Vì sao Quốc hội Mỹ quyết bảo vệ loại máy bay 'Lợn Lòi' đã hơn 40 tuổi?
Không quân Mỹ có lẽ không hiểu vì sao hậu trường của A-10 'Warthog' lại vững đến vậy! Nhiều năm qua, các chỉ huy của họ đã cố gắng cho chiếc máy bay chậm chạp đã phục vụ hơn 40 năm này nghỉ hưu mà không thể được
Đó là vì thế lực bảo vệ nó ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều quá lớn, quá mạnh. Quốc hội Mỹ cho rằng A-10 có sức tấn công mạnh, rất hiệu quả về mặt chi phí. Thật đáng tiếc khi phải cho nó nghỉ hưu.
Theo trang web Task and Purpose (Nhiệm vụ và mục đích) ngày 29/7, trong một nỗ lực gần đây, Không quân Mỹ đã cố gắng chọn ra 42 trong số 281 chiếc A-10 đang trong biên chế để đưa vào niêm cất. Đây được coi là một đợt ngừng hoạt động quy mô nhỏ nhằm giảm bớt chi phí bảo trì, đầu tư và mua thêm các loại máy bay tiên tiến hơn, chẳng hạn như F-35A.
A-10 được trang bị hỏa lực mạnh (Ảnh: USAirforce).
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn muốn nói thêm về điều này. Trong Luật ủy quyền Quốc phòng cho năm Tài chính 2022, Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện đã trực tiếp định rõ: cấm Không quân loại biên bất cứ một chiếc A-10 nào trong năm Tài chính 2022. Nói cách khác, ngay cả việc cho 42 chiếc máy bay loại này ngừng hoạt động, Quốc hội Mỹ cũng không chấp thuận.
Máy bay cường kích A-10 một chỗ ngồi, hai động cơ phản lực của Công ty Fairchild Republic có tên chính thức là "Thunderbolt II" (Thần Sấm II), nhưng hầu hết mọi người đều gọi nó là "Warthog" (Lợn Lòi). Đó là vì ngay dưới mũi nó có gắn một khẩu pháo Gatling GAU-8/A 30 mm 7 nòng – một thứ vũ khí nổi tiếng. Tiếng nổ khi luồng đạn từ 8 nòng pháo này phóng ra giống hệt tiếng rống của một con lợn rừng tru lên. Khẩu pháo liên thanh với 1.200 viên đạn này, có thể tiêu diệt bất kỳ chiếc xe bọc thép nào. Nhiều lính Mỹ kể, ở mặt trận khi nhìn thấy và nghe thấy tiếng "lợn rống" này, đều buột miệng thốt lên “cứu tinh đã tới”.
Đầu của A-10 thường được vẽ hình Lợn Lòi (Ảnh: USAirforce).
Đây là chiếc máy bay thiết kế riêng cho Không quân Mỹ dùng cho nhiệm vụ chi viện lực lượng bộ binh bằng cách tấn công xe tăng, xe bọc thép và các mục tiêu mặt đất khác, cũng như được sử dụng để tấn công ngăn chặn tiếp viện của địch A-10 “Thunderbolt II” là chiếc máy bay đầu tiên của Không quân Mỹ thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến từ trên không.
Buồng lái A-10 được trang bị lớp giáp Titan dày từ 12,7mm đến 38,1mm với tổng trọng lượng lên đến 408 kg. Lớp giáp này có thể chịu được đạn phòng không cỡ 23mm. A-10 có khả năng cơ động tốt khi bay chậm và thấp vì cánh thẳng và lớn. Điều này giúp phi công có đủ khả năng quan sát chiến trường và phân biệt mục tiêu để yểm trợ tốt nhất. Do không cần bay nhanh nên A-10 được trang bị động cơ loại turbofan, hai động cơ gắn trên lưng tạo nên hình dáng đặc trưng cho A-10. Nhìn chung A-10 bị xem là có hình dáng xấu xí nhưng là loại phi cơ cực kỳ hiệu quả.
Pháo Gatling 30mm 7 nòng được gắn ngay dưới mũi máy bay A-10 (Ảnh: USAirforce).
Theo một bản báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO), A-10 chi phí bảo trì đang tăng cao do các phụ tùng cũ kỹ. Dù đã được thay đôi cánh mới nhưng thời gian hậu cần để kiểm tra hệ thống máy bay và bảo trì hệ thống an toàn vẫn rất lâu, đây là lý do Không quân Mỹ luôn muốn đào thải và thay thế A-10 bằng loại máy bay khác hiện đại hơn.
Nhưng tại Quốc hội Mỹ, có rất nhiều người xuất thân cựu binh đã được A-10 bảo vệ trong thời gian phục vụ tại ngũ. Họ yêu thích A-10 cả vì tình lẫn lý và họ dùng đủ mọi cách để bảo vệ phi đội A-10. Họ cũng có một lý do hết sức bình thường, đó là hiện Không quân Mỹ không có nhiều máy bay tấn công mặt đất chuyên trách.
Thượng nghị sỹ Mark Kelly, một cựu phi công A-10 là một trong những người kiên quyết giữ lại loại máy bay chậm chạp này (Ảnh: Arizona Mirror).
Ví dụ, Thượng nghị sĩ Mark Kelly bang Arizona từng là cựu phi công lái máy bay cường kích A-6 của Hải quân Hoa Kỳ và là cựu phi hành gia. Thượng nghị sĩ Mark Kelly cho biết: "Là một người từng hỗ trợ trên không trong chiến đấu ở khoảng cách gần, tôi biết A-10 là loại máy bay có một không hai trong việc thực hiện các nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực mặt đất. Nó có một khả năng rất giá trị để bảo vệ lực lượng Mỹ dưới mặt đất".
"Việc cho A-10 ngừng hoạt động trước khi không có loại máy bay nào khác có thể thay thế A-10 cho loại nhiệm vụ này là một bước đi sai lầm đối với an ninh quốc gia của chúng ta".
Tuy nhiên, không phải tất cả các nghị sĩ Quốc hội đều ủng hộ A-10. Thượng nghị sĩ Marco Rubio bang Florida đã đồng ý rằng Không quân Mỹ nên cho A-10 nghỉ hưu để mua thêm F-35A.
Hiện nhiều máy bay A-10 đã được nâng cấp, lắp đặt các hệ thống thiết bị hiện đại mới (Ảnh: Task and Purpose).
Lý do Không quân Mỹ muốn thay thế A-10 bằng các chiến đấu cơ tàng hình F-35A là vì họ cho rằng đối thủ trong cuộc chiến tranh tiếp theo có thể là Trung Quốc và mạng lưới phòng không của Trung Quốc có thể dễ dàng khắc chế các máy bay A-10 chậm chạp.
Mặc dù Không quân Mỹ có những lo ngại như vậy nhưng việc tiếp tục sử dụng A-10 gần như đã là một điều chắc chắn. Điều có thể làm bây giờ là hiện đại hóa và cải tiến các con “Lợn Lòi” này để chúng có thể tiếp tục bay trong môi trường chiến trường của những năm 2030. Hiện tại, 880 triệu USD đã được đầu tư để nâng cấp hệ thống điện tử hàng không của A-10 và lắp đặt các thiết bị bảo vệ và cảnh báo sớm thế hệ mới.
Bài báo của Task and Purpose khôi hài: "Thực sự không có thứ gì có thể giết chết được những chiếc A-10 ngoan cường này, ngay cả Không quân Mỹ cũng bó tay".