Vì sao tấm băng đội trưởng của Mbappe khiến đàn anh thất vọng

Tâm lý chung của mọi người là không thích quản lý nhỏ tuổi hơn mình. Câu chuyện đội tuyển Pháp lục đục vì Mbappe làm đội trưởng mà không phải các đàn anh khác là ví dụ mới nhất.

Ở tuổi 24, nam cầu thủ Kylian Mbappe mới được trao vinh dự đeo băng đội trưởng Đội tuyển Bóng đá nam Quốc gia của nước Pháp. Vị trí mới của tiền đạo PSG sẽ không có gì đáng nói nếu trong tập thể đội bóng xứ lục lăng có những cái tên gạo cội hơn.

Truyền thông Pháp tiết lộ nhiều cầu thủ có thâm niên ở "Les Bleus" không thoải mái khi Mbappe trở thành thủ lĩnh.

Cái tên được bàn tán nhiều đến là Antoine Griezmann, người xét về tuổi tác, thâm niên và sự cống hiến cho tuyển Pháp, đều nhỉnh hơn đàn em. Một số tờ báo tiết lộ Griezmann "cảm thấy tổn thương và buồn bã" đồng thời cân nhắc ý định giã từ đội tuyển quốc gia.

Phòng thay đồ tuyển Pháp dậy sóng vì Mbappe lên làm đội trưởng và phản ứng của những người trong cuộc phản ánh câu chuyện quen thuộc khi người trẻ tuổi nhất được thăng chức lên quản lý, chịu trách nhiệm với các thành viên khác.

 Sau khi Kylian Mbappe được trao quyền thủ quân, nhiều cầu thủ Pháp không đồng tình với quyết định này. Ảnh: Marca.

Sau khi Kylian Mbappe được trao quyền thủ quân, nhiều cầu thủ Pháp không đồng tình với quyết định này. Ảnh: Marca.

Dù trên sân cỏ hay ở chốn văn phòng, việc người trẻ nhất được thăng chức, nắm giữ vị trí cao hơn những người lớn tuổi còn lại đều có khả năng gây khó xử cho cả hai bên. Một bên, các cá nhân có thâm niên mang tâm lý không thích phải làm việc dưới trướng người nhỏ tuổi hơn, còn bản thân người đề đạt cũng đối mặt với nhiều áp lực.

Chỉ thích sếp lớn tuổi hơn

Bản thân Kylian Mbappe cũng lên tiếng rằng việc Antoine Griezmann cảm thấy thất vọng khi không được làm đội trưởng tuyển Pháp là điều dễ hiểu. "Tôi nói với Griezmann rằng nếu gặp trường hợp này, tôi cũng sẽ có cảm giác tương tự anh ấy", nam cầu thủ cho hay.

Theo Fast Company, đa số đều lớn lên với suy nghĩ rằng những người chịu trách nhiệm chính và ra yêu cầu cho mình (cha mẹ, giáo viên, huấn luyện viên), phải luôn lớn tuổi hơn. Việc đặt một người có số tuổi đời nhỏ hơn vào vị trí đứng đầu đi ngược lại cách làm truyền thống.

Trong công việc, tuổi tác thường được coi là tỷ lệ thuận với số năm kinh nghiệm. Sự khác biệt thế hệ tại nơi làm việc vốn là một thách thức, nhưng trong trường hợp "thủ lĩnh" nhỏ tuổi hơn nhân viên, nhiều rắc rối dễ nảy sinh hơn, theo quan điểm của Peter Cappelli, giáo sư quản lý tại Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania (Mỹ).

“Sếp mới trẻ hơn nhiều tuổi có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhất là khi người đó có ít năm kinh nghiệm làm việc hơn. Nếu người đó được thăng chức lên vị trí cao hơn bạn, điều đó có khả năng gây ra sự tức giận và bối rối.

Giả sử, nếu bạn tham gia một lớp học trượt tuyết từ người hướng dẫn trẻ hơn bạn 20 tuổi nhưng đã trượt tuyết được 15 năm, không có vấn đề to tát nào xảy ra. Tuy nhiên, nếu bạn đã kinh doanh được 20 năm còn sếp bạn mới có 10 năm trong ngành, những câu hỏi như ‘Tại sao mình phải nghe theo lời người này?’, ‘Quyền hạn của người này không hợp lý’”, ông Cappelli phân tích.

Ở Ấn Độ, khoảng 80% chuyên gia cấp cao (những người có hơn 20 năm kinh nghiệm) nói rằng họ thích sếp lớn tuổi hơn mình, theo Khảo sát về Lãnh đạo của TimesJobs vào năm 2015.

 Mark Zuckerberg trẻ trung hơn giữa các đồng nghiệp của mình tại Lễ trao giải Axel Springer ở Đức vào năm 2016. Ảnh: BBC.

Mark Zuckerberg trẻ trung hơn giữa các đồng nghiệp của mình tại Lễ trao giải Axel Springer ở Đức vào năm 2016. Ảnh: BBC.

