Vì sao quốc gia giàu nhất châu Âu rơi vào suy thoái
Đức - đầu tàu kinh tế của châu Âu trong nhiều thập kỷ và đã dẫn dắt khu vực vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng - vừa rơi vào suy thoái.
Chính sách năng lượng với nhiều lỗ hổng trong hàng thập kỷ, sự thất thế của ôtô động cơ đốt trong và quá trình chuyển đổi chậm chạp sang công nghệ mới đang gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự thịnh vượng của nước Đức kể từ khi thống nhất.
Dù Berlin đã thể hiện bản lĩnh vượt qua các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, câu hỏi đặt ra hiện tại là liệu nước này có thể theo đuổi một chiến lược bền vững hay không. Triển vọng đó có vẻ xa vời.
Chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz đã tranh luận nội bộ về mọi thứ, từ nợ và chi tiêu cho đến máy bơm nhiệt và giới hạn tốc độ ngay sau khi nguy cơ thiếu năng lượng giảm bớt.
Tuy nhiên, những dấu hiệu cảnh báo là khó có thể bỏ qua. Dữ liệu được công bố hôm 25/5 cho thấy nền kinh tế Đức trên thực tế đã bị thu hẹp kể từ tháng 10/2022 và chỉ tăng trưởng hai lần trong 5 quý vừa qua.
Các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng của Đức sẽ thấp hơn so với phần còn lại của châu Âu trong nhiều năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng ước tính Đức sẽ là nền kinh tế kém nhất G7 trong năm nay. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz dường như vẫn bày tỏ lạc quan.
Không còn nhiều thời gian
“Triển vọng của nền kinh tế Đức là rất tốt”, ông phát biểu sau khi dữ liệu kinh tế mới nhất được công bố. Không chỉ dừng lại ở đó, số liệu mới nhất cũng là dấu hiệu cho những điều sắp xảy đến.
Đức nhận thấy họ vẫn chưa thể tìm ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng của ngành công nghiệp khổng lồ trong dài hạn. Họ phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật lỗi thời và thiếu sự linh hoạt để xoay trục sang các lĩnh vực phát triển nhanh hơn. Một loạt thách thức mang tính cấu trúc đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho "trung tâm quyền lực của châu Âu".
Bên cạnh những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp như Volkswagen, Siemens và Bayer, nền kinh tế Đức cũng có sự góp sức từ hàng nghìn công ty Mittelstand nhỏ hơn - những công ty gia đình đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, thói quen chi tiêu thận trọng của nước Đức đã đặt nước này vào một nền tảng tài chính vững chắc hơn nhiều nước trong khu vực trong việc chuyển dịch kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất châu Âu không còn nhiều thời gian để lãng phí.
Vấn đề cấp bách nhất đối với Đức là đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng đi đúng hướng. Năng lượng giá cả phải chăng là tiền đề quan trọng trong khả năng cạnh tranh cho ngành công nghiệp.
Ngay cả trước khi Nga cắt nguồn cung khí đốt, chi phí điện của Đức đã thuộc hàng cao nhất châu Âu. Nếu không thể ổn định tình hình, một số nhà sản xuất có thể rời đi nơi khác.
Berlin đang giải quyết những lo ngại bằng nỗ lực áp trần giá điện đối với một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng cho đến năm 2030. Tuy nhiên, đó chỉ là một giải pháp tạm thời và phản ánh tình thế đáng ngại của Đức về nguồn cung điện.
Sau khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân cuối cùng vào mùa xuân vừa rồi và đẩy mạnh loại bỏ than đá ngay sau năm 2030, quốc gia này đã lắp đặt cơ sở điện gió và năng lượng Mặt Trời với công suất khoảng 10 gigawatt. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng nửa tốc độ họ cần để đạt các mục tiêu về khí hậu.
Chính quyền của Thủ tướng Scholz đặt mục tiêu lắp đặt khoảng 625 triệu tấm pin Mặt Trời và 19.000 turbine gió cho đến năm 2030. Tuy nhiên, lời hứa hẹn đẩy nhanh quá trình triển khai vẫn chưa mang lại kết quả. Trong khi đó, nhu cầu ở Đức dự kiến tăng do điện khí hóa mọi lĩnh vực.
Một thực tế cay đắng là các nguồn lực để tạo ra nhiều năng lượng sạch như vậy ở Đức đã bị hạn chế do đường bờ biển tương đối nhỏ và thiếu ánh nắng Mặt Trời.
Trước thực tế đó, quốc gia này đang tìm cách xây dựng một cơ sở hạ tầng rộng lớn để nhập khẩu hydro từ các nước như Australia, Canada và Saudi Arabia.
Đồng thời, Đức sẽ cần đẩy nhanh việc xây dựng lưới điện cao thế kết nối các trang trại gió ngoài khơi ở bờ biển phía Bắc với các nhà máy và thành phố thiếu điện ở phía Nam. Đức cũng không thiếu hạ tầng lưu trữ để đối phó với sự gián đoạn về nguồn cung năng lượng.
