Được công bố vào ngày khai mạc của triển lãm Aero India 2019, siêu tiêm kích F-21 như nỗ lực của Lockheed Martin nhằm đạt được gói thầu trị giá 15 tỉ USD của Ấn Độ nhằm mua 114 chiến đấu cơ mới.
Tập đoàn Lockheed Martin khẳng định rằng, chiếc F-21 được chế tạo đặc biệt theo yêu cầu của không quân Ấn Độ và đóng vai trò như bước đệm của Ấn Độ tới tiêm kích F-35.
“F-21 nhấn mạnh đến những yêu cầu đặc biệt của không quân Ấn Độ và đưa nước này vào hệ sinh thái chiến đấu cơ lớn nhất thế giới”, Lockheed Martin từng cho biết.
“F-21 có những linh kiện giống và học hỏi nhiều từ tiêm kích F-22 và F-35. Một nửa dây chuyền cung cấp của F-21 và F-16 cũng giống với F-22 và F-35”, Lockheed Martin nhấn mạnh.
Ấn Độ luôn đòi hỏi các đối tác phải chuyển giao công nghệ và cho sản xuất chiến đấu cơ trực tiếp trong nước, đây là điều trở ngại khiến nhiều nhà sản xuất từ bỏ.
Tuy nhiên hãng Lockheed Martin cũng đã đề xuất chế tạo F-21 với nhà thầu quân sự Tata Advanced Systems, nhằm hải lòng chính sách “sản xuất ở Ấn Độ” của Thủ tướng Narendra Modi.
Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ sẵn sàng chuyển giao dây chuyền sản xuất F-21 cho thấy Washington sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của New Delhi.
Phía Mỹ cũng công bố, F-21 sẽ được trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu mới, hệ thống ngắm bắn Sniper và trang bị nhiều vũ khí hạng nặng.
Buồng lái của F-21 cũng có nét hiện đại như trên tiêm kích F-35 với các màn hình cỡ lớn.
Tải trọng vũ khí cũng được nâng lên mức hơn 8 tấn do được trang bị động cơ nâng cấp.
Mức tải trọng vũ khí trên 8 tấn của F-21 ngang bằng, thậm chí nhỉnh hơn chút ít so với các dòng chiến đấu cơ hạng nặng hai động cơ như J-11/16, J-20, Su-30/35.
F-21 có thể mang hầu hết vũ khí trang bị cho chiến đấu cơ hiện có trong không quân Mỹ, hơn thế nó còn có thể trang bị một số tên lửa do Pháp sản xuất.
Điều này giúp cho Ấn Độ đồng bộ vũ khí vì họ cũng đang vận hành tiêm kích Rafale của Pháp.
Được biết, F-21 có trang bị radar AESA APG-83, có thể dò tìm trong phạm vi gần gấp đôi so với radar thông thường, cũng như khả năng bám dấu vết và tấn công mục tiêu với độ chính xác cao.
Hệ thống chiến đấu điện tử (EW) được phát triển riêng cho Ấn Độ, giúp đánh trả hiệu quả các đợt tấn công từ mặt đất và các mối đe dọa trên không.
Công nghệ tìm kiếm và định vị hồng ngoại tầm xa hỗ trợ phi công nhận diện mục tiêu chính xác hơn.
Dù có thông số đáng nể, song có lẽ Ấn Độ sẽ nhắm tới hẳn một dòng chiến đấu cơ mới hoàn toàn như F-35 hoặc Su-57, thay vì F-21 thực chất là bản nâng cấp sâu rộng của F-16. Vì vậy tới nay họ vẫn không mặn mà với đề nghị của Mỹ.