Tại Mỹ, khoảng 45% thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964) và Gen X (sinh trong giai đoạn 1965-1980) được khảo sát cảm thấy thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) thiếu kinh nghiệm quản lý, dẫn đến tác động tiêu cực đến văn hóa công ty, theo nghiên cứu Lãnh đạo đa thế hệ năm 2015 từ công ty phát triển điều hành Future Work.

Nói cách khác, sự chênh lệch lớn về tuổi tác có thể gây ra những khoảng cách về niềm tin. Chuyên gia tư vấn Jeanne C. Meister nhận định với Harvard Business Review rằng tình huống kể trên “kém thoải mái, dễ dẫn đến xung đột” giữa hai bên.

Tuy nhiên, những đồng nghiệp lớn tuổi hơn không phải là người duy nhất rơi vào tình huống bối rối.

"Các quản lý trẻ tuổi cũng có những lo lắng, đặc biệt là khi họ lần đầu tiên được 'nhấc' lên vị trí cấp trên, nơi họ giám sát và chịu trách nhiệm với những cấp dưới lớn tuổi hơn", Nelson Phillips, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết.

Các cá nhân trẻ tuổi có thể được công nhận về mặt tài năng, có tố chất lãnh đạo. Song, khi người đó sớm trở thành “sếp”, quản lý, những nghi hoặc, câu hỏi về khả năng dẫn dắt tập thể mau chóng xuất hiện.

Bên cạnh áp lực chứng minh năng lực bản thân lớn hơn, còn là mối lo ngại tiếng nói, mức độ ảnh hưởng của mình còn hạn chế.

Số lượng sếp trẻ còn tăng lên

Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra thực tế rằng khi dân số thế giới già đi và người dân gắn bó với lực lượng lao động lớn hơn, trong khi người trẻ tuổi chiếm phần lớn lực lượng lao động, câu chuyện người trẻ quản lý nhân viên lớn tuổi hơn họ sẽ càng phổ biến.

Theo SHRM, Millennials (sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến năm 1996) đang là thế hệ đông đúc nhất tại các công ty, tiếp sau đó là gen Z (sinh ra từ năm 1996 đến năm 2012). Khi những nhân sự cũ già cỗi, họ chính là lực lượng thay thế tiếp theo để quản lý, dẫn dắt tập thể.

 Đa số người đi làm thích cấp trên lớn tuổi hơn mình. Ảnh: BI.

Đa số người đi làm thích cấp trên lớn tuổi hơn mình. Ảnh: BI.

Cuộc khảo sát của Harris Interactive được thực hiện tại Mỹ vào năm 2020 cho thấy 40% nhân viên có quản lý nhỏ tuổi hơn mình. Trong đó, 22% cho biết sếp trẻ hơn vài tuổi, 16% có sếp kém mình đến 10 tuổi.

Theo Chip Conley, cố vấn chiến lược cho các CEO thuộc thế hệ Millennials của các công ty khách sạn tại Mỹ, số lượng nhà quản lý trẻ tuổi sẽ tăng và chỉ tăng lên trong tương lai.

"Các công ty đều mong muốn thuê và phát triển những nhà quản lý am hiểu về công nghệ. Khi đó, việc cất nhắc lên các vị trí quản lý không còn phụ thuộc vào tuổi tác mà vào năng lực, cách quản lý, và sự thể hiện trong công việc", ông nói.

Chia sẻ với BBC, Holly Pavlika, giám đốc tiếp thị người New York (Mỹ), cho biết mình mình từng làm việc cho một số nhà quản lý trẻ hơn mình. Về cơ bản, tình huống đó không khiến Holly phải để tâm nhiều.

"Miễn cả hai bên tôn trọng nhau, tôi cho rằng vấn đề chênh lệch tuổi tác và thứ bậc không quan trọng. Tập trung vào việc duy trì vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực của bạn quan trọng hơn là lo lắng về việc có một ông chủ hay sếp nhỏ tuổi hơn", cô nói.

Theo các chuyên gia, nếu gạt bỏ định kiến tuổi tác và nhìn nhận một cách công bằng, hai bên đều có thể trợ giúp và học hỏi lẫn nhau. Điều quan trọng là cư xử một cách chuyên nghiệp và không để cái tôi cản trở mối quan hệ.

Victoria Maitland, giám đốc nhân sự của Seiko, một công ty kỹ thuật số có trụ sở tại Oakland (bang California, Mỹ), cho biết thay vì giả vờ như không có sự khó xử nào xảy ra, tốt hơn hai bên nên nói về tình huống một cách cởi mở.

Về phía nhân viên lớn tuổi, kinh nghiệm lâu năm đem lại sự tín nhiệm, giúp họ có thể trở thành cố vấn đáng tin cậy. Với sếp nhỏ tuổi, khả năng nắm bắt nhanh có thể đem lại "luồng gió mới" để cải thiện cách thức làm việc và hiệu quả sau cùng.

"Mặc dù sếp trẻ tuổi có nhiều kỹ năng công nghệ, nhân viên lớn tuổi sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đối phó các tình huống khó khăn. Mỗi bên có một thế mạnh riêng và bổ trợ cho nhau".

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-tam-bang-doi-truong-cua-mbappe-khien-dan-anh-that-vong-post1415179.html