Vì sao qua hơn 5 năm thụ lý, vụ án dân sự vẫn chưa được xét xử?
Một vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An dù được tòa án thụ lý từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử.
5 năm chưa đưa ra xét xử
Theo đơn phản ánh của gia đình ông Nguyễn Văn Ánh, ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM, năm 2016, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đức Hòa thụ lý vụ án dân sự sơ thẩm liên quan đến tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại thửa đất số 198, tờ bản đồ số 27, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa do ông Đỗ Quang Khải, ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, là nguyên đơn. Trong đó, ông Khải yêu cầu TAND huyện Đức Hòa hủy giấy chứng nhận QSDĐ mà UBND huyện Đức Hòa đã cấp cho ông Ánh. Trong vụ án dân sự này, ông Ánh được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngày 17/4/2017, ông Ánh có đơn yêu cầu độc lập, đề nghị TAND huyện Đức Hòa công nhận QSDĐ với diện tích 235m2 tại thửa đất 198 mà ông Khải đang khởi kiện ông Ánh do ông đã được UBND huyện Đức Hòa cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BS 844024, cấp ngày 06/3/2014. Đồng thời, ông yêu cầu TAND huyện buộc ông Khải phải tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà ở, vật kiến trúc ra khỏi phần đất này. Đơn yêu cầu độc lập của ông Ánh được TAND huyện Đức Hòa thụ lý giải quyết.
Theo ông Ánh, mặc dù vụ việc được TAND huyện Đức Hòa thụ lý giải quyết và trực tiếp thẩm phán Đỗ Bình An đã ra thông báo về việc thụ lý bổ sung từ tháng 4/2017 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra xét xử. Ông Ánh cho biết: “Tôi được biết, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án về dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Riêng những vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng, trong khi đó, vụ án này đã kéo dài hơn 5 năm, chưa bị tạm đình chỉ. Việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án đã ảnh hưởng rất lớn đến QSDĐ của gia đình tôi”.
Đương sự không hợp tác và những nguyên nhân khách quan dẫn đến vụ án kéo dài
Liên quan đến vụ việc, Chánh án TAND huyện Đức Hòa - Trần Thị Kim Thảnh khẳng định, hiện nay, TAND huyện Đức Hòa thụ lý vụ án dân sự số 36 ngày 01/02/2016 về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa nguyên đơn là ông Đỗ Quang Khải, bị đơn là bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng, ngụ xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa và ông Nguyễn Văn Ánh là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Theo nội dung vụ án, nguyên đơn là ông Khải yêu cầu bà Cẩm Hồng tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại thửa đất số 198 và hủy quyết định cấp giấy chứng nhận QSDĐ mà UBND huyện Đức Hòa đã cấp cho ông Ánh. Sau đó, ông Khải có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa bà Cẩm Hồng và ông Nguyễn Phú Thuận; đồng thời, hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Nguyễn Phú Thuận và ông Nguyễn Văn Ánh tại thửa đất này. Đến ngày 17/4/2017, TAND huyện Đức Hòa tiếp tục thụ lý đơn yêu cầu độc lập đối với vụ án của ông Ánh.
Thông tin từ TAND huyện Đức Hòa, mặc dù vụ án đã được thụ lý và giải quyết theo đúng trình tự tố tụng nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn là bà Cẩm Hồng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Phú Thuận không đến tòa án để giải quyết vụ án, cố tình né tránh, gây khó khăn trong công tác tống đạt văn bản tố tụng dẫn đến vụ án chưa đủ chứng cứ để đưa ra xét xử.
Bà Trần Thị Kim Thảnh cho biết, đầu năm 2022, TAND huyện có nhận được đơn đề nghị sớm đưa vụ án ra xét xử của ông Ánh. Sau khi tiếp nhận đơn, lãnh đạo TAND huyện phân công thẩm phán trực tiếp thụ lý vụ án và làm việc theo yêu cầu nội dung đơn của ông Ánh. Qua làm việc trực tiếp với ông Ánh vào ngày 01/4/2022, ông Ánh tự nguyện rút đơn yêu cầu sớm đưa vụ án ra xét xử. Bên cạnh đó, hiện nay, vụ án có rất nhiều tình tiết phức tạp, đương sự tham gia trong vụ việc không hợp tác và những nguyên nhân khách quan khác dẫn đến vụ án bị kéo dài thời gian giải quyết. Bà Thảnh cũng khẳng định vụ án kéo dài đến thời điểm hiện nay không phải lỗi chủ quan của thẩm phán giải quyết vụ việc./.