Vì sao tăng trưởng cao nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thanh Hóa liên tục giảm sâu?

Trong những năm qua, Thanh Hóa liên tục là địa phương có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa liên tục giảm sâu, năm 2022 xếp thứ 47 cả nước...

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc VCCI Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc VCCI Thanh Hóa

Để giải đáp câu hỏi này, VnEconomy đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc VCCI Thanh Hóa, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia khảo sát chỉ số PCI.

Thưa ông, vì sao trong những năm qua, kinh tế tỉnh Thanh Hóa liên tục tăng trưởng cao nhưng chỉ số PCI liên tục giảm điểm?

Trong những năm vừa qua, Thanh Hóa là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nhóm dẫn đầu của cả nước. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 39.519 tỉ đồng, vượt 49% dự toán và tăng 25% so với năm 2020.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,51%, đứng thứ 7 cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt 50.000 tỉ đồng, vượt 71% dự toán và tăng 24,6% so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa liên tục bị tụt hạng, có năm còn giảm điểm. Năm 2021, đạt 63,21 điểm, đứng thứ 43 (giảm 0,7 điểm, tụt 15 bậc). Năm 2022, đạt 63,67 điểm, đứng thứ 47 (tăng 0,46 điểm, tụt 4 bậc).

Thực tế cho thấy, bức tranh tăng trưởng kinh tế và diễn biến PCI của một địa phương thường có cùng chiều hướng, nhưng những trường hợp trái chiều cũng không hiếm. Vì PCI và tốc độ tăng trưởng kinh tế có phạm vi phản ánh, các yếu tố cấu thành, đối tượng đánh giá, đối tượng được đánh giá khác nhau. Cụ thể:

Tăng trưởng kinh tế của một địa phương trong một năm là tổng hợp kết quả hoạt động về kinh tế của tất cả các lực lượng, thành phần trong đó quan trọng là: Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất – kinh doanh (bao gồm cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức), người lao động, quân và dân, các tổ chức đoàn thể, vv… trong năm đó. Đôi khi, kết quả tổng hợp này còn có sự đóng góp của các dự án đầu tư, chương trình, giải pháp phát triển kinh tế đã triển khai trong những năm trước hoặc giai đoạn trước nhưng đến năm đánh giá mới phát huy hiệu quả và được ghi nhận.

Trong khi đó, PCI là đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp của hệ thống chính quyền được thể hiện thông qua 10 khía cạnh quan trọng (10 chỉ số thành phần) của môi trường đầu tư – kinh doanh, có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian đánh giá của PCI cũng giới hạn trong từng năm chứ không mang tính kế thừa của các năm trước.

Như vậy, có thể thấy rằng tăng trưởng kinh tế là kết quả và mang tính tổng hợp. Còn PCI là một yếu tố, nhưng là yếu tố rất quan trọng, góp phần tạo nên kết quả tổng hợp đó. Vì vậy, đôi khi tăng trưởng kinh tế và diễn biến PCI của một địa phương có xu hướng trái chiều nhau vẫn xảy ra.

Thanh Hóa cần có những biện pháp cụ thể gì để cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới?

Việc cải thiện chỉ số PCI cùng với các chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), PAR INDEX (Chỉ số cải cách hành chính), SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh Hóa, đã được xác định tại Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 05/8/2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần XIX nhiệm kỳ 2020-2025.

Tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, các kế hoạch, chương trình hành động cải thiện chỉ số PCI đến các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Các giải pháp, nhóm giải pháp đã được đưa ra tại hệ thống văn bản nói trên đã cụ thể và phù hợp.

Nhưng điều quan trọng là chất lượng thực thi các giải pháp, nhóm giải pháp, làm sao để các doanh nghiệp cảm nhận được rõ ràng hơn sự đồng hành, được hưởng lợi nhiều hơn từ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính của các cấp chính quyền. Trách nhiệm và các nhiệm vụ cải thiện PCI nói riêng, môi trường đầu tư – kinh doanh của tỉnh nói chung, cần phải được chuyển tải xuống các cấp chính quyền, bộ phận, vị trí việc làm sát với doanh nghiệp nhất, trực tiếp giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Quá trình và kết quả thực hiện các giải pháp này phải được lượng hóa để làm thước đo khách quan, dễ soi chiếu, dễ giám sát, tạo động lực thúc đẩy tính chủ động cải thiện từ cấp cơ sở. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang giao cho VCCI Thanh Hóa triển khai DDCI cũng nhằm góp phần hướng đến mục tiêu này.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mỗi sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện cũng cần có các công cụ đánh giá riêng, phù hợp với đặc điểm của đơn vị mình để góp phần cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh của Tỉnh một cách thiết thực, toàn diện hơn trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ số PCI phụ thuộc rất lớn vào việc chọn mẫu khảo sát. Xin ông cho biết cách thức chọn mẫu của VCCI tại Thanh Hóa để khảo sát như thế nào?

Trong tất cả các cuộc khảo sát xã hội học, việc chọn mẫu khảo sát là quan trọng và cần phải được tiến hành cẩn thận, kỹ lưỡng và phù hợp với các nguyên tắc khoa học. Trong 18 năm thực hiện, PCI luôn được thực hiện đảm bảo các nguyên tắc khoa học trong tất các khâu từ thiết kế nghiên cứu, chọn mẫu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và công bố báo cáo. Dữ liệu dùng trong đánh giá PCI gồm 2 nguồn: (i) Đánh giá của doanh nghiệp tham gia khảo sát tại các địa phương; và (ii) Các số liệu thống kê của địa phương được công bố công khai bởi các cơ quan bộ ngành, ví dụ Tổng cục Thống kê.

Việc chọn mẫu phục vụ khảo sát PCI được thực hiện theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng từ danh sách tổng thể các doanh nghiệp đang hoạt động tại từng tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp trong danh sách tổng thể được phân nhóm theo các đặc điểm số năm hoạt động, quy mô, loại hình sở hữu, ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Từ từng nhóm nhỏ này, một số doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên với số lượng được chọn phù hợp với tỷ lệ về số lượng doanh nghiệp của nhóm so với tổng thể. Cỡ mẫu ở từng địa phương cũng đã được tính toán dựa trên các công thức về cỡ mẫu để đảm bảo mức độ tin cậy cao nhất, đồng thời đảm bảo tính đại diện và có thể suy rộng được kết quả cho tổng thể.

Năm 2022, cả nước có 108.725 doanh nghiệp được lựa chọn mời tham gia khảo sát, trong đó 11.872 doanh nghiệp đã phản hồi; tỉnh Thanh Hóa có 1.178 doanh nghiệp được mời tham gia khảo sát và đã có 222 doanh nghiệp phản hồi (trong đó có 40 doanh nghiệp mới thành lập). Đây có thể là cỡ mẫu chưa lớn, nhưng phương pháp chọn mẫu và tính nghiêm túc trong triển khai thực hiện mới đóng vai trò then chốt trong việc mẫu điều tra đảm bảo đại diện cho tổng thể. Đây là cách thức lựa chọn mẫu đang được sử dụng thống nhất cho khảo sát PCI tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Song Khánh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-tang-truong-cao-nhung-chi-so-nang-luc-canh-tranh-cap-tinh-cua-thanh-hoa-lien-tuc-giam-sau.htm