Vì sao siêu dự án 58.000 tỷ đồng tại Thanh Hóa phải hủy thầu?

Dự án Nhà máy Điện khí LNG Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư 58.026 tỷ đồng (tương đương 2,453 tỷ USD), tại phía Nam cảng Nghi Sơn, xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo kế hoạch sẽ công bố nhà đầu tư trúng thầu trong Quý IV năm 2024. Tuy nhiên, do vướng các quy định nên dự án phải hủy thầu...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời câu hỏi của phóng viên VnEconomy tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngày 6/1/2025, ông Trần Chí Thanh, Phó trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết “Sau khi hủy thông báo mời thầu và dừng lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn, chúng tôi đang cố gắng hoàn thiện lại hồ sơ mời thầu (HSMT) theo quy định để phê duyệt, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư nhằm chọn được nhà đầu tư thực hiện, đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch điện VIII”.

LÝ DO PHẢI HỦY THÔNG BÁO MỜI THẦU VÀ DỰNG VIỆC LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ

Được biết, dự án đã được chấp thuận đầu tư ngày 11/3/2024. Trên cơ sở đó, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã có văn bản thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu ngày 25/7/2024. Theo kế hoạch, dự án sẽ công bố kết quả trúng thầu vào ngày 30/9/2024. Tuy nhiên, ngày 16/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Theo Khoản b, Điều 73 Nghị định này quy định “Đối với dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP nhưng đến ngày 01 tháng 8 năm 2024 chưa có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thì dừng việc lựa chọn nhà đầu tư”.

Ông Trần Chí Thanh, Phó trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tại buổi họp báo

Ông Trần Chí Thanh, Phó trưởng ban, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tại buổi họp báo

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết, bên cạnh việc vướng quy định đối với dự án chuyển tiếp theo Nghị định 115/2024/NĐ-CP thì việc Luật Đất đai thực hiện sớm từ ngày 1/8/2024 là nguyên nhân khiến dự án phải hủy thầu làm lại.

Khoản 10, Điều 255, Luật Đất đai 2024 quy định “Đối với dự án đầu tư đã lựa chọn được nhà đầu tư, chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đấu thầu từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa giao đất, cho thuê đất mà thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, pháp luật có liên quan và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, chủ đầu tư theo quy định của Luật này".

Trên cơ sở tham khảo ý kiến của Tập đoàn điện lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương ngày 13/10/2024, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã ban hành Quyết định hủy thông báo mời thầu và dừng việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn.

TRIỂN KHAI LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ VỚI 6 BƯỚC

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về tiến độ thực hiện dự án của phóng viên VnEconomy, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cho biết “để tổ chức thực hiện, quyết định nêu rõ, Tổ lựa chọn nhà đầu tư phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, Viện Năng lượng và các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện lại các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở để lập, thẩm định, phê duyệt lại HSMT và phát hành lại cho các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ, bảo đảm quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện Dự án”.

Hiện nay, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực; Tập đoàn điện lực Việt Nam tham vấn hồ sơ mời thầu, thống nhất dự thảo hợp đồng mua bán điện dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, trong thời gian tới Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư với quy trình 6 bước như sau:

(1) Chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: Lập hồ sơ mời thầu; thống nhất dự thảo hợp đồng với bên mua bán điện; trình, thẩm định phê duyệt hồ sơ mời thầu (45 ngày), dự kiến gồm các công việc.

Cụ thể, ngày 15/01/2025 hoàn thiện, tổng hợp ý kiến của Bộ Công thương, Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn điện lực Việt Nam; thống nhất nội dung thẩm định Hồ sơ mời thầu với Trung tâm hỗ trợ đấu thầu.

Ngày 15/01/2025 hoàn thiện thủ tục phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu.

(2) Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư gồm: Thông báo, phát hành hồ sơ mời thầu tới các nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ (60 ngày).

(3) Đánh giá hồ sơ dự thầu gồm: Mỡ thầu; kiểm tra, đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu; đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu (25 ngày).

(4) Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; giải thích lý do nhà đầu tư không trúng thầu theo yêu cầu của nhà đầu tư (nếu có) (25 ngảy).

(5) Đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán điện (Nhà đầu tư trúng thầu và Tập đoàn điện lực Việt Nam đàm phán).

(6) Đàm phán, hoàn thiện ký kết hợp đồng dự án (07 ngày).

Như vậy trường hợp thống nhất các nội dung hồ sơ mời thầu với Bộ, ngành và phê duyệt vào ngày 15/01/2025 thì đến ngày 15/05/2025 có thể lựa chọn được nhà đầu tư.

Theo Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án LNG Nghi Sơn có công suất 1500MW tiến độ đầu tư hoàn thành phát điện chậm nhất trong năm 2030. Với tiến độ dự kiến nêu trên, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn khẳng định tại cuộc họp báo dự án sẽ đáp ứng được tiến độ triển khai dự án do Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Song Khánh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-sieu-du-an-58-000-ty-dong-tai-thanh-hoa-phai-huy-thau.htm