Vì sao Saudi Arabia không thể đẩy lùi cuộc tấn công vào cơ sở lọc dầu của Aramco?
Ngày 14-9, tên lửa hành trình và một loạt máy bay không người lái (UAV) đã tấn công và nhấn chìm 2 cơ sở lọc dầu ở Khurais và Abqaiq của tập đoàn dầu khí lớn nhất Vương quốc Saudi Arabia, Aramco chỉ trong nháy mắt, mà không hề gặp phải bất kỳ sự ngăn cản nào từ hệ thống phòng thủ của nước này. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao hệ thống phòng không tỷ đô, được coi là hiện đại nhất Trung Đông của Saudi Arabia lại không thể ngăn cản được các vụ tấn công từ phiến quân Houthi ở Yemen?
Nguyên nhân khách quan hay lỗi hệ thống?
Theo các nguồn tin quân sự quốc tế, Saudi Arabia hiện sở hữu hệ thống phòng không hiện đại với các tổ hợp vũ khí đắt tiền như Patriot PAC-3, HAWK, pháo phòng không tự động... hơn nữa vì tầm quan trọng của các tổ hợp công nghiệp lọc dầu của Aramco, nên khu vực này được bảo vệ kỹ lưỡng bởi nhiều vòng tên lửa Patriot và pháo phòng không Oerlikon 30mm. Tuy nhiên, tất cả đều đã bất lực và không hề có phản ứng nào trước các đợt tấn công với sự tham gia của hàng chục tên lửa và UAV.
Lý giải cho sự yếu kém của hệ thống phòng thủ của Saudi Arabia, Bộ Quốc phòng Nga nhận định rằng các hệ thống Patriot của Mỹ "vô tác dụng" trước các mục tiêu nhỏ, bay thấp như tên lửa hành trình và UAV.
Đồng quan điểm với phía Nga, cựu Giám đốc tổ chức Phòng thủ tên lửa Israel, ông Uzi Rubin đã tiết lộ trong 1 cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Defense News rằng, các hệ thống phòng không của Saudi Arabia không thể đẩy lùi cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và UAV vào các cơ sở lọc dầu của nước này vào ngày 14-9 do những “kẻ tấn công” đã bay dưới đường chân trời.
"Các radar cảm biến thường sẽ chỉ phát hiện được những mục tiêu ở phía trên đường chân trời. Vì vậy, rất khó để radar phát hiện và phát lệnh tiêu diệt khi mục tiêu bay ở độ cao thấp và cực thấp khoảng 60-100m", ông Uzi Rubin cho biết.
Hệ thống phòng thủ nào là "thích hợp"?
Ông Rubin nói rằng rất khó để lấp "khoảng trống" này của radar nhằm không để lọt các vật thể bay thấp, nhưng không phải là không thể. Ông tiết lộ thêm rằng tất cả những gì Saudi Arabia cần làm là thiết lập lại hệ thống phòng thủ một cách thích hợp, và đó có thể là hệ thống phòng thủ Pantsirs S1 của Nga.
Hệ thống phòng thủ này, theo chuyên gia người Israel, khá đơn giản và đã chứng minh tính chiến đấu hiệu quả với pháo tự động 2A38M Pantsirs 30mm và công cụ tìm hướng hồng ngoại. Nga đã sử dụng thành công Pantsirs S1 để đẩy lùi các cuộc tấn công bằng UAV do các nhóm phiến quân thường xuyên thực hiện, nhắm vào căn cứ của họ ở Syria.
Dường như Saudi Arabia đã nhận thấy những "hạn chế" trong hệ thống phòng thủ của mình, và mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy họ quan tâm đến hệ thống tên lửa đất đối không Pantsirs, nhưng Saudi Arabia đã để ngỏ khả năng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga vào năm 2018, một hệ thống phòng thủ tên lửa sở hữu những lợi thế nhất định khi so sánh với Patriot của Mỹ.
Tuy nhiên, các sự kiện gần đây liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã cho thấy việc mua S-400 có thể gây ra phản ứng tiêu cực từ Mỹ - đồng minh lâu năm của Saudi Arabia. Washington đã đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt lên New Delhi và Ankara đối với việc mua S-400 của 2 nước này.
Trong bối cảnh sản lượng dầu thô của Saudi Arabia giảm sút đáng kể sau vụ tấn công, Lầu Năm Góc tuyên bố tăng cường thêm các cụm pháo cho hệ thống tên lửa phòng không Patriot của đồng minh Trung Đông.
Quyết định này được đưa ra bất chấp một thực tế là kể cả có trang bị thêm các cụm pháo như vậy, thì với thiết kế và chức năng của Patriot cũng không thể ngăn chặn được cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và UAV kết hợp, như cách mà phiến quân Houthi đã dùng để thực hiện cuộc tấn công các cơ sở lọc dầu vừa qua.