Vì sao Tánh Linh hay bị thiên tai?
Tánh Linh là 1 trong những huyện đứng 'tốp đầu' của tỉnh về tình hình chịu ảnh hưởng nặng nề về thiên tai. Hầu hết năm nào ở Tánh Linh cũng có thiên tai nên các xã, thị trấn đều tăng cường công tác phòng chống thiên tai, đưa công tác này vào nhiệm vụ quan trọng để hoàn thiện bộ tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Nhiều người trước đây vẫn nghĩ ở trên núi an toàn, ít chịu ảnh hưởng thiên tai như những nơi khác nhưng khi nghe tin lũ quét ở khu vực vùng núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề thì mới biết ở miền núi vẫn có nhiều thiên tai “đặc thù” rất nguy hiểm. Nói đâu xa ở Bình Thuận có huyện Tánh Linh năm nào cũng có lũ quét, lũ cục bộ, lốc xoáy khiến nhiều nhà cửa tốc mái sập tường, vườn tược ruộng đồng tan hoang nhìn đến nao lòng. Đó là chưa kể đến việc một số người thiệt mạng, vì thiên tai khiến ai cũng xót xa mà như trong năm 2024 Tánh Linh có đến 4 người mất vì thiên tai. Năm 2024, toàn huyện Tánh Linh hầu hết các xã đều bị ảnh hưởng thiên tai, trong đó, số căn nhà bị ngập, tốc mái, hư hỏng 231 căn, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp 35,96 ha, thiệt hại cơ sở hạ tầng 15 hạng mục. Tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2024 ở Tánh Linh về vật chất ước hơn trên 18 tỷ đồng. Đó chưa phải là con số lớn nhất thiên tai gây thiệt hại cho Tánh Linh so với những năm trước đây.
Vì sao Tánh Linh hay bị thiên tai? Trong những năm qua hệ thống thủy lợi ở Tánh Linh được đầu tư bài bản, nhất là kênh chính Nam và kênh chính Bắc đã phát huy hiệu quả cho sản xuất hàng ngàn ha lúa ở Tánh Linh và Đức Linh, nâng cao thu nhập cho nông dân trong vùng. Nhưng vì sao một số cánh đồng lúa vẫn hay bị ngập?
Nguyên nhân chủ yếu là do địa hình Tánh Linh có đặc thù khác với các huyện khác trong tỉnh. Ở Tánh Linh phía bên phải nguồn (tính từ Lạc Tánh đi lên phía bắc sông) là núi với nhiều suối chảy về hạ nguồn ở phía trái là đồng ruộng. Phía trên núi Tánh Linh có hồ thủy điện Đa Mi xả nước theo dòng sông La Ngà, con sông La Ngà chảy qua các xã từ La Ngâu, Đồng Kho, Bắc Ruộng, Nghị Đức, Lạc Tánh đến xã Đức Phú, Gia An. Do địa hình núi cao nên mỗi lần có mưa lớn ở thượng nguồn nước tự nhiên sẽ ồ ạt đổ về hạ nguồn khiến các sông, suối quá tải. Ngoài những cánh đồng bị ngập sâu gây hư hại lúa, hoa màu thì nhiều nhà dân ở gần sông suối và phí cuối hạ nguồn cũng bị ngập lụt thường xuyên. Mặt khác, do địa hình núi cao, triền dốc nên vào mùa mưa Tánh Linh hay có lũ quét cục bộ và lốc xoáy...
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) Tánh Linh, nhằm hạn chế hậu quả thiên tai trong thời gian qua, UBND huyện Tánh Linh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phòng tránh một số hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, sét, lốc xoáy. Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão, chủ động triển khai phương án ứng phó, xử lý tình huống phòng tránh dông, lốc xoáy, sét, mưa đá cục bộ thời điểm giao mùa trên địa bàn huyện. Chủ động triển khai kiểm tra, rà soát chủ động phòng chống ngập, mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân trong mùa mưa trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các địa phương ở các khu vực ven sông, trũng thấp nạo vét, vớt rác trong khu dân cư, hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi. Nghiêm cấm nhân dân bơi qua sông làm nương rẫy, ở lại tại rẫy, ở lại ngoài đồng, trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá... kêu gọi dân về nhà khi mưa, lũ.
Ngay sau khi xảy ra các loại hình thiên tai mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập cục bộ khu dân cư thì Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã chỉ đạo, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn (nơi có xảy ra thiệt hại) triển khai các biện pháp ứng phó, huy động các đơn vị liên quan hỗ trợ ứng cứu và đội xung kích PCTT các xã đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân...
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/vi-sao-tanh-linh-hay-bi-thien-tai-126838.html