Cường quốc của châu Âu dường như đã đầu tư lớn để tạo ra các ý tưởng nhằm giữ vững sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cao thứ tư trên thế giới chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Khoảng 1/3 số bằng sáng chế được nộp ở châu Âu đến từ Đức, theo dữ liệu từ Văn phòng Bằng sáng chế Thế giới.
Mối đe dọa với châu Âu
Mặc dù vậy, phần lớn sức mạnh đổi mới đó lại diễn ra tại các công ty lớn và tập trung vào các ngành công nghiệp đã có vị thế vững chắc. Theo OECD, trong khi các nhà sản xuất nhỏ vẫn phát triển mạnh, số lượng các công ty khởi nghiệp mới đang giảm ở Đức.
Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này, chẳng hạn nhiều thủ tục hành chính và văn hóa ngại rủi ro. Tài chính cũng là một vấn đề. Đầu tư vốn mạo hiểm ở Đức đạt tổng cộng 11,7 tỷ USD vào năm 2022 so với 234,5 tỷ USD ở Mỹ, theo DealRoom.
Bên cạnh đó, hệ thống học thuật ở Đức cũng nặng nề và nước này không có một trường đại học nào lọt vào top 25 của bảng xếp hạng mới nhất của Times Higher Education.
Ngoài ra, lợi thế công nghệ của Đức đang biến mất, thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực ôtô. Trong khi các thương hiệu như Porsche và BMW định hình kỷ nguyên động cơ đốt trong, ôtô điện của Đức lại gặp khó khăn.
Phần lớn sự thịnh vượng của Đức dựa vào lĩnh vực sản xuất sôi động, vốn mang lại việc làm được trả lương cao cho giới lao động chân tay.
Tuy nhiên, sức mạnh đó đã dẫn đến sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài đối với các đơn đặt hàng và nguyên liệu thô - trên hết là Trung Quốc. Berlin hiện cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng các công ty lớn nhất của Đức không quan tâm đến điều đó.
Bên cạnh đó, Bloomberg chỉ ra hai lĩnh vực then chốt mà Đức chưa phát huy hết tiềm năng và cần tận dụng để phát triển kinh tế: Tài chính và công nghệ.
Phần lớn tiền của người Đức được nắm giữ bởi một mạng lưới khoảng 360 ngân hàng tiết kiệm khu vực công, được gọi là Sparkassen. Các tổ chức này được kiểm soát bởi các cộng đồng địa phương, làm gia tăng khả năng xung đột lợi ích, đồng thời làm giảm sức mạnh tài chính của đất nước.
Hai ngân hàng niêm yết lớn nhất của Đức - Deutsche Bank và Commerzbank - cũng đối mặt với hàng loạt rắc rối trong nhiều năm. Giá trị vốn hóa của hai ngân hàng cộng lại chưa bằng 1/10 so với ngân hàng Phố Wall JPMorgan Chase.
Về mảng công nghệ, công ty lớn nhất của Đức là SAP SE, ra đời từ những năm 1970 và sản xuất phần mềm phức tạp giúp các công ty quản lý hoạt động của họ. Mảng này hiện khó có cái tên thay thế vị trí đầu ngành.
Đức cũng thiếu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số. Mặc dù sở hữu tốc độ Internet cố định xếp thứ 51 trên thế giới, quốc gia này lại có chi tiêu cho cơ sở hạ tầng Internet thuộc hàng thấp nhất OCED.
“Nhiều năm đầu tư dưới mức đã khiến nước Đức tụt hậu. Berlin sẽ cần phải chi tiêu nhiều hơn và giúp các dự án cơ sở hạ tầng dễ dàng triển khai hơn”, Jamie Rush, nhà kinh tế trưởng về châu Âu của Bloomberg Economics, cho biết.
Đức cần giải quyết các vấn đề của mình bằng một chương trình dài hạn, nhưng nhiều người đặt câu hỏi về điều đó. Khi liên minh ba đảng của Thủ tướng Scholz có nhiều mâu thuẫn, nước Đức có nguy cơ đối diện với sự bất ổn.
Sự chia rẽ có nguy cơ sâu sắc hơn nữa khi dân số già đi và những người trẻ tuổi lo lắng về tương lai. Ngành công nghiệp của Đức đã cảm nhận được sức ép của sự thay đổi nhân khẩu học.
Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy 50% doanh nghiệp cắt giảm sản lượng do các vấn đề về nhân sự, gây thiệt hại cho nền kinh tế lên tới 85 tỷ USD/năm.
Theo Dana Allin, giáo sư tại SAIS Europe, những thách thức đối với Đức sẽ lan rộng khắp toàn bộ lục địa. “Sức khỏe của nền kinh tế Đức rất quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu, cũng như sự hòa thuận và đoàn kết của khối”, ông nói.