động săn phù thủy là hình tượng nhân vật này được kiến tạo vô cùng tàn bạo. Các nghệ sĩ còn tận dụng sự tiến bộ của việc phát minh ra công nghệ in mới để nhanh chóng phát tán rộng rãi hình ảnh mà họ tạo ra. “Hình ảnh phù thủy đã tiến lên cùng với cuộc cách mạng in ấn” - Petherbridge giải thích.
Công cụ phê bình xã hội
Tới thế kỷ 18, phù thủy không còn bị xem là mối đe dọa nữa. Thay vì thế, nhân vật này được cho là sản phẩm tưởng tượng mang tính mê tín của các nông dân. Tuy nhiên điều này đã không ngăn cản các nghệ sĩ như Francisco Goya trong việc sáng tạo nghệ thuật dựa trên hình tượng phù thủy.
Los Caprichos, bộ sưu tập của Goya gồm 80 bản khắc axít dị thường được tạo ra từ năm 1799, đã sử dụng phù thủy, yêu tinh, những con quỷ và quái vật làm công cụ châm biếm thói xấu trong xã hội. Các bản in của ông thực tế nói về nhiều vấn đề xã hội như sự tham lam, chiến tranh, sự tham nhũng của giới cầm quyền.
Goya không tin vào việc phù thủy có tồn tại. Tuy nhiên các bản in của ông vẫn gây tác động lớn tới hình tượng nhân vật này. Ví dụ bản in 68 trong bộ Los Caprichos rất đáng nhớ. Nó có cảnh một mụ phù thủy già gớm ghiếc đang dạy một nữ phù thủy trẻ trung, xinh đẹp cách bay với chổi.
Có một điểm xuyên suốt trong lịch sử tạo hình phù thủy: nhân vật này luôn là nữ giới. Là một người phụ nữ, Petherbridge đã cảm thấy thế nào? “Những hình ảnh đó có cho thấy sự bêu xấu phụ nữ” – bà nói – “Nhưng thường chúng mang nặng ý nghĩa phê bình xã hội. Các phù thủy chỉ là vật tế thần, trong đó sự xấu xa của một xã hội được phơi bày rõ ràng”.
Ngày hôm nay, nghệ thuật tạo hình phù thủy đang trên đà suy giảm. Nó thiếu động lực sáng tạo lạ lùng đã giúp nảy sinh ra các hình ảnh gây ấn tượng như ở các thế kỷ trước đây.
Trong thế kỷ 19, hội nghệ sĩ trẻ tiền Raphael và các nghệ sĩ theo trường phái biểu tượng đã bị thu hút trước hình tượng phù thủy. Họ tạo ra các nữ phù thủy vô cùng gợi cảm. Tuy nhiên các hình ảnh này dường như nghiêng về hướng tưởng tượng gợi dục nhiều hơn là nghệ thuật đích thực.