Vì sao SAFF hợp tác cùng VFF?

Khi Qatar giành quyền đăng cai Vòng chung kết (VCK) World Cup 2022, chính quyền Riyadh (Saudi Arabia) đã 'thức tỉnh': Hóa ra việc đăng cai một kỳ World Cup trên sa mạc không phải là chuyện cổ tích 'Ngàn lẻ một đêm'.

Kể từ đó, chính Saudi Arabia, chứ không phải quốc gia nào khác, đã vận động hành lang ráo riết ở FIFA và các liên đoàn bóng đá châu lục, cho cái gọi là World Cup tổ chức 2 năm/lần.

Đó là chuyện của tương lai, còn trước mắt, hiển hiện mục tiêu rõ ràng và tiên quyết của bóng đá Saudi Arabia: Giành quyền lọt vào VCK World Cup 2022. Saudi Arabia đang thể hiện phong độ ấn tượng tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á, khi có 16 điểm sau 6 trận, giữ vững ngôi đầu bảng B.

Ông Yasser Al-Mishal, Chủ tịch SAFF (bên trái) được ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF chào đón tại Sân bay quốc tế Nội Bài ngày 15-11. Ảnh: VFF

Ông Yasser Al-Mishal, Chủ tịch SAFF (bên trái) được ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF chào đón tại Sân bay quốc tế Nội Bài ngày 15-11. Ảnh: VFF

Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Herve Renard được Liên đoàn Bóng đá Saudi Arabia (SAFF) lo “đến tận chân răng” trong hành trình tranh vé dự VCK World Cup 2022 ở Qatar. Để phục vụ thầy trò HLV Herve Renard di chuyển, đá vòng loại cuối cùng, SAFF thuê hẳn hai chuyên cơ. Đặc biệt, khi đội tuyển Việt Nam gặp khó trong việc bay đến Saudi Arabia làm khách ở trận lượt đi, SAFF lập tức thuê chuyên cơ riêng để chở thầy trò HLV Park Hang-seo từ Doha (Qatar) đến Riyadh.

Trong sự kiện đáng chú ý này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không phải bỏ ra một đồng nào. Bên lề trận Việt Nam-Saudi Arabia (0-1) tại sân Mỹ Đình (Hà Nội), Chủ tịch SAFF, ông Yasser Al-Mishal đã có những cuộc trao đổi với Phó chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn về những vấn đề hợp tác giữa đôi bên.

Được biết ở trận lượt đi giữa hai đội tại Riyadh, SAFF và VFF đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển, theo đó SAFF trong thời gian tới sẽ hỗ trợ bóng đá Việt Nam ở nhiều mảng, trong đó có đào tạo bóng đá trẻ, hỗ trợ các đội tuyển Việt Nam địa điểm tập huấn... đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn.

Có thể nhận thấy, SAFF và chính quyền Riyadh đã coi “môn thể thao vua” là một kênh quảng bá hiệu quả cho đất nước, con người Saudi Arabia. Nhưng chính Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) mới là các quốc gia đầu tiên trong vùng Vịnh nhìn thấy và khai thác tiềm năng vô hạn từ môn “thể thao vua”.

Nhóm các nhà tư vấn vào năm 2007 đã cố vấn cho tỷ phú Sheikh Mansour (là thành viên gia tộc Al Nahyan trị vì Abu Dhabi, tiểu quốc lớn nhất, giàu nhất trong 7 tiểu quốc hợp thành UAE) nên mua một hãng xe hơi nổi tiếng ở châu Âu hoặc Mỹ để đánh bóng hình ảnh của UAE nhưng vị hoàng thân này đã vặn lại: “Liệu có nhà máy nào đón được 5 vạn người vào mỗi dịp cuối tuần”. Và đó là lý do Sheikh Mansour quyết định thâu tóm Man City.

Người hàng xóm của UAE, Saudi Arabia là Qatar còn chơi trội hơn khi giành quyền tổ chức VCK World Cup 2022. Vậy hà cớ gì, Saudi Arabia, được coi là anh cả trong khu vực, vượt trội về sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng lại chậm chân hơn các quốc gia láng giềng trong việc tận dụng sức mạnh từ bóng đá nói riêng, thể thao nói chung.

Suy cho cùng, việc SAFF ký biên bản hợp tác với VFF cũng không nằm ngoài việc nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh cho bóng đá, đất nước, con người Saudi Arabia.

NGUYỄN THUẦN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/vi-sao-saff-hop-tac-cung-vff-